Ấm lòng hành trình về quê
Hơn 22 giờ đêm, hàng trăm người đi xe máy mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh về tới chốt kiểm soát cầu Bến Thuỷ 2 (nối tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh). Phần lớn những người này là lao động phổ thông ở các tỉnh miền Nam thất nghiệp nhiều tháng qua, kéo nhau về quê tránh dịch. Với họ, hành trình hồi hương dài đằng đẵng, quá mệt mỏi và hiểm nguy.
Một chiến sĩ trực chốt tại cầu Bến Thủy 2 cho biết, mỗi ngày có hơn 300 chiếc xe máy với hơn 600 người chạy từ tâm dịch ở các tỉnh phía Nam hồi hương về Nghệ An. Sau khi khai báo y tế ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, mọi người được hướng dẫn chạy thẳng về trạm y tế để được cách ly tập trung theo quy định.
Anh Xồng Bá Hồng (22 tuổi, trú xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) cố gắng căng lại túi đồ cồng kềnh trên xe máy sau khi hoàn thành việc khai báo. “Khổ lắm anh ơi. Cũng thương con, xót con lắm chứ. Nhưng còn cách nào khác đâu. Ở lại thì biết sống làm sao khi tiền chẳng còn, mà dịch thì dự báo còn kéo dài”, Xồng Bá Hồng nói.
Trên chiếc xe rách nát của Hồng là vợ và 2 đứa con nhỏ, đứa 3 tuổi, đứa mới 6 tháng. Từ Bình Dương về đến Nghệ An, đứa nhỏ được mẹ bế trên tay suốt 3 ngày đêm, còn đứa lớn thì kẹp trước xe. Sợ con rơi dọc dường, hai đầu gối Hồng luôn phải kẹp sát con trong quá trình chạy xe.
Dọc đường, vì đói khát, vì mệt mỏi, giống như nhiều đứa trẻ khác theo bố mẹ trong hành trình hồi hương lần này, hai đứa con của Hồng liên tục khóc thét. Có khi chúng khóc suốt nhiều tiếng đồng hồ nhưng tôi cũng không thể dừng xe để dỗ con. Vì nếu dừng lại sẽ bị lạc đoàn.
“Điều khiến chúng tôi ấm lòng là khi về đến cầu Bến Thủy 2 thì có nhiều đội từ thiện đã ra hỏi thăm, phát cháo miễn phí để ăn, thậm chí còn cho tiền để gia đình về quê. Từ TP. Vinh về nhà còn khoảng 300km nữa, nhưng đến đây gia đình hạnh phúc rồi”, anh Hồng nói.
Túc trực cả tuần nay ở đầu cầu Bến Thủy 2, chị Mai Quỳnh Trang, Bí thư Đoàn phường Hồng Sơn, TP.Vinh, thấy dòng người chạy xe máy trở về quê ngày càng nhiều và họ đã quá mệt mỏi vì mất ngủ và đói sau khi vượt hơn 1 ngàn cây số. Chị đến chốt kiểm soát dịch ở đầu cầu Bến Thủy 2 tiếp xúc, lắng nghe chia sẻ của người dân để biết điều họ cần nhất.
“Ở đó đã có nhiều người hảo tâm mang bánh, sữa, nước uống đến gửi ở chốt để tiếp sức cho người dân, nhưng tôi nghĩ, khi về đến quê hương, có bát cháo nóng để bà con ăn, chắc sẽ ấm lòng hơn”, nữ Bí thư Đoàn phường 29 tuổi nói.
Nghĩ là làm, ngày hôm sau, “bát cháo quê hương” đã có mặt tại chốt kiểm soát dịch Bến Thủy 2. Đó là công sức và tình cảm của chị Trang cùng với các thanh niên tình nguyện phường Hồng Sơn và sự hỗ trợ của hội Chữ thập đỏ của phường.
