Vì sao trống đồng bị làm giả nhiều nhất?

Vì sao trống đồng bị làm giả nhiều nhất?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Hiện nay, trong cả nước nếu tính sơ sơ mỗi tỉnh cũng phải có đến 12 bảo tàng. Bảo tàng nào cũng có một đến vài chiếc trống đồng được cho là từ thời đại Đông Sơn, Ngọc Lũ, nhưng chính điều này lại đặt ra cho những người quan tâm một nghi vấn lớn: Làm sao lại có nhiều trống đồng đến thế?

Thời đại đồ đồng tính từ thời đại đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ ở Việt Nam cũng có đến 3-4 nghìn năm. Người Việt lúc bấy giờ còn sinh hoạt quần cư dưới hình thức các bộ lạc sống rải rác ở phía Bắc. Chiếc trống đồng được xem như của báu của cộng đồng. Các bộ lạc giàu có thì có khoảng một đến vài chiếc trống do kỹ thuật đúc trống đồng tương đối khó và sự khan hiếm của kim loại. Trống đồng, được xem là biểu trưng sức mạnh và sự giàu có của các bộ lạc.

Trong các cuộc giao chiến lúc bấy giờ, chiến lợi phẩm được xem là có giá trị nhất vẫn là những chiếc trống và đồ vật bằng kim khí (đồng vẫn là có giá trị hơn cả). Trải qua hàng ngàn năm, những cổ vật này lại được tìm thấy như một minh chứng cho sự phát triển đỉnh cao của một giai đoạn phát triển nền văn minh con người.

Xã hội - Vì sao trống đồng bị làm giả nhiều nhất?

Trống đồng là một trong những cổ vật bị đúc giả nhiều nhất

Tính ra từ thời đại Hùng Vương cho đến Hai Bà Trưng, suốt 3.000 năm đổ lại thì dân cư Đại Việt cũng chỉ mới dừng lại ở con số mấy vạn người. Các bộ lạc cũng chỉ tính đến con số hàng chục. Vậy mà nếu cộng tất cả các trống đồng ở các viện bảo tàng có được ở thời điểm hiện tại cũng đã lên tới con số hàng trăm, đấy là chưa tính ở các bảo tàng tư nhân. Nói một cách hài hước, mỗi người dân ở thời đại Hùng Vương có tới vài chiếc trống đồng (?). Chỉ cần suy luận một cách đơn giản cũng có thể thấy được phần trăm những chiếc trống đồng hiện có là đồ thật rất thấp.

Những cổ vật bằng đồng trên thế giới thường được gọi là đồng nổi còn ở Việt Nam chủ yếu là đồng mục. Có sự khác nhau về cách gọi như thế này là bởi phương thức cất giữ và phát hiện ra cổ vật. Đồng nổi là thuật ngữ chỉ những đồ đồng được cất giấu, lưu giữ trong các bảo tàng, các hang động, các kho đồ tư nhân được chăm sóc, bảo tồn tốt, qua hàng trăm năm vẫn không bị phong hóa, sùi, mòn. Đồ đồng ở Việt Nam thường được tìm thấy trong lòng đất, do quá trình cất giấu hoặc thay đổi địa chấn, khi tìm thấy thường ít nhiều đã bị phân hủy, phong hóa, người chơi đồ cổ quý một phần cũng là do sự hoài cổ. Chính do điều này đã tạo nên cơ hội để cho những gian thương tìm cách móc ngoặc, đánh lừa người mua.

Theo một nguồn tin cho biết, hiện tượng đúc giả trống đồng đã có cách đây hàng chục năm, cho đến giờ vẫn còn tiếp diễn và ngày càng tinh vi hơn. Nhiều người do nắm được kĩ thuật và đầu tư đã trở nên giàu có ở các địa phương nổi tiếng về trống đồng như Hòa Bình, Thanh Hóa… Kỹ nghệ này bắt đầu từ việc thu mua đồng mục ở các địa phương. Khi đào được những chậu, xanh, lọ bằng đồ đồng trong đất, người dân thường bán rẻ cho nhưng lái buôn. Sau khi phân loại, họ sẽ chia ra và bán thành phẩm tùy theo mức độ bị phong hóa của đồ vật. Với những đồ đồng đã bị phân hóa cao, không còn giữ được hình dáng và chất lượng cũng như mất giá trị trưng bày, một bộ phận sẽ bị gom lại, đem về nghiền thành bột bằng những máy móc công cụ cao. Với những chiếc khuôn được thiết kế tinh vi, mô phỏng nguyên bản chiếc trống đồng, người ta sẽ dùng những chiếc máy dập thủy lực hàng chục tấn để ép cho bột đồng thành khuôn. Với lực ép này, đến bột cũng trở nên cứng như kim loại, huống gì đồng?.

Điểm đặc biệt của công nghệ này là vẫn giữ nguyên được thành phần các-bon trong kim loại, có ô xít đồng sử dụng cùng thuốc chuyên đánh đồng, khi lên thì đồ vật có vân xanh giống hệt đồ cổ. Nếu bán ra nước ngoài thì vẫn đúng tiêu chuẩn của cổ vật nhưng chỉ cần có va chạm mạnh thì những chiếc trống này sẽ lập tức bị nứt vỡ. Trống giả, khi đốt lên thì có mùi hơi khét của keo hóa học. Những đồ này chỉ có thể xem là tiêu bản trống đồng. Với những người không có kiến thức chuyên sâu, chỉ mua vì sự mến mộ, yêu thích rất dễ bị đánh lừa. Mỗi chiếc trống đồng giả bán ra có giá hàng trăm triệu cho đến tiền tỷ, lợi nhuận như thế đã trở thành sự hấp dẫn không cưỡng nổi đối với gian thương. Khi có sự móc ngoặc cùng với những chuyên gia tư vấn, những chiếc trống đồng giả vẫn nghiễm nhiên có mặt trong các bộ sưu tập tư nhân mà chủ bộ sưu tập vẫn đinh ninh đang có trong tay cả một gia tài. Thực chất, cái họ có chỉ là đồ giả.

T.N