Tại họp báo của TP.HCM vào tối 10/7, PV Người Đưa Tin Pháp luật đặt câu hỏi với lãnh đạo sở Y tế TP.HCM về việc người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng chưa có giấy xác nhận như: Trường hợp của các giáo viên trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, TP.HCM, sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19 đến nay đã hơn 3 tuần, họ chưa nhận được giấy xác nhận. Các giảng viên của đại học Văn Lang, tiêm chủng tại viện Pasteur TP.HCM cũng chưa nhận được giấy xác nhận sau nửa tháng đã tiêm phòng Covid-19.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM nói: “Theo nguyên tắc, đã tiêm vaccine thì phải có giấy xác nhận. Nhưng, công tác triển khai tiêm chủng 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong vòng 7 ngày của TP.HCM là áp lực rất lớn".
Lãnh đạo sở Y tế TP.HCM cho hay, hiện nay, bộ phận công nghệ đang giúp ngành y tế nhập dữ liệu người đã tiêm vaccine. Đây là trục trặc do áp lực quá lớn, không chuẩn bị kịp nên mong người dân hết sức chia sẻ.
Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM đang giúp đỡ để ngành y tế ứng dụng công nghệ trong việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
“Bộ Y tế và bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang yêu cầu áp dụng nhưng đợt trước quá ít thời gian. Chúng ta cố gắng cho đợt sau. Ai đăng ký được bằng ứng dụng thì tốt, nếu không thì làm cách thủ công vì cần thời gian để vận hành hệ thống. Hiện sở Y tế TP.HCM đang khẩn trương xử lý”, ông Thượng chỉ ra.
Cũng theo thông tin từ lãnh đạo sở Y tế TP.HCM, tại TP.HCM, các bệnh viện đã được huy động tối đa cho việc điều trị Covid-19. Bốn bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM điều trị Covid-19 là: Bệnh viện Chợ Rẫy (300 giường), bệnh viện Bệnh nhiệt đới (300 giường), bệnh viện Nhân dân Gia định (150 giường) và bệnh viện Nhân dân 115 (250 giường).
Trước yêu cầu của bộ Y tế về việc TP.HCM cần lên kế hoạch chuẩn bị 50.000 giường bệnh, lãnh đạo sở Y tế TP.HCM thông tin, TP.HCM đã chuẩn bị được 36.500 giường. Trong đó, 4 bệnh viện dã chiến đã đạt tổng số 30.000 giường bệnh.