Từ những cuộc giao tranh khốc liệt vào thập niên 1920 đến tranh cãi ở Síp nổ ra vào những năm 1970, biển Aegean luôn là nguồn cơn căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm nay, nơi đây một lần nữa trở lại trên các trang đầu tin tức quốc tế, với những tuyên bố hiềm khích đưa ra bởi Athens và Ankara, làm sống lại mối quan hệ mâu thuẫn lâu đời giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đối đầu lịch sử này còn là một tập hợp các lợi ích về năng lượng và địa chính trị phức tạp, với chiến trường được mở rộng ở Đông Địa Trung Hải.
Nguyên nhân cho những căng thẳng gần đây xuất phát từ việc Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) ở Libya ký kết một bản ghi nhớ vào tháng 12/2019, với hai điểm lưu ý. Đầu tiên là vẽ lại đường ranh giới trên biển giữa Ankara và Libya, điều mà Chính phủ Hy Lạp coi là một mối đe dọa.
Điểm thứ hai, và cũng táo bạo nhất, một phần của hiệp ước bao gồm hợp tác an ninh và quân sự, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự để hỗ trợ GNA, chính thức đối đầu với Pháp, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ai Cập.
Do đó, Athens đã tìm cách ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng ảnh hưởng ở Đông Địa Trung Hải, chuyến thăm Paris của Thủ tướng Hy Lạp vào đầu năm nay đánh dấu một bước ngoặt rõ rệt trong chính sách đối ngoại.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis kết tinh mối quan hệ chính trị và quân sự mới giữa Paris và Athens, mà Tổng thống Pháp gọi là "khuôn khổ phòng thủ chiến lược".
Phía Pháp hứa sẽ ủng hộ lập trường của Athens đối với Ankara liên quan đến vấn đề biên giới trên biển và tranh cãi về vấn đề Síp. Đổi lại, Athens đồng ý phối hợp chính sách đối ngoại và quân sự với Paris.
Hai ngày sau cuộc họp, Paris đã điều tàu chiến tới bờ biển Hy Lạp để chứng tỏ sự ủng hộ của mình đối với đồng minh châu Âu chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, đánh dấu bước leo thang đầu tiên của Athens chống lại Ankara.
Quan điểm địa chính trị
Trong cuộc xung đột hiện nay, mỗi bên đang cố gắng áp đặt quan điểm của mình ra ngoài phạm vi luật pháp quốc tế, bằng cách xây dựng các quan hệ quốc tế mới. Bên Hy Lạp dựa vào hai yếu tố.
Thứ nhất, họ sử dụng tư cách thành viên EU để gây áp lực kinh tế lên Ankara. Athens cũng đang tận dụng lập trường trong cuộc khủng hoảng di cư với Thổ Nhĩ Kỳ, khi tự cho mình là “lá chắn” giúp châu Âu chống lại làn sóng người nhập cư và người tị nạn. Đổi lại, nước này yêu cầu EU áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Ankara.
Yếu tố thứ hai tạo nên thế trận của Athens là làm bình phong cho những kẻ thù chung của Ankara. Chính phủ Hy Lạp ngày nay tự thể hiện mình như một bức tường thành chống lại chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và là một đường dẫn cho những ai muốn gửi thông điệp gây áp lực, đe dọa chống lại chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ .
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ hiểu nhu cầu kinh tế của EU đối với thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và sử dụng đây làm đòn bẩy. Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng xây dựng quan hệ song phương cấp cao với các nước EU như Italy, Tây Ban Nha, Malta.
Những mối quan hệ này tạo thành sự bảo vệ cho Ankara trong bất kỳ phong trào nào của Hy Lạp trong EU. Ankara biết rằng phía Hy Lạp không muốn tiến tới Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), nơi không có khả năng áp dụng tầm nhìn đầy đủ của Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải.
Nhưng trong khi các chính trị gia của cả hai quốc gia đang tính toán lập trường dựa trên những lợi thế sẵn có, thì “ông lớn” Mỹ có thể là người can dự sau cùng.
Tại Nhà Trắng, sự mơ hồ vẫn chiếm lĩnh quan điểm của Mỹ đối với căng thẳng giữa Ankara và Athens, giữa lúc mối quan hệ thân tình giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang phát triển theo chiều hướng tốt, liên quan đến các lợi ích ở Libya, Syria.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và nhu cầu cá nhân của Trump đối với sự hỗ trợ quốc tế từ các nước như UAE và Israel có thể là lý do để Nhà Trắng nghiêng về lập trường của Athens chống lại Ankara.
Quyết định của Washington hồi đầu tháng nhằm dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đối với Cộng hòa Síp có thể được hiểu là một bước đi trên con đường này.
Giới hạn xung đột
Bất chấp căng thẳng hiện tại, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không quan tâm đến bất kỳ hình thức leo thang nào, đặc biệt là với Hy Lạp. Ankara cần kết thúc xung đột Libya càng sớm càng tốt và gặt hái những thắng lợi quân sự trên bàn đàm phán. Đây là ưu tiên hàng đầu trong thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, việc các tàu Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện ra mỏ khí đốt ở Biển Đen đã nâng cao sự tự tin của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nước này chấp thuận tất cả các sáng kiến ngừng bắn của Đức ở Libya cũng như ngồi vào bàn đàm phán với Athens nhằm ngăn chặn bất kỳ xung đột quân sự nào giữa hai nước láng giềng.
Đối với Hy Lạp, lựa chọn của Athens cũng có những tính toán và không muốn dẫn đến kịch bản tiêu cực. Thứ nhất là điều kiện kinh tế hiện tại của đất nước đang suy thoái do Covid-19 nên chính quyền muốn chuyển sự chú ý sang tranh cãi ở biển Aegean, cũng như để tăng sự ủng hộ của công chúng.
Cuối cùng, Athens tin rằng sự hỗ trợ từ các đối thủ của Ankara có thể làm tăng khả năng nhượng bộ của Thổ Nhĩ Kỳ trong các cuộc đàm phán trong tương lai, và khả năng đảng Dân chủ giành quyền Nhà Trắng sẽ có lợi cho Athens.
Tuy nhiên, hành động của cả hai bên ở biển Aegean giống như đang nhảy múa trên vách đá và bất kỳ tính toán sai lầm hoặc quá tự tin nào cũng có thể dẫn khu vực vào một cuộc chiến đẫm máu mà không có người chiến thắng.