Bartomeu đã đốt 311 triệu euro một đêm như thế nào
Hợp đồng giữa De Jong và Barca có lẽ là một trong những chuyện kỳ dị nhất trong lịch sử bóng đá và khó có thể tưởng tượng còn xảy ra trong thời đại này. Sự kỳ dị này bắt nguồn từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng nguyên nhân chính đến từ sự quản lý yếu kém của ban lãnh đạo Barca.
Để hiểu rõ vấn đề, cần quay ngược thời gian. De Jong gia nhập Barca trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2019 với mức phí chuyển nhượng 75 triệu euro, tính cả phụ phí là 86 triệu euro, con số khổng lồ cho một tiền vệ 22 tuổi và thời điểm đó được định giá khoảng 50 triệu euro. PSG và Man City, hai trọc phú tiêu tiền không phải nghĩ cũng phải chào thua gã khổng lồ xứ Catalonia trong cuộc chạy đua này.
De Jong ký hợp đồng 5 năm với Barca và nhận mức lương 14 triệu euro/năm, cũng là con số vô cùng khủng khiếp. Ngoài De Jong, như đã biết, trước đó Los Blaugrana còn chiêu mộ Griezmann, Coutinho, Dembele v.v. với khoản phí chuyển nhượng cho mỗi thương vụ trên dưới 150 triệu euro. Không những vậy là số tiền 500 triệu euro cho bản hợp đồng cuối cùng có thời hạn 4 năm với Messi.
Thế nên đừng hỏi tại sao Barca nhanh chóng đi đến bờ vực phá sản với khoản nợ 1,3 tỷ euro khi đại dịch ập đến. Không đủ tiền gồng gánh quỹ lương khổng lồ nhất thế giới bóng đá, ước chừng 600 triệu euro/năm, đội bóng xứ Catalonia buộc phải đàm phán với các trụ cột để thu nhỏ quỹ lương.
Sau lượt trận thứ tư vòng bảng Champions League 2020/21, với chiến thắng tưng bừng 5-1 trước Ferrencvaros vào ngày 20/11/2020, chủ tịch Hội đồng quản trị Barca, Josep Maria Bartomeu, triệu tập 4 cầu thủ Ter Stegen, De Jong, Lenglet và Piqué vào phòng để thương thuyết tìm cách giải cứu câu lạc bộ. Ngài Nobita đã đưa ra một đề nghị rất phi kế toán và cả 4 cầu thủ, dĩ nhiên giỏi toán hơn, vui vẻ đồng ý không cần suy nghĩ.
Cụ thể, Barca đưa ra đề nghị cả 4 cầu thủ này giảm lương ở thời điểm đại dịch, đổi lại họ sẽ được ký hợp đồng mới với thời hạn dài hơn và mức lương… không đổi. Chẳng hạn như De Jong, tiền vệ này được gia hạn hợp đồng thêm 2 năm, từ đáo hạn 2024 sang đáo hạn 2026. Trong hai mùa đại dịch 2020/21 và 2021/22, cầu thủ người Hà Lan chỉ nhận mức lương lần lượt là 3 và 9 triệu euro.
Tuy nhiên hai mùa tiếp theo, tức 2022/23 hiện tại và 2023/24, De Jong sẽ được trả bù 16 triệu euro tiền lương cho 2 mùa giải còn thiếu, và vẫn nhận đủ 14 triệu euro tiền lương mỗi năm. Đến 2 mùa cuối trong hợp đồng, 2024/25 và 2025/26, tiền vệ người Hà Lan trở về nhận mức lương 14 triệu euro/năm. Các trường hợp khác cũng tương tự, Pique gia hạn đến 2024, Ter Stergen đến 2025 và Lenglet là 2026.
Như vậy, chỉ trong một đêm 20/11/2020, Bartomeu đã giúp Barca tiết kiệm 30 triệu euro cho mùa giải 2020/21, nhưng sẽ phải cam kết trả tổng số tiền lương lên tới 311 triệu euro trong tương lai cho 4 cầu thủ vừa nêu. Một tuần sau, Bartomeu và Hội đồng quản trị của ông tuyên bố… từ chức.
Vì sao hợp đồng De Jong phi pháp?
Sau khi Bartomeu và Hội đồng quản trị của ông từ chức, trái bóng trách nhiệm hay đúng hơn là cuộc khủng hoảng tài chính của Barca được đẩy lại cho nhiệm kỳ sau, tức Joan Laporta và Hội đồng quản trị đương nhiệm.
Một trong những nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu của Laporta và cộng sự là thu gọn quỹ lương. Bất kể Messi đã hết hợp đồng và ra đi, quỹ lương của Barca vẫn cứ tăng vọt vì những hợp đồng phi kế toán như Bartomeu đã ký với De Jong. Từ Camp Nou, các nhân viên kiểm toán tính ra rằng trong hàng tá trường hợp, số tiền các cầu thủ thu về từ hợp đồng mới là… gấp đôi so với hợp đồng cũ.
Không chỉ vậy, hợp đồng mới của De Jong được ký chỉ 1 ngày trước thời điểm Barca bước vào đàm phán với tất cả thành viên đội bóng, từ cầu thủ, HLV đến nhân viên, để đạt thống nhất giảm lương vì ảnh hưởng của đại dịch. Sau đó tất cả thành viên đội bóng đều đồng ý cắt 12% lương. Và 1 tuần sau thì Bartomeu từ chức.
Vì những chi tiết bất minh như vậy, Hội đồng quản trị đương nhiệm của Barca xem rằng các điều khoản trong bản hợp đồng mới của De Jong cũng như các cầu thủ khác là bất hợp pháp. BLĐ đội bóng cũng liên hệ với hai công ty luật và xác minh được có dấu hiệu “tội phạm” do ban quản trị tiền nhiệm điều hành thiếu “trung thực”.
Thế nên, Barca đã nói chuyện với các cầu thủ, đặc biệt là De Jong, để giải thích tình hình và cảnh báo nếu không đồng ý tự nguyện giảm lương và trở lại với các điều kiện đã ký trong hợp đồng cũ, nếu không các thủ tục tố tụng hình sự sẽ được khởi động. Khi đó, phán quyết hợp đồng mới có hiệu lực hay không sẽ do thẩm phán.
Tuy nhiên, đến hiện tại mới chỉ có Pique chấp nhận đàm phán giảm lương. De Jong cũng như Ter Stegen và Lenglet đều khước từ đề nghị và yêu cầu Barca “nói chuyện” với người đại diện. Và đến hiện tại, người đại diện của các cầu thủ này vẫn giữ vững lập trường những gì đã ký là giấy trắng mực đen và không hề vi phạm luật pháp.