Israel đã nêu quan điểm khẳng định không muốn chiến tranh với Hezbollah.
Ưu tiên hàng đầu của tình báo Mỹ và Israel hiện tại là xác định xem liệu lực lượng Hezbollah ở nước láng giềng Lebanon có phát động chiến dịch tấn công quy mô lớn hay không, giới chức Mỹ và Israel cho biết, theo New York Times.
Mỹ đã phải huy động hai tàu sân bay cùng một lượng lớn lực lượng quân sự ở Trung Đông chỉ để răn đe Hezbollah, cũng như ngăn Iran can thiệp. Giới chức Mỹ và Israel cho đến nay nhận định, thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah, không muốn chiến tranh toàn diện với Israel dù tổ chức này không hề e ngại Israel. Tuy vậy, quan chức Mỹ giấu tên nói tình hình vẫn có thể thay đổi.
Theo New York Times, một cuộc xung đột với Hezbollah sẽ diễn ra ở quy mô lớn hơn rất nhiều so với xung đột với Hamas mà một mình Israel có thể không gánh vác được. Trong tình huống đó, Mỹ để ngỏ khả năng huy động chiến đấu cơ trực tiếp không kích các mục tiêu Hezbollah.
Lực lượng Hezbollah sở hữu kho vũ khí uy lực hơn nhiều so với Hamas.
Hezbollah là lực lượng vũ trang hiếm hoi từng khiến Israel thất bại trong cuộc xung đột kéo dài 33 ngày vào năm 2006. Giới chức Mỹ lo ngại rằng, thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah có thể chịu sức ép từ các thành viên cấp cao theo đường lối cứng rắn, yêu cầu phải phát động chiến tranh để "nhắc nhở Israel". Tình báo Mỹ cũng cố gắng xác định xem nếu thủ lĩnh Nasrallah quyết định tấn công Israel thì quy mô chiến dịch sẽ lớn đến mức nào.
Hiện tại, các cuộc tấn công của Hezbollah sang lãnh thổ Israel chỉ diễn ra với quy mô nhỏ và dường như nhằm gửi thông điệp hưởng ứng Hamas.
17 năm trước, các tay súng Hezbollah tập kích bất ngờ nhằm vào lực lượng tuần tra Israel, sát hại 3 binh sĩ. Israel sau đó đáp trả bằng đòn không kích và đưa quân sang lãnh thổ Lebanon với mục tiêu quét sạch Hezbollah.
33 ngày giao tranh ác liệt khiến hơn 1.000 người Lebanon thiệt mạng, chủ yếu là dân thường. Phía Israel tổn thất 165 người, chủ yếu là binh sĩ và không đạt được mục tiêu đề ra.
Các tay súng của lực lượng Hezbollah ở Lebanon.
Hezbollah coi cuộc xung đột với Israel năm 2006 là một chiến thắng. Sự kiện này góp phần giúp Hezbollah trở thành một thế lực quân sự và chính trị hùng mạnh ở Lebanon. Nhưng chiến tranh cũng gây ra thiệt hại to lớn cho cơ sở hạ tầng ở quốc gia láng giềng Israel.
Chiến dịch thất bại năm đó tạo ra cơn địa chấn ở Israel, dẫn đến một cuộc điều tra toàn diện trong hàng ngũ quân đội. Cựu bộ trưởng quốc phòng Israel Moshe Arens khi đó công khai nói về "chiến dịch thất bại", kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra cấp nhà nước. Ông Arens nói Israel đã "thất bại trước một nhóm vũ trang chỉ có 5.000 người và không thể sánh bằng lực lượng quân đội mạnh nhất Trung Đông khi đó".
Báo cáo điều tra của chính phủ Israel sau đó kết luận rằng quân đội đã "phát động một cuộc chiến tranh kéo dài mà không thể giành chiến thắng".
Báo cáo nêu rõ rằng "một tổ chức bán quân sự gồm vài nghìn người đã chống lại đội quân mạnh nhất ở Trung Đông, với đầy đủ ưu thế về hỏa lực và công nghệ". Các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hezbollah vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt cuộc chiến trong khi quân đội Israel tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn. "Chiến dịch tấn công Hezbolllah không mang lại lợi ích quân sự và không đạt được bất cứ mục tiêu nào", báo cáo kết luận.
Israel không kích Dải Gaza hôm 15/10.
Kể từ đó, Hezbollah đã không ngừng củng cố sức mạnh, mở rộng kho rocket và tên lửa tầm xa - phần lớn trong số này được Iran cung cấp.
Theo New York Times, trong 8 năm qua, quân đội Israel đã tránh sát hại các tay súng Hezbollah, né tránh lực lượng Hezbollah trong các cuộc không kích ở Syria và Lebanon. Giới chức Israel tin rằng, bằng cách tránh gây hấn với Hezbollah, tình hình ở biên giới Lebanon đã ổn định trở lại.
Cho đến nay, Israel vẫn muốn giảm đến tối thiểu xung đột với Hezbollah. Đó là lý do Israel không đưa ra các tuyên bố cứng rắn với Hezbollah hay chỉ đáp trả lực lượng này theo kiểu "ăn miếng trả miếng", theo New York Times. Điều này cũng giúp thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah giảm bớt sức ép phải mở mặt trận quân sự mới hỗ trợ Hamas.
Giới chức Mỹ cho biết, động thái tiếp theo của thủ lĩnh Nasrallah còn tùy thuộc vào cách Israel thực hiện chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza.
"Nếu Hamas đứng trên bờ vực sụp đổ vì Hezbollah sẽ chịu sức ép lớn phải can thiệp, mở mặt trận tấn công ở phía bắc Israel", Mick Mulroy, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc và CIA, nhận định. "Càng nhiều dân thường Palestine thiệt mạng thì dư luận trong khu vực sẽ càng phẫn nộ và điều này tạo thêm áp lực với Hezbollah".
Đăng Nguyễn - New York Times