Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nhờ vào nguồn protein động vật dồi dào và hàm lượng chất dinh dưỡng cao, đem lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ nên từ xa xưa, ếch được con người nuôi với số lượng lớn để sử dụng làm thức ăn.
Vì vậy, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được thịt ếch đồng ở khắp các chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm hay trên các chợ online với giá chỉ từ 65-90 nghìn đồng/kg. Khách hàng muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có.
Loại ếch "đại gia" có giá gấp 10 lần ếch đồng nhưng vẫn khó mua.
Tuy nhiên, Việt Nam có một loại ếch được coi là đặc sản chỉ có tại vùng núi Mẫu Sơn của tỉnh Lạng Sơn có giá vô cùng đắt đỏ, gấp 5-10 lần các loại ếch thông thường. Giá cao nhưng để đặt mua vài con ếch hương, khách có thể phải chờ cả tháng mới có.
Theo tìm hiểu của PV, ếch hương là một trong những loài động vật lưỡng cư quý hiếm. Loại ếch này còn có nhiều tên gọi khác như ếch vương, ếch công nương, ếch tiến vua hay “ếch đại gia”, sống hoàn toàn trong tự nhiên trên núi Mẫu Sơn nên thịt rất thơm, dai, không tanh như ếch đồng.
Ếch hương có da màu nâu đen rất đặc biệt. (Ảnh: Chuyện của rừng).
Tuy nhiên, nguồn ếch hương trong tự nhiên tại vùng núi Mẫu Sơn hiện nay còn rất ít do quá trình biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến quá trình sinh sản và phát triển của chúng. Đồng thời, ếch hương là đặc sản có giá trị cao nên bị khai thác quá mức dẫn đến ngày càng cạn kiệt.
Là người địa phương cũng là chủ của nhà hàng chuyên về đặc sản Lạng Sơn, anh Vi Việt Hoàng, trú tại xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết, mùa sinh sản của ếch hương vào khoảng tháng 5-6 hàng năm, đến tháng 9-10 là thời điểm ếch trưởng thành đạt trọng lượng và chất lượng tốt nhất.
“Ếch hương trong tiếng Dao gọi là Tồng Keng, chúng sống hoàn toàn trong tự nhiên và theo như tôi biết thì hiện tại chưa thể nuôi và nhân giống được vì vậy giá rất cao”, anh Hoàng nói.
Con ếch hương đực có lớp gai ở phần ngực và to hơn ếch hương cái. (Ảnh: Chuyện của rừng).
Theo anh Hoàng, con ếch hương có đặc điểm rất riêng, khác hoàn toàn với ếch đồng nuôi vì có màu nâu đen giống màu đá, con đực có gai ở dưới cổ, trọng lượng lớn nhất cũng chỉ được khoảng 400g/con.
“Thời gian này, nhiều bà con ở các bản người Dao thường trèo đèo, lội suối lên núi Mẫu Sơn để săn ếch hương. Chúng sống ở những khe đá dọc bờ suối nên đường đi rất nguy hiểm và trơn trượt”, anh Hoàng chia sẻ.
Ban ngày, ếch hương chui vào khe đá hoặc hốc đất nên khó tìm hơn, phải thật tinh mắt mới thấy. Ban đêm, ếch ra khỏi hang để kiếm ăn, ngồi chễm chệ trên các mỏm đá với tiếng kêu ộp ộp, dùng đuốc hoặc đèn pin soi sẽ thấy mắt ếch màu đỏ. Thấy ánh sáng, chúng sẽ ngồi im và mình sẽ dễ dàng bắt được.
Trọng lượng của ếch hương to nhất chỉ được khoảng 300-400g.
“Nghe các cụ trong làng kể lại, trước đây, đến mùa ếch hương, người dân sẽ đi săn ếch rồi cung tiến cho nhà vua sau đó mới được bắt để ăn vì là sản vật quý, cần dâng lên vua chúa trước. Giờ giá ếch hương mua tại đây cũng phải từ 400-500 nghìn đồng/kg, đắt gấp nhiều lần ếch thường”, anh Hoàng phân tích.
Về các món ăn chế biến từ ếch hương, anh Hoàng cho rằng, tương tự như ếch đồng, sau khi mổ bụng, rửa sạch có thể chế biến được các món như ếch nấu măng chua, ếch xào xả ớt, ếch chiên giòn, lẩu ếch măng cay…
Đến hiện tại loại ếch này chưa thể nhân giống và nuôi với số lượng lớn.
Thịt ếch hương sau khi chế biến có vị ngọt, thơm, chắc như thịt gà chọi, không tanh như ếch đồng mà nhiều khi còn có mùi thơm như thuốc bắc do môi trường sống đặc biệt cùng các loại thức ăn chúng kiếm được trong rừng già.
“Nhiều khách ở Hà Nội tìm lên tận nơi để mua ếch hương vì dưới đó không có bán nên có tiền chưa chắc mua được. Trước khi lên họ phải đặt hàng trước cả tuần hoặc cả tháng, mua một lúc cả chục cân rồi chở về. Cũng có khi nhờ sơ chế, mổ sống rồi ướp lạnh, mang về chỉ việc chế biến”, anh Hoàng cho hay.
Hồng Cảnh