Vụ hơn 3.000 người chết vì Tổng thống không chịu chuyển giao quyền lực hậu bầu cử

Chủ nhật, 14/07/2024 09:55

Tình trạng bạo lực đẫm máu, cưỡng hiếp và cướp bóc đã xảy ra sau cuộc bầu cử ở quốc gia được mệnh danh là "Paris của châu Phi".

img

Amade Oueremi, chỉ huy lực lượng dân quân ủng hộ phe đối lập ở Bờ Biển Ngà trong cuộc bầu cử ở giai đoạn 2010-2011, ra hầu tòa ngày 1/4/2021. Ảnh: AFP

Quấn chiếc khăn đỏ trên đầu và đứng trên bục nhân chứng, bà Odette Klahon, một phụ nữ ở Bờ Biển Ngà, kể lại vụ thảm sát kinh hoàng ở giai đoạn 2010-2011 khiến bà mất chồng, cháu trai và bàn tay trái.

"Tại khu Carrefour, họ phá cửa và truy lùng những đàn ông trẻ khỏe", bà Klahon - sống ở thị trấn Duekoue, phía tây Bờ Biển Ngà - nói. "Trong lúc hỗn loạn đó, chồng tôi bị bắt và bị hành quyết ngay trước mặt tôi".

Bất chấp sự kháng cự của người phụ nữ, một kẻ trong nhóm hành quyết chồng bà Klahon vẫn bắt được cháu trai 4 tuổi của bà rồi dùng gậy gỗ đánh gục cậu bé.. Vì kháng cự, bà Klahon bị bắn thủng tay.

"Cú đánh mạnh khiến cháu trai của tôi chết tại chỗ. Tôi may mắn