Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ điều này tại lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em”, chiều ngày 11/4, Ngày "Làm việc tốt".
Kết nối những điều ước của thầy cô, học sinh vùng khó khăn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Đảng, Nhà nước, cả xã hội luôn chăm lo cho thiếu niên nhi đồng, và “ai cũng nặng lòng khi xem những thước phim trong phóng sự chiếu tại lễ phát động, nhiều cháu học sinh không được ăn trưa đầy đủ để đến trường, nhiều trường học còn thiếu thốn đủ thứ”. Những điều đó thôi thúc mỗi người chúng ta cần làm điều gì đó cho các em, nếu đã làm rồi thì làm tốt hơn nữa, nếu chưa chú ý thì sẽ chú ý hơn nữa.
“Hôm nay, 11/4, cũng là ngày toàn thế giới làm việc tốt. Việc tốt nhất, đáng làm nhất là lo cho thế hệ tương lai”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn trước tiên các cấp ủy Đảng, chính quyền phải thấy đây là trách nhiệm hàng đầu, chứ không chỉ trông vào các nhà tài trợ, những tấm lòng thiện nguyện. “Dù còn nghèo, còn khó khăn nhưng nếu chúng ta chú ý hơn đến các cháu học sinh ở những nơi còn khó khăn thì chắc chắn vẫn có thể đầu tư, quan tâm nhiều hơn. Trực tiếp nhất là ngành giáo dục, các thầy cô giáo ở vùng khó khăn”.
Nhắc lại cuộc gặp 63 thầy cô giáo dân tộc thiểu số tiêu biểu tham dự Chương trình “chia sẻ cùng thầy cô”, tháng 11/2020, Phó Thủ tướng cho biết vô cùng xúc động khi nghe những điều ước của các thầy cô chỉ dành cho các cháu học sinh, không thầy cô nào có mong muốn cho riêng mình. Có những điều ước tưởng chừng ai cũng biết nhưng khi nghe lại chúng ta càng day dứt hơn như làm sao để các cháu học sinh có nhà vệ sinh sạch, có bữa ăn trưa đủ cơm, rau và có cá, thịt để các cháu được ăn no để học thêm buổi chiều...
“Các thầy cô giáo của chúng ta rất cao cả, rất cao đẹp, và đó cũng là ý tưởng ban đầu của Chương trình "Điều ước cho em". Hôm nay, đó là những điều ước rất đơn giản như lo nhà vệ sinh, bữa ăn trưa, áo ấm cho các cháu, và mai đây phải lo cho các cháu có bữa ăn đủ dinh dưỡng, có khu vui chơi, rèn luyện sức khỏe. Đẩy mạnh đổi mới phương thức dạy và học để các cháu học mà chơi, chơi mà học, được học tập, giao lưu với bạn bè quốc tế, được học những môn năng khiếu yêu thích hay được người lớn lắng nghe nhiều hơn…”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Chương trình "Điều ước cho em" không phải là một sự khởi đầu mà đã có hàng trăm nghìn tổ chức, cá nhân, những tấm lòng thiện nguyện lặng lẽ làm từ rất nhiều năm, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng với cách làm mới, Chương trình không chỉ nhận tiền tài trợ, mà còn trở thành điểm kết nối, hỗ trợ các nhà hảo tâm, cấp ủy Đảng, chính quyền. Tất cả các trường học, thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh, tình nguyện viên cập nhật lên Chương trình những yêu cầu thiết thực nhất ở trường mình, lớp mình. Những yêu cầu vật chất, tinh thần được truyền tải, phân thành những nhóm cụ thể cho chính quyền làm, cộng đồng hỗ trợ, ngành giáo dục tham gia. Những sự hỗ trợ được kết nối lại để không trùng lắp, được sử dụng tối ưu nhất, đều được công khai kết quả để cộng đồng tham gia giám sát.
“Đấy chính là hành động cụ thể, thiết thực thể hiện nhà trường, gia đình, xã hội cùng chăm lo cho tương lai con em chúng ta” Phó Thủ tướng nói và gửi lời cám ơn đến tất cả các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân từ trước đến nay luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em. Chương trình “Điều ước cho em” sẽ tiếp tục thực hiện những điều tốt đẹp đấy, lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội.
Chạm đến những ước mơ nhỏ nhất
Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em" được tổ chức vào ngày "Làm việc tốt" 11/4 nhằm khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái”, huy động nguồn lực từng bước hỗ trợ các trường học ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các Bộ ngành liên quan cùng phối hợp triển khai Chương trình “Điều ước cho em”.
Chương trình nhằm vận động kết nối nguồn lực, sẻ chia và lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng và xã hội để hỗ trợ hỗ trợ các cơ sở giáo dục cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường học tập và điều kiện học tập, sinh hoạt cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các tỉnh bị thiệt hại do lũ, lụt gây ra, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy phát triển giáo dục tại các địa bàn đặc biệt khó khăn.
Với nền tảng công nghệ trên Cổng nhân đạo quốc gia (https://inhandao.vn/dieu-uoc-cho-em), chương trình “Điều ước cho em" cho phép kết nối dòng chảy thiện nguyện, ủng hộ từ nhà hảo tâm đến những điểm trường khó khăn trên cả nước, theo tiêu chí “đúng đối tượng - đúng nhu cầu - đúng thời điểm”. Hiện đã có gần 2.000 trường học của 39 tỉnh đăng ký nhu cầu hỗ trợ trên Cổng nhân đạo quốc gia (http://inhandao.vn/Điều ước cho em); gần 5.000 trường học có dữ liệu đăng ký cụ thể nhu cầu hỗ trợ các điều ước.
Đáng chú ý, ngay sau cuộc gặp gỡ của 63 thầy cô giáo dân tộc thiểu số tiêu biểu tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tháng 11/2020, nhiều điều ước của các thầy cô ở những nơi khó khăn nhất của 16 tỉnh trên cả nước đã trử thành hiện thực với những công trình “trường đẹp cho rm”, “nhà bán trú cho em”, hàng vạn bữa ăn dinh dưỡng, nhiều suất học bổng có ý nghĩa và giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần đã được trao đến với các em học sinh, thầy cô giáo…
Dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đề án Hệ tri thức Việt số hóa đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình. Nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã trao biển cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng chương trình trao tặng 16 công trình "Trường đẹp cho em", "Nhà bán trú cho em", 1.000 “Nhà vệ sinh cho em", bữa ăn trưa cho trên 30.000 học sinh và hàng nghìn suất học bổng, quà tặng cho học sinh với tổng trị giá gần 127 tỷ đồng.
Theo Baochinhphu.vn