Dự báo mới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy, lạm phát dưới mức mục tiêu 2% trong cả năm 2023 và 2024, Bloomberg dẫn nguồn các quan chức quen thuộc với vấn đề này cho biết. Điều này giúp Chủ tịch ECB Christine Lagarde có cơ sở phản đối động thái nhanh chóng tăng lãi suất.
Theo dự báo hồi tháng 9, tăng trưởng giá tiêu dùng trong năm 2022 sẽ cao hơn mức 2,2%, nhưng sau đó sẽ chậm lại so với mức dự báo, các quan chức cho biết.
Các dự báo, lần đầu tiên kéo dài đến năm 2024, là đầu vào quan trọng trong việc xây dựng đường lối chính sách hậu đại dịch của ECB.
Tuy nhiên, thông tin chính thức sẽ được Hội đồng Thống đốc công bố sau cuộc họp diễn ra vào ngày 16/12. Người phát ngôn của ECB từ chối bình luận.
Cuộc họp sắp tới có thể sẽ là một trong những cuộc họp quan trọng nhất kể từ khi Lagarde nhậm chức Chủ tịch ECB vào năm 2019.
ECB đang mua 80 tỷ Euro trái phiếu mỗi tháng, theo 2 chương trình: 60 tỷ Euro theo Chương trình Mua Tài sản Khẩn cấp trong Đại dịch (PEPP) và 20 tỷ Euro theo Chương trình Mua Tài sản (APP).
Tại cuộc họp, các nhà hoạch định chính sách sẽ thảo luận về những thay đổi đối với APP và cách tái đầu tư các khoản nợ đáo hạn sau khi PEPP kết thúc vào tháng 3 tới.
Rất có khả năng ECB sẽ tiếp tục chương trình APP cho đến hết năm 2022 để thúc đẩy nền kinh tế của khối và thậm chí có thể gia hạn cho chương trình PEPP sau khi nó kết thúc, Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Pháp Les Echos hồi cuối tháng 11.
Bởi vậy, hầu hết các nhà kinh tế dự đoán rằng đợt tăng lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra sớm nhất là vào năm 2023. Còn các thị trường tiền tệ cho rằng một đợt tăng 10 điểm cơ bản sẽ diễn ra vào tháng 12/2022.
Trong khi đó, Chủ tịch Lagarde đã nỗ lực đưa ra định hướng rằng động thái này sẽ không diễn ra sớm như các nhà đầu tư dự đoán, nhấn mạnh rằng sự gia tăng lạm phát hiện tại, đang ở mức 4,9%, chỉ là nhất thời. Mức tăng giá tiêu dùng được dự báo dưới 2% trong tương lai có thể củng cố quan điểm trên.
Tuy nhiên, sức mạnh của lập luận đó có thể phụ thuộc vào mức độ lạm phát mục tiêu giảm xuống trong các dự báo. Lạm phát càng gần mức 2%, các nhà hoạch định chính sách “diều hâu” càng có cơ sở để nhấn mạnh mối đe dọa áp lực giá đang trở nên cố hữu.
Theo một quan chức, dự báo sẽ chỉ cho thấy lạm phát dưới mục tiêu trong cả năm 2023 và 2024, nhưng nó không tính đến các yếu tố có thể chứng minh rủi ro tăng giá.
Các yếu tố như vậy bao gồm chi phí của nhà ở do chủ sở hữu sử dụng - một yếu tố mới được xem xét kể từ khi đánh giá chiến lược của ECB được công bố vào tháng 7 - và một số chính sách đã công bố nhưng chưa được thực hiện, như việc Đức lên kế hoạch tăng 25% mức lương tối thiểu, vị quan chức này cho biết.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Nasdaq, Reuters)