Hội Chữ thập đỏ vận động chi phí, chị Trang huy động thanh niên tình nguyện nấu và phát cháo. Nồi cháo 50 lít để bên đường, cạnh chốt kiểm soát dịch ở cầu Bến Thủy 2, luôn được ủ nóng. Có ngày nhóm của chị Trang nấu đến 8 nồi mới đủ vì lượng người trở về quá đông.
Chị Trang nói: “Anh em phải thay nhau đứng ở trạm kiểm soát từ sáng sớm cho đến 22 giờ đêm, nắng nóng, phải mang đồ bảo hộ để phòng dịch và lượng người về nhiều từ vùng có dịch, tiếp xúc cũng khá gần nên cũng không chỉ vất vả mà còn rất sợ lây nhiễm dịch. Nhưng, nhìn những người lao động trở về quê xúc động khi ăn bát cháo từ tay mình nấu, thấy mệt nhọc cũng tan đi”.
Huyện miền núi hỗ trợ vé máy bay đón công dân về quê
Ông Lê Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An cho biết, nơi đây tỉ lệ hộ nghèo hiện khoảng 19,74%. Điều đáng nói, tổng số công dân của huyện đang làm việc ở các công ty ngoại tỉnh là 4.771 người (Tp.HCM là 261 người, Bình Dương là 517 người, Đồng Nai là 144 người…).
Do dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phía Nam diễn biến phức tạp, nhằm giảm áp lực trong phòng, chống dịch, cũng như bảo vệ con em mình, huyện Quỳ Châu đã kêu gọi hỗ trợ vé máy bay đón người dân đang học tập, lao động tại các tỉnh, thành phía Nam trở về tránh dịch. Kinh phí của chuyến bay này do các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn đóng góp thông qua Ủy ban MTTQ huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu chia sẻ: “Con người là vốn quý nhất của xã hội, quê hương. Lúc bình an thì quê hương chính là “bàn đạp” để con em, vươn xa. Lúc thiên tai, dịch dã thì quê hương là chốn bình an, luôn dang rộng vòng tay đón con em trở về bao bọc. Chuyến bay đón công dân từ vùng dịch trở về ngoài ý nghĩa đó còn là biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh”.
Đối tượng được đón trở về là người có hoàn cảnh khó khăn là lao động tự do bị mất việc làm, người già trên 60 tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai có hoàn cảnh khó khăn, được hỗ trợ toàn bộ chi phí. Để đón công dân từ các tỉnh phía Nam về quê, huyện Quỳ Châu đã triển khai kế hoạch cho người dân đăng ký qua trang Đăng ký về Nghệ An và Hội đồng hương; thực hiện xác minh và tiến hành lựa chọn đối tượng ưu tiên để lên chuyến bay này.
18h50 ngày 11/8, chuyến bay mang số hiệu VN9262 mang theo 203 công dân Quỳ Châu gồm 192 người lớn và 11 trẻ em đáp xuống sân bay Vinh, trở về an toàn…
Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, sau chiếc kính chống giọt bắn, chị L.T.T (28 tuổi, ở huyện Quỳ Châu), làm việc tại tỉnh Bình Dương khi vừa đặt chân xuống mảnh đất quê nhà cũng đã khóc. “Sau khi xuống sân bay, tất cả công dân được cách ly phòng chống dịch 14 ngày. Tuy nhiên, từ đây hành trình của họ về nhà còn rất ngắn. Chúng tôi không nghĩ sẽ về được đến đây thuận lợi như thế”, chị T. ứa nước mắt.
Ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, Nghệ An đã tổ chức đón 826 công dân trong tỉnh trở về từ Bắc Giang, đảm bảo kịp thời và an toàn. Tỉnh cũng thực hiện 8 chuyến bay đón hơn 1.700 công dân từ TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam trở về quê.
“Trong đó, UBND tỉnh thực hiện 6 chuyến, đón gần 1.300 công dân là đối tượng người có bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… 2 chuyến còn lại do huyện Nghi Lộc và Quỳ Châu đón công dân của huyện về. Hiện tất cả số công dân đã được đưa về các khu cách ly tập trung để đảm bảo công tác phòng, chống dịch”, ông Vinh nói.