Vỡ mâm chày gối, mất vận động sau tai nạn ngã xe máy
Đơn nguyên Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc tiếp nhận bệnh nhân Hargovind Singh (35 tuổi, người Ấn Độ) nhập viện trong tình trạng đau dữ dội gối trái kèm theo sưng nề, bầm tím và hạn chế vận động sau tai nạn ngã xe máy 30 phút trước đó.
Sau khi thăm khám, TS.BS Lê Quang Huy (Trưởng Đơn nguyên Chấn thương chỉnh hình - BVĐK Hồng Ngọc) chỉ định bệnh nhân chụp CT khớp gối trái cùng một số xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả cho thấy tình trạng gãy phức tạp 1/3 trên xương chày trái, gãy mâm chày trong và gãy lún nhiều mảnh mâm chày ngoài, bong điểm bám dây chằng chéo trước.
Hình ảnh gãy xương trên phim chụp CT
Ngay sau đó, các bác sĩ Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình đã tiến hành hội chẩn và quyết định phẫu thuật kết hợp xương sinh học mâm chày gối trái cho bệnh nhân bằng nẹp khóa đa hướng. TS.BS Lê Quang Huy cho biết: “Trường hợp của bệnh nhân Hargovind Singh cần nắn kín đưa các mảnh xương gãy về đúng vị trí, sau đó cố định vững chắc ổ gãy. Điều trị bảo tồn bằng bó bột không đáp ứng được các yêu cầu trên nên tối ưu nhất là áp dụng phương pháp kết hợp xương sinh học bằng nẹp khóa đa hướng dưới hướng dẫn của C-arm”.
Phẫu thuật kết hợp xương sinh học không mổ mở, bệnh nhân xuất viện sau 3 ngày
Bác sĩ tiến hành nắn chỉnh trục xương và các mảnh gãy bằng phương pháp “ligamentotaxis” cho đến khi các mảnh gãy về lại vị trí giải phẫu. Dưới hướng dẫn của C-arm, mặt khớp được nâng lún bằng dụng cụ chuyên dụng. Chỉ với hai vết rạch nhỏ 2-3 cm, nẹp được luồn xuống dưới da, bắt vít cố định ổ gãy tại nhiều vị trí. Nẹp không chỉ có tác dụng cố định xương vững chắc mà còn đóng vai trò bắc cầu (bridging osteosynthesis) thay thế phần xương gãy vụn.
Bác sĩ thực hiện phẫu thuật kết hợp xương sinh học dưới hướng dẫn của C-arm
Sau 60 phút kết hợp nhịp nhàng của bác sĩ phẫu thuật và ekip, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công với ổ gãy được cố định vững chắc, không di lệch. Theo TS.BS Lê Quang Huy, kỹ thuật kết hợp xương bằng nẹp khóa đa hướng giúp hạn chế tối đa xâm lấn và tổn thương mô mềm, ít mất máu, kích thích liền xương tự nhiên và giảm nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân sau phẫu thuật có thể phục hồi vận động sớm, tránh được biến chứng cứng khớp sau mổ.
24 giờ sau ca phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, ăn uống ngon miệng, ngủ nghỉ thoải mái và không còn đau nhức. Sau ba ngày, bệnh nhân được xuất viện.
“Một ngày trước phẫu thuật tôi còn đau đến mức không ngủ được. Bây giờ hầu như không thấy đau nữa, tôi không nghĩ vết mổ lại nhỏ đến vậy, giờ chỉ đợi hồi phục thôi. Ở đây mọi thứ đều rất nhanh, từ thăm khám, kiểm tra đến phẫu thuật. Tôi đã được phẫu thuật sớm và không phải chịu cơn đau kéo dài” - bệnh nhân Hargovind Singh chia sẻ.
Bệnh nhân hồi phục nhanh, không còn đau nhức 3 ngày sau phẫu thuật
TS.BS Lê Quang Huy lưu ý, bệnh nhân cần tránh tì chân trong 4 tuần đầu sau phẫu thuật kết hợp xương sinh học. Sau 4 tuần có thể bắt đầu chế độ tập luyện phục hồi chức năng nhằm khôi phục lại vận động, tránh biến chứng teo cơ, cứng khớp, viêm phổi… Dự tính bệnh nhân có thể hồi phục, đi lại bình thường sau 2 tháng.
Phẫu thuật kết hợp xương sinh học giúp cố định, đưa xương về đúng vị trí, bao gồm tất cả kỹ thuật điều trị gãy xương ít xâm lấn, giảm tổn thương mô mềm như nắn kín, kết hợp xương bằng qua da bằng nẹp vít, đinh Kirschner, đinh nội tủy, vít rỗng… Mục đích của phương pháp là bảo tồn mạch máu quanh ổ gãy, kích thích quá trình liền xương gián tiếp thông qua hình thành tế bào xương, tế bào sụn và các sợi collagen lấp đầy các khoảng trống rất nhỏ giữa hai đầu xương. Kết quả của phương pháp đã được khẳng định qua các nghiên cứu khoa học hàng đầu trên thế giới. |
Thông tin liên hệ
Đơn nguyên Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
Bệnh viện ĐK Hồng Ngọc - Số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội
Bệnh viện ĐK Hồng Ngọc Phúc Trường Minh - Số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 0912.002.131