Jordan hủy cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Biden và một số nhà lãnh đạo Ả Rập dự kiến tổ chức tại nước này vào ngày 18/10. Ảnh minh họa: AP
Theo Al Jazeera, tâm điểm trong chuyến thăm Trung Đông của ông Biden vào ngày 18/10 là cuộc họp thượng đỉnh ở Jordan với một số nhà lãnh đạo Ả Rập, trong bối cảnh Israel không ngừng ném bom vào Dải Gaza.
Nhưng ngày 17/10, Jordan đã hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh này sau khi một vụ nổ xảy ra ở bệnh viện Al-Ahli Arab của Dải Gaza, cướp sinh mạng hơn 500 người.
Quốc vương Abdullah của Jordan đổ lỗi cho Israel về vụ nổ và kêu gọi Israel chấm dứt ngay lập tức chiến dịch trả đũa nhằm vào Dải Gaza. Giới chức Israel cho rằng vụ nổ là hậu quả của vụ phóng rocket thất bại của một nhóm Thánh chiến Hồi giáo.
Theo phóng viên Maziar Motamedi của Al Jazeera, quyết định của Jordan gợi lại một lịch sử phức tạp giữa nước này và Israel, kéo dài từ thời điểm thành lập nhà nước Israel và tiếp tục ảnh hưởng tới các động lực chính trị trong khu vực.
Israel và Jordan, 2 nước láng giềng, đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh nhưng luôn duy trì liên lạc. Điều này cuối cùng dẫn đến việc ký hiệp ước hòa bình năm 1994. Tuy nhiên, mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước vẫn không cải thiện khi vẫn bị bóng tối của cuộc đấu tranh giành quyền thành lập nhà nước Palestine bao trùm.
Không ít lần đối đầu
Sau kế hoạch phân chia của Liên Hợp Quốc liên quan đến lãnh thổ Palestine năm 1948, nhà nước Israel được thành lập. Cùng năm đó, một liên minh quân sự các quốc gia Ả Rập, trong đó có Jordan, đã tấn công Israel. Cuối cuộc chiến năm đó, Jordan kiểm soát Đông Jerusalem và khu vực Bờ Tây.
Jordan cũng là nước tham gia chính trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967, khi nước này liên kết với Ai Cập để đối đầu với Israel. Kết quả cuộc chiến này đánh dấu thắng lợi lớn của Israel, Jordan mất quyền kiểm soát ở cả Đông Jerusalem và khu vực Bờ Tây.
Theo Al Jazeera, Jordan và Israel được cho là vẫn duy trì các kênh liên lạc ngay cả trong thời kỳ chiến tranh. Hai nước này đã ký hiệp ước hòa bình năm 1994. Jordan trở thành quốc gia Ả Rập thứ hai, sau Ai Cập, thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.
Tác động của hiệp ước hòa bình 1994
Hiệp ước hòa bình 1994 giữa Israel và Jordan được ký ngay sau hiệp định Oslo đầu tiên (1993) - thành lập chính quyền Palestine. Israel và Jordan cũng ký một tuyên bố tại Nhà Trắng, cam kết chấm dứt thù địch và duy trì hòa bình lâu dài.
Hiệp ước hòa bình cũng giúp tăng cường hợp tác an ninh và mở đường cho việc thiết lập các dự án kinh tế đầy tham vọng giữa 2 nước.
Israel và Jordan sau đó còn đạt thỏa thuận giải quyết những lo ngại của Jordan về nguồn nước. Israel cam kết sẽ chia sẻ nguồn nước của mình cho Jordan. Năm 2014, hai nước ký một thỏa thuận cung cấp khí đốt từ các mỏ của Israel trong thời hạn 15 năm.
Thăng trầm trong quan hệ
Jordan duy trì lập trường cân bằng khi ủng hộ việc thành lập nhà nước Palestine, nhưng vẫn muốn giữ quan hệ với Israel. Ảnh: Reuters
Vấn đề Palestine chưa được giải quyết cùng một số sự cố trong những năm qua đã ảnh hưởng đến quan hệ giữa Israel và Jordan.
Năm 1997, một binh sĩ Jordan nổ súng vào một nhóm nữ sinh Israel, khiến 7 người thiệt mạng. Một thập kỷ sau, một thanh niên Palestine đã dùng dao đâm nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ tại Đại sứ quán Israel ở Jordan, buộc nhân viên này phải rút súng tự vệ. Vụ việc khiến 2 người thiệt mạng. Đại sứ quán Israel tại Jordan đã đóng cửa nửa năm. Thủ tướng Israel Netanyahu đã khen ngợi nhân viên bảo vệ khi người này về nước.
Cuối năm 2019, vua Abdullah II của Jordan nói rằng quan hệ của nước này với Israel "ở mức thấp nhất mọi thời đại". Nhưng sau đó, mối quan hệ Israel - Jordan dần cải thiện. Một số cuộc gặp cấp cao giữa 2 bên được tổ chức, trong đó có chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Israel tới Jordan năm 2022.
Dẫu vậy, căng thẳng hiện tại ở Dải Gaza có thể làm tan biến các dấu hiệu tích cực đó.
Mối quan tâm của Jordan hiện tại
Lúc này, Jordan phải đối mặt với nhiều thách thức hơn khi cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza chưa có dấu hiệu dừng lại.
Jordan có các thỏa thuận về nguồn nước và một số dự án kinh tế với Israel. Chưa kể nước này duy trì mối quan hệ tốt với Mỹ, một đồng minh của Israel. Tuy nhiên, Jordan không thể đứng nhìn chiến tranh leo thang.
Nước này đã lên án việc Israel ném bom vào dải Gaza và các lo ngại nhân đạo nghiêm trọng nảy sinh từ đó. Vốn là nơi tiếp đón hàng triệu người di cư từ Palestine, Syria và Iraq, Jordan rất cảnh giác với làn sóng mới của người tị nạn Palestine. Jordan nhấn mạnh, người Palestine cần phải ở lại vùng đất của họ nếu muốn thành lập một nhà nước trong tương lai.
Nguyễn Thái - Al Jazeera