Một hệ thống pháo HIMARS của Mỹ - loại được cung cấp cho Ukraine. Ảnh: AP
Trong giai đoạn đoạn đầu của cuộc xung đột ở Ukraine, tên lửa chống tăng NLAW do Anh cung cấp được xem là một trong những vũ khí quyết định ở Ukraine, giúp Kiev đẩy lui các lực lượng Nga khỏi khu vực ngoại ô thủ đô Kiev, theo Guardian. Giai đoạn 2, lựu pháo cỡ nòng 152mm của Nga là loại vũ khí "thống trị", gây ám ảnh cho quân đội Ukraine.
Nhưng lúc này, các cuộc thảo luận đều đổ dồn vào hệ thống pháo HIMARS của Mỹ sản xuất, viện trợ cho Ukraine. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov, Kiev sử dụng HIMARS để ngăn bước tiến của quân Nga bằng cách tấn công vào các kho dự trữ và một số trung tâm chỉ huy. Các cuộc thảo luận cũng tập trung vào việc liệu quân đội Ukraine có thể tạo ra tiền đề để giành lại thành phố Kherson hay không.
Kherson, một trong những thành phố lớn ở Ukraine, bị các lực lượng Nga kiểm soát vào đầu tháng 3. Nơi đây từ lâu đã trở thành tâm điểm của người Ukraine khi họ giành lại một số lợi thế ở vùng nông thôn giữa thành phố Mykolaiv và thành phố Kherson kể từ tháng 4. Với việc nhận được các vũ khí tầm xa từ phương Tây có tầm bắn hiệu quả lên tới 80 km, quân đội Ukraine dường như đang tự tin hơn, theo Guardian.
Sergiy Khlan, một trợ lý của người đứng đầu hành chính vùng Kherson, nói với đài truyền hình Ukraine rằng, quân Ukraine đã đạt được một bước ngoặt và vùng này sẽ "được giải phóng vào tháng 9". Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tuyên bố Kiev đang "từng bước" giành lại Kherson.
Hệ thống pháo HIMARS dường như hỗ trợ đắc lực cho quân đội Ukraine trong việc nhắm vào 4 cây cầu quan trọng dẫn đến thành phố Kherson. Thành phố này, thành trì duy nhất của Nga ở phía tây sông Dnieper, dễ bị tấn công nếu Ukraine có thể tập hợp lực lượng tới đây.
Nhưng câu chuyện về những cây cầu phần nào cho thấy một số khó khăn mà Ukraine phải đối mặt khi muốn giành lại thành phố đông dân này. Các bài đăng trên mạng xã hội của ông Khlan nói rõ rằng mục tiêu của Kiev không phải là phá hủy các cây cầu lớn dẫn vào Kherson mà là phá hủy chúng tới mức mà quân Nga không thể vận chuyển các thiết bị hạng nặng.
Quân đội Ukraine muốn đảm bảo rằng nguồn cung cấp lương thực vẫn có thể đưa vào thành phố. Vì vậy, ông Khlan tuyên bố, các lực lượng Ukraine sẽ làm mọi thứ "để không phá hủy các cây cầu". Đây có thể là một thách thức với quân Ukraine khi muốn tấn công vào Kherson ngay cả khi nắm trong tay pháo HIMARS. Quan trọng hơn, điều này bộc lộ hạn chế trong khả năng phản công của quân Ukraine.
Nếu việc cô lập thành phố bằng cách phá hủy các cây cầu là một thách thức, thì việc giành lại kiểm soát thành phố, với lượng lớn dân số, sẽ càng khó hơn. Kiev không thể nã pháo vào thành phố nơi có người dân của họ đang sinh sống. Vì vậy, việc đẩy lui các lực lượng Nga khỏi thành phố là rất khó khăn.
Ukraine không có tiềm lực không quân đáng kể, vì vậy nước này phải dựa vào các lực lượng mặt đất. Trong khi đó, nguồn cung vũ khí từ phương Tây đến từ từ thay vì đồng loạt như Ukraine mong muốn.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine hôm 25/7 cho biết, 3 trong số 15 khẩu pháo Gepard mà Đức cam kết cung cấp cho Kiev từ tháng 4, giờ mới tới Ukraine. Ông Reznikov hy vọng sẽ sớm nhận được số xe tăng Leopard mà Tây Ban Nha hứa cung cấp. Việc nguồn cung vũ khí ngày càng tăng có thể giúp Ukraine tạo ra thế cân bằng trên một phần của mặt trận, nhưng đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy Kiev có thể tạo ra bước đột phá.
Bằng Lâu - Guardian