Theo báo cáo tài chính công ty mẹ mới công bố, tại quý II/2023, doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế của CTCP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) đều lần lượt sụt giảm.
Theo đó, tổng doanh thu quý II đạt 1.587 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ 2022. Trước đây, doanh thu môi giới và lãi từ cho vay là hai nguồn thu lớn nhất của VNDirect, tuy nhiên, những mảng kinh doanh này đều sụt giảm mạnh lần lượt 38% và 35% trong quý vừa qua.
Khoản lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) có bước tiến mới khi mang về 948 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ 2022. Doanh thu từ hoạt động lưu ký cũng tăng gấp 8 lần, đạt gần 37 tỷ đồng.
Các khoản chi phí trong kỳ cũng ghi nhận giảm với tổng chi phí hoạt động, lỗ tự doanh và chi phí môi giới đi lùi 35%, 33% và 32% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, chi phí tài chính của công ty tăng gần gấp đôi lên 424 tỷ đồng, chủ yếu là áp lực từ chi phí lãi vay.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của VNDirect đạt 421 tỷ đồng trong quý II, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Chứng khoán VNDirect ghi nhận doanh thu đạt hơn 2.877 tỷ đồng và lãi sau thuế là 561 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 56% so với cùng kỳ. Năm 2023, VNDirect đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.000 tỷ đồng, so với kết quả thực hiện trong quý II, công ty mới hoàn thành 35% chỉ tiêu lợi nhuận.
Về quy mô tài sản, tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của VND (công ty mẹ) đạt 42.041 tỷ đồng, tăng nhẹ 8% so với đầu kỳ, mức tăng đến từ mục tiền và các khoản tương đương tiền tăng gần 500 tỷ so với đầu kỳ lên 2.949 tỷ đồng và giá trị các tài sản tài chính FVTPL tăng 9% so với đầu năm lên 20.697 tỷ đồng.
Tại mục FVTPL, trái phiếu doanh nghiệp và chứng chỉ tiền gửi là hai tài sản lớn nhất trong danh mục đầu tư của VNDirect và đều tăng đáng kể so với hồi đầu năm. Hơn 1.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được đầu tư thêm, nâng tổng giá trị đầu tư của VNDirect vào tài sản này lên 9.387 tỷ đồng.
Chứng chỉ tiền gửi được chú trọng ít hơn với mức tăng 17% lên 8.617 tỷ đồng, còn lại là 1.069 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu chưa niêm yết, trái phiếu chính phủ.
Ở danh mục các khoản cho vay, dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán của khách hàng tại quý II đạt 9.309 đồng, tăng 2% so với hồi đầu năm, trong đó gốc cho vay hoạt động ký quỹ (margin) đạt 8.993 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với hồi đầu năm 2023.
Về các khoản vay và nợ thuê tài chính, VND đã giảm hẳn lượng vay nợ bao gồm cả vay ngắn hạn ngân hàng cùng khoản trái phiếu phát hành với mức giảm lần lượt là hơn 3.600 tỷ đồng và 650 tỷ đồng.