Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao
Trong các ngày 7 - 8/7, Đoàn Việt Nam với đại diện của 9 Bộ, ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh làm Trưởng đoàn đã dự Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) tại Phiên họp thứ 144 của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã trả lời phỏng vấn để đánh giá về kết quả Phiên đối thoại.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết đánh giá của Đoàn Việt Nam về kết quả Phiên đối thoại vừa diễn ra?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Việt Nam đã có một Phiên đối thoại với Ủy ban nhân quyền trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, cầu thị và chúng tôi cho rằng đây là một Phiên đối thoại rất thành công.
Đoàn Việt Nam đã đưa ra thông điệp rõ ràng để khẳng định quan điểm, chủ trương nhất quán của Việt Nam với phương châm đặt con người ở vị trí trung tâm, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.
Việt Nam đã và luôn dành những nguồn lực tốt nhất để thúc đẩy, đảm bảo thực thi một cách tốt nhất quyền con người, trong đó có các quyền dân sự và chính trị theo Công ước ICCPR.

Phái đoàn Việt Nam cũng phái đoàn các nước tại các phiên họp.
Tại Phiên đối thoại, Ủy ban Nhân quyền đã ghi nhận và đánh giá cao những tiến bộ của Việt Nam trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như việc phê chuẩn 7 trong tổng số 9 điều ước quốc tế cốt lõi về quyền con người, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế trong một số lĩnh vực nhằm phòng ngừa phân biệt đối xử và những nỗ lực giải quyết vấn đề bạo lực gia đình, bình đẳng giới và phòng, chống tham nhũng.
PV: Quá trình triển khai Công ước ICCPR những năm qua đã gặp phải thách thức và thuận lợi là gì?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Việc thực hiện Công ước ICCPR đòi hỏi nguồn lực rất lớn và nỗ lực không ngừng của các quốc gia thành viên.
Việt Nam cũng gặp phải những khó khăn này trong quá trình thực thi Công ước, trong đó có việc nhận thức về quyền con người chưa đồng đều giữa các cấp, các vùng và thể chế pháp luật chưa theo kịp yêu cầu đó.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh (giữa) tại Phiên đối thoại.
Ngoài ra, hiệu quả thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực vẫn còn chưa cao, phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện một số quyền dân sự, chính trị. Bối cảnh quốc tế đang biến động phức tạp với nhiều thách thức an ninh cũng tạo thêm sức ép đối với tiến trình thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, trong đó có Công ước ICCPR...
Về thuận lợi, trước hết, chúng ta có cam kết chính trị mạnh mẽ, quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc luôn xác định bảo đảm quyền con người là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước.
Hệ thống pháp luật cùng ngày càng hoàn thiện, nhiều đạo luật được sửa đổi, ban hành mới nhằm nội luật hóa các quy định của Công ước ICCPR, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền dân sự và chính trị.
Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, đồng thời duy trì đối thoại xây dựng với các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp quốc.
Nghị quyết 66 - kim chỉ nam trong đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật
PV: Từ kết quả Phiên đối thoại, cùng những thuận lợi, thách thức như Thứ trưởng vừa chia sẻ, ông có thể cho biết sẽ có những định hướng nào để Việt Nam tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi Công ước ICCPR?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã yêu cầu tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia; thực hiện tốt nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm.
Mới đây nhất, Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đề ra nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật phải đảm bảo quyền con người.

Phái đoàn Việt Nam với đại diện của 9 Bộ, ngành tham dự các phiên họp.
Từ những quan điểm chỉ đạo, định hướng trên của Đảng, để nâng cao hiệu quả thực hiện Công ước ICCPR, chúng tôi sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một Kế hoạch hành động quốc gia với sự tham gia của các Bộ, ngành và các chủ thể có liên quan để tiếp tục tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc.
Theo tôi, một số nội dung cụ thể cần làm là tiếp tục tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở các cơ quan xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật về các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về quyền con người…
Chúng tôi xác định Nghị quyết số 66-NQ/TW là kim chỉ nam trong đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong thời gian tới.
Tới đây, Bộ Tư pháp cùng các Bộ, ngành có liên quan cần tập trung triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66 của của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 là thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật – một hành lang pháp lý để tháo gỡ điểm nghẽn, tạo môi trường thể chế thông thoáng hơn cho thực thi quyền con người.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!