Vụ 3 người ở Thanh Hóa lật thuyền tử vong: Thủy điện có vô can?

Vụ 3 người ở Thanh Hóa lật thuyền tử vong: Thủy điện có vô can?

Phạm Xuân Chinh

Phạm Xuân Chinh

Thứ 5, 13/01/2022 13:54

Trước khi thuyền lật khiến 3 người chết đuối, ở thượng nguồn nhà máy thủy điện vừa xả nước, phát điện. Thủy điện này chưa lắp hệ thống cảnh báo theo phê duyệt.

Ký ức kinh hoàng!

Những ngày này, không khí tang thương đang bao trùm bản Phé, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Bởi trước đó, ngày 8/1, trên dòng sông Mã, đoạn qua địa phận huyện Quan Hóa xảy vụ tai nạn lật thuyền thương tâm, cướp đi 3 mạng người trong một gia đình.

Các nạn nhân gồm: Hà Văn Q. (SN 1966), Hà Thị H. (SN 1960) và Hà Thị Tr. (2012). Ông Q. và bà H. là vợ chồng, còn Tr. là cháu ngoại của họ. Thi thể của hai ông cháu được tìm thấy sau đó một ngày, cách hiện trường bị nạn không xa, còn bà H. được phát hiện tại bến đò Phé, xuôi theo hạ lưu khoảng 700m.

Theo đó, khoảng 13h ngày 8/1, ông Q. lái thuyền sắt (loại nhỏ) chở theo vợ, đứa cháu ngoại và người hàng xóm là bà Lò Thị Phương (SN 1958), cùng trú tại bản Phé, xã Phú Xuân ngược dòng sông Mã vào chòi canh nương rẫy của họ.

Khi đi được một đoạn, tới con thác thì bị dòng nước dữ, chảy mạnh từ thượng nguồn đổ xuống làm thuyền chìm và lật úp. Các nạn nhân bị dòng nước cuốn trôi. Bà Phương do biết bơi, bám được vào thuyền, trôi xuống hạ lưu khoảng 100m thì được người dân địa phương cứu thoát.

Dân sinh - Vụ 3 người ở Thanh Hóa lật thuyền tử vong: Thủy điện có vô can?

Khúc sông nơi xảy ra vụ lật thuyền khiến 3 người tử vong.

Dù đã 4 ngày trôi qua, khi chúng tôi nhắc tới câu chuyện chìm thuyền, mọi người bị dòng nước cuốn trôi, bà Lò Thị Phương vẫn run rẫy, chưa kịp “hoàn hồn”, đôi mắt bà đỏ hoe, hai dòng lệ tuôn trào.

Bà Phương nấc nghẹn kể, khoảng 13h ngày 8/1, bà cùng vợ chồng ông Q., cháu Tr. chạy thuyền ngược sông Mã. Khi xuất phát tại bến đò, nước sông bắt đầu lên do thủy điện xả nước để phát điện. Thuyền càng chạy lên thượng nguồn, nước xuống càng mạnh và chảy xiết hơn.

Khi vượt thác cũng là lúc con nước dữ từ trên chảy mạnh xuống đẩy thuyền quay ngang, chìm rồi lật úp xuống sông. Tất cả mọi người bị dòng nước cuốn trôi. Ông Q. nhờ biết bơi nên tìm cách cứu vợ và cháu ngoại, còn bà Phương cố bám vào mạn thuyền trôi theo dòng nước và may mắn được người dân cứu thoát.

Dân sinh - Vụ 3 người ở Thanh Hóa lật thuyền tử vong: Thủy điện có vô can? (Hình 2).

Bà Lò Thị Phương rùng mình khi kể lại cho PV nghe vụ lật thuyền.

“Đến giờ nghĩ đến tôi vẫn rùng mình, không dám ra sông nữa. Khi thuyền tới chỗ đó thì nước từ trên chạy mạnh xuống khiến thuyền bị quay ngang, chìm rồi lật úp. Tôi biết bơi, cố gắng bám vào thuyền, trôi theo dòng nước nên được hai người chăn trâu cứu thoát”, bà Phương kể.

Thủy điện có vô can?

Làm nghề lái đò qua sông Mã tại bến Phé, thuộc bản Phé, xã Phú Xuân khoảng 4 năm nay, ông Hà Văn Lâm cho biết, vào mùa cạn dòng sông Mã hiền hòa, mực nước xuống thấp, hầu như không gây nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, từ khi có thủy điện Trung Sơn và Thành Sơn ở phía thượng nguồn thì nước sông lên xuống thất thường, hung giữ hơn.

Hàng ngày, khoảng 12h – 14h và 20h – 21h, thủy điện lại tiến hành xả nước vận hành tổ máy phát điện. Lúc này, nước sông Mã dâng cao bất thường và chảy xiết. Nếu đi thuyền nhỏ, người lái không có kinh nghiệm hoặc gặp ghềnh đá thì rất nguy hiểm.

