Tên lửa đạn đạo của Nga rời bệ phóng (ảnh: ABC)
Hôm 20/11, Tổng thống Ukraine Zelensky thông báo, từ ngày 24/2, quân đội Nga đã phóng hơn 4.700 tên lửa các loại vào nước này. Từ ngày 10/10, quân đội Nga liên tiếp mở các đợt tập kích tên lửa, trong đó có những đợt phóng từ 80 – 90 tên lửa đạn đạo.
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Oleksii Reznikov, nói rằng, Nga đã sử dụng tới 70% số tên lửa trong kho dự trữ. Theo ông Oleksii Reznikov, trước xung đột, Nga có hơn 1.800 tên lửa công nghệ cao. Tới giữa tháng 10, số tên lửa của Nga giảm chỉ còn 609 quả.
Trước đó, hồi tháng 5, John Kirby – phát ngôn viên Lầu Năm Góc – cho rằng, số lượng tên lửa dẫn đường chính xác của Nga đang bị tiêu hao với “tốc độ khá nhanh” trong cuộc chiến với Ukraine. Theo ông John Kirby, quân đội Nga sẽ sớm cạn tên lửa.
Vậy tại sao Nga vẫn không ngừng trút tên lửa với độ chính xác cao vào các mục tiêu ở Ukraine?
Phương Tây không thể nắm rõ số lượng tên lửa của Nga (ảnh: ABC)
1. Nga không ngừng sản xuất tên lửa mới
“Tôi đã nhiều lần nghe giới phân tích phương tây nói rằng Nga sẽ sớm hết vũ khí. Đừng mất công chờ đợi. Tiến độ xuất xưởng vũ khí và trang bị đang tăng gấp nhiều lần. Từ xe tăng, pháo binh đến tên lửa và máy bay không người lái. Hãy chờ đấy”, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev phát biểu hôm 24/10.
IHS Janes – tạp chí quốc phòng Anh – cho rằng, vài năm trước khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã mua vào một số lượng rất lớn chíp và thiết bị điện tử để sản xuất tên lửa. Đặc biệt là kể từ khi quan hệ Nga – phương Tây xấu đi sau sự kiện Moscow sáp nhập bán đảo Crimea.
Một số loại chip và thiết bị điện tử Nga nhập vốn được sử dụng cho mục đích dân sự. Nhưng các công ty quốc phòng Nga có thể cải tiến chúng và tích hợp vào vũ khí.
Trong xung đột, Nga có thể nhập linh kiện điện tử qua bên thứ 3. Đây là những doanh nghiệp sẵn sàng để Mỹ và phương Tây trừng phạt nếu bị phát hiện là trung gian mua linh kiện, theo IHS Janes.
“Các dây chuyền sản xuất tên lửa của Nga có thể đang hoạt động hết công suất. Kinh tế Nga gần như trong giai đoạn thời chiến. Nhiều nhà máy quốc phòng làm việc 3 ca/ngày và cả cuối tuần”, IHS Janes nhận định.
Hôm 25/10, Tổng thống Nga Putin kêu gọi quan chức dưới quyền đẩy nhanh tiến độ làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng để bảo đảm nguồn cung vũ khí cho chiến dịch ở Ukraine.
Ông Putin cũng thành lập một ủy ban, gọi là “Hội đồng điều phối đáp ứng nhu cầu của chiến dịch quân sự đặc biệt”. Tổng thống Nga chỉ đạo các thành viên của ủy ban “dồn hết tâm trí vào công việc” để “giải quyết các vấn đề nhanh chóng và hiệu quả”.
Theo ABC.net, năng lực sản xuất vũ khí liên tục là “chìa khóa” giúp Nga không cạn tên lửa và phương Tây cũng không thể đánh giá khách quan về kho tên lửa của Nga.
Một tên lửa Nga chưa phát nổ ở Ukraine (ảnh: CNN)
2. Nga rút tên lửa từ kho vũ khí chiến lược chuẩn bị cho xung đột với NATO?
Mark Cancian, cựu cố vấn vũ khí tại Nhà Trắng, cho rằng, bên cạnh số vũ khí sử dụng ở Ukraine, Nga còn có kho dự trữ tên lửa đề phòng xảy ra xung đột với NATO.
“Phương Tây không thể nắm rõ tình trạng kho vũ khí của Nga cũng như việc nước này còn bao nhiêu tên lửa”, ông Cancian nói.
“Xung đột Nga – NATO là kịch bản khó xảy ra, nhưng Moscow vẫn xem đó là nguy cơ và có kịch bản đề phòng. Khi xung đột với Ukraine tăng nhiệt, Nga có thể rút một phần kho dự trữ vũ khí đối phó NATO để mở cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn”, ông Cancian nhận định.
Ngoài năng lực tự sản xuất và rút tên lửa từ kho dự trữ, Nga cũng có thể mua máy bay không người lái (UAV) cảm tử từ Iran để tiết kiệm vũ khí tầm xa, theo nhận định của Kiev và một số quan chức phương Tây.
UAV là loại vũ khí giá rẻ và có thể khiến quân đội Ukraine “đau đầu” trong việc tìm phương án đánh chặn, theo AP.
Vương Nam – Japan Times, ABC.net