Người mẹ đi… cúng bái vì “mất kết nối” với con
Thạc sĩ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh cho biết, hiện nay rất nhiều bậc cha mẹ rơi vào trạng thái “mất kết nối” với con. Họ bối rối, khổ sở vì con không nghe lời, cãi láo, không muốn trò chuyện với cha mẹ.
Có trường hợp 2 vợ chồng là giáo viên, con gái họ ngoan ngoãn, học rất giỏi từ lớp 1 đến lớp 7. Thế nhưng đến lớp 9, cô bé học kém dần và không còn nghe lời bố mẹ nữa, nhiều lần cãi nhau tay đôi với bố mẹ.
Sau mỗi khóa học, các con đều trưởng thành và tự tin hơn rất nhiều
Sự thay đổi quá nhanh của con khiến cặp vợ chồng ấy vô cùng hoang mang vì “Đứa con gái ngoan ngoãn từ lớp 1 tới lớp 7 đâu rồi?”, “Đứa trẻ thông minh và nghe lời bố mẹ trước đây đâu mất rồi?”… Tìm đến cô Lanh, cặp vợ chồng ấy rất trăn trở, không biết mình đã sai ở đâu mà con càng lớn thì mối quan hệ giữa mình và con càng tồi tệ, xa cách, càng nuôi con thì càng đánh mất con?
Một gia đình khác thì có cậu con trai lớn không muốn nói chuyện với bố mẹ, mỗi cuộc nói chuyện chẳng khi nào quá 5 phút. Mấy năm liền cậu bé không ăn cơm cùng gia đình mà chỉ ăn sau khi bố mẹ ăn xong, hoặc khi bố mẹ ăn thì cậu mang cơm lên phòng. Không khí gia đình vì thế vô cùng ngột ngạt. Người mẹ đi cúng bái khắp nơi để mong con mình thay đổi nhưng chẳng cải thiện được gì. Tình cờ biết đến cô Lanh khi xem những bài giảng về phương pháp dạy con trên mạng, người mẹ này đã tìm đến.
Nghe người mẹ chia sẻ, cô Lanh nhận ra vấn đề của gia đình này là bố mẹ đã sai trong cách dạy con. Trước đây, họ hay soi xét, mắng con, so sánh con với các bạn khác, giữa cha mẹ và con không tìm được tiếng nói chung, dần dần tạo ra khoảng cách khiến con muốn tránh mặt bố mẹ.
“Con không phải vấn đề của ta mà ta mới là vấn đề của con”
Cô Lanh cho biết, tình trạng cha mẹ và con cái “mất kết nối” như hai gia đình trên xảy ra rất nhiều: “Có những anh chị chia sẻ với tôi rằng mỗi lần nghĩ về con, họ lại thấy bực bội, lo lắng, thậm chí là sợ sệt. Có anh chị còn nói con họ coi như bỏ, coi như không có nó trong cuộc đời, coi như nó không phải là con của mình. Họ cho rằng con là món nợ đời, là gánh nặng của bản thân mà quên mất rằng con đến với họ vốn là một món quà”.
Tình trạng bố mẹ và con cái mất kết nối, không hiểu nhau xảy ra rất nhiều
Theo cô Lanh, mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một thiên thần. Ngày bé, đứa trẻ nào cũng quấn bố mẹ, nhìn thấy bố là cười, nhìn thấy mẹ là lao tới ôm. Khi ấy, con thực sự đáng yêu, cha mẹ tin con chính là món quà mà vũ trụ gửi tặng mình.
Nhưng thời gian trôi qua, con càng lớn thì cảm xúc của cha mẹ cũng thay đổi, yêu thương ngày nào biến thành bực mình, lo lắng, khó chịu, thất vọng… Khi cha mẹ nghĩ đến con mà không thấy vui vẻ, hạnh phúc, chỉ thấy những cảm xúc tiêu cực thì lúc này con không còn là “món quà” nữa mà đã thành “gánh nặng”.
“Con đến với chúng ta là món quà, chúng ta nuôi con 10, 15 năm và giờ con trở thành gánh nặng. Vậy nên con không phải vấn đề của ta mà ta mới là vấn đề của con. Tại sao con không muốn gần gũi với cha mẹ? Bởi ở gần cha mẹ, con không có cảm giác an toàn, chúng cảm thấy bực dọc, khó chịu và sợ hãi”, cô Lanh nói.
Con chính là món quà vô giá của cha mẹ
Theo cô Lanh, không có đứa trẻ nào muốn bướng bỉnh, hư hỏng. Do các con từng bị cha mẹ kiểm soát, áp đặt, mắng mỏ, so sánh, không được ghi nhận nên tổn thương, nghĩ rằng cha mẹ không hiểu mình, từ đó có những hành vi chống đối hoặc ngày càng xa cách cha mẹ. Để thay đổi con, trước tiên cha mẹ cần phải thay đổi, chuyển hóa chính mình vì “cha mẹ mới là vấn đề của con”. Hãy nhớ rằng, bên trong con là một con người tuyệt vời và nếu chúng trở nên xấu thì chính cha mẹ là người ươm mầm cho hạt giống ấy sinh sôi.
Muốn hiểu con, kết nối được với con, cha mẹ cần lắng nghe, đặt mình vào vị trí của con, có sự tôn trọng dành cho con. Giai đoạn 13 – 14 tuổi, nhu cầu thể hiện bản thân của các con rất lớn, bố mẹ không nên mắng chửi, chê bai, phủ nhận tài năng của con trước mặt người khác. Bên cạnh đó, cần tôn trọng quyết định của con cho dù nó sai, không được kết quả như ý muốn nhưng nó cũng là bài học, trải nghiệm tuyệt vời cho con. Nếu làm tốt những điều này, mối quan hệ giữa cha mẹ và con sẽ được cải thiện theo hướng tích cực.