Dân sinh - Vụ 3 người ở Thanh Hóa lật thuyền tử vong: Thủy điện có vô can? (Hình 3).

Lái đò Hà Văn Lâm cho biết không nhận thông báo thời điểm thủy điện xả nước phát điện mà hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm.

Bản thân ông Lâm và người dân địa phương không được thủy điện và chính quyền địa phương thông báo về lịch trình, lưu lượng xả nước phát điện hàng ngày. Bằng kinh nghiệm, vào khoảng thời gian trên, khi thấy nước chảy xiết, dâng cao bất thường, họ đoán là thủy điện xả nước, vận hành các tổ máy phát điện.

Bà Phạm Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa cho biết, ngoài yếu tổ chủ quan của người dân, việc thủy điện xả nước vận hành phát điện là một trong những nguyên nhân khiến vụ tai nạn xảy ra.

Bà Tuyết thông tin thêm, từ khi các thủy điện Thành Sơn (cách xã Phú Xuân khoảng 30km) và Trung Sơn (cách khoảng xã Phú Xuân 50km) đi vào hoạt động, xã Phú Xuân không nhận được thông báo lịch trình, lưu lượng xả nước vận hành phát điện vào mùa cạn. Đây là một bất cập, xã Phú Xuân đã gọi điện và sẽ làm văn bản kiến nghị đề nghị thủy điện phải có thông báo lịch trình, lưu lượng xả nước vận hành các tổ máy trong ngày để xã nắm, tuyên truyền tới người dân, phòng tránh tai nạn khi đi lại trên sông.

Dân sinh - Vụ 3 người ở Thanh Hóa lật thuyền tử vong: Thủy điện có vô can? (Hình 4).

Chiếc thuyền do ông Q. điều khiển gặp nạn khiến 3 người tử vong.

Cũng theo bà Tuyết, sau khi vụ tai nạn xảy ra, đại diện thủy điện Thành Sơn có gọi điện cho xã để nắm thông tin tìm kiếm thi thể các nạn nhân, chứ chưa tới thăm hỏi, hỗ trợ gì cho gia đình.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trịnh Văn Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hà Thành (chủ sở hữu nhà máy thủy điện Thành Sơn) xác nhận, ngày 8/1 (ngày xảy ra vụ tai nạn đuối nước) thủy điện tiến hành xả nước vận hành các tổ máy từ 9 – 11h, với lưu lượng 200 – 250m3/giây.

Ông Bình cho biết thêm, sau khi xin ý kiến lãnh đạo, do tình hình dịch bệnh nên đơn vị chưa thể tổ chức thăm hỏi gia đình nạn nhân và sẽ tiến hành sau (!?).

Ông Lộc Văn Hào, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hà tầng huyện Quan Hóa cho biết, phía thượng nguồn của xã Phú Xuân có 2 thủy điện Thành Sơn và Trung Sơn. Quy trình vận hành các thủy điện này do Bộ Công thương phê duyệt. Từ khi vận hành tới nay, hàng năm, huyện Quan Hóa đã phối hợp với Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy trình vận hành của thủy điện Thành Sơn.

Dân sinh - Vụ 3 người ở Thanh Hóa lật thuyền tử vong: Thủy điện có vô can? (Hình 5).

Chị Hà Thị Uyết (con gái ông bà Q.) khóc hết nước mắt khi bố mẹ và đứa con gái xấu số tử vong trong vụ lật thuyền.

Đến thời điểm hiện tại, thủy điện Thành Sơn chưa xây dựng hệ thống cảnh báo (còi hoặc loa) dọc theo bờ sông hạ du để cảnh báo cho người dân biết mỗi khi xả nước, vận hành các tổ máy phát điện theo phê duyệt. Thủy điện Thành Sơn đi vào hoạt động khoảng năm 2018.

Thủy điện Thành Sơn không có lòng hồ, không tích nước, việc vận hành tổ máy phát điện phụ thuộc vào quy trình và lưu lượng xả nước của nhà máy thủy điện Trung Sơn ngay phía trên, cách đó khoảng 30km.

PV tiếp tục điện thoại cho ông Trịnh Văn Bình – Phó Giám đốc Công ty TNHH Hà Thành để tìm hiểu nguyên nhân vì sao thủy điện Thành Sơn chưa lắp đặt hệ thống cảnh báo ở vùng hạ du cho người dân theo phê duyệt của Bộ Công thương nhưng ông này không nghe máy.

Ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, sẽ giao cho các phòng ban chuyên môn kiểm tra thông tin thủy điện Thành Sơn chưa lắp đặt hệ thống cảnh báo ở vùng hạ du và thông tin lại với PV sau.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của vụ việc!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.