Hôm 10/6, Bộ Quốc phòng Nga công bố video UAV tự sát Lancet-3 lao thẳng vào chiếc Leopard 2A6 khiến chiếc xe tăng này bốc cháy.
Trong một video khác, UAV Lancet-3 phát hiện vị trí ẩn nấp của xe tăng Leopard 2A6 do binh sĩ Ukraine vận hành và tập kích mục tiêu.
Mẫu UAV tự sát Lancet của Nga.
Vì sao UAV cỡ nhỏ như Lancet-3, với trọng lượng đầy đủ khi cất cánh chỉ khoảng 15kg lại có thể hạ được xe tăng hiện đại do Đức sản xuất? Theo tạp chí quân sự Bulgaria Military, bí quyết nằm ở đầu đạn mà UAV Lancet-3 mang theo khi chiến đấu. Tập đoàn vũ khí Nga Kalashnikov đã đưa ra thay đổi trong thiết kế để UAV Lancet hiệu quả hơn trong việc phá hủy các phương tiện bọc thép. Kalashnikov nắm quyền điều hành ZALAA Aero Group - công ty sản xuất UAV Lancet.
Theo tạp chí Bulgaria Military, quân đội Nga luôn ưu tiên sử dụng UAV Lancet-3 để tập kích xe bọc thép đối phương, còn mẫu UAV sản xuất nội địa từ phiên bản Shahed-136 của Iran lại chủ yếu được sử dụng để tập kích cơ sở hạ tầng.
Xe tăng Leopard 2 của Ukraine bị UAV Lancet-3 tập kích.
Đầu đạn được trang bị cho UAV Lancet-3 không đơn thuần là đầu đạn chống tăng, mà còn đóng vai trò giống như tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM).
Trong môi trường chiến tranh hiện đại, bất cứ xe tăng nào cũng có thể bị loại khỏi vòng chiến đấu nếu trúng phải tên lửa chống tăng.
Ngay khi áp sát mục tiêu, UAV Lancet-3 sẽ phát nổ, phóng ra đầu đạn chống tăng với tốc độ khoảng 300 km/giờ, đủ để xuyên thủng giáp của chiếc Leopard 2A6, theo tạp chí Bulgaria Military.
Ngoài ra, còn một số yếu tố khác đóng góp vào thành công của UAV Lancet-3. Đó là nhà sản xuất đã nâng cấp hệ thống dẫn đường hiện đại.
Theo tạp chí Bulgaria Military, Nga có thể rất quan tâm đến việc tịch thu một xe tăng Leopard 2A6 bị phá hủy để phục vụ nghiên cứu. Lớp giáp trên mẫu xe tăng do Đức sản xuất này được tạo thành từ các vật liệu composite rất khác so với xe tăng Nga.
Đăng Nguyễn - Bulgaria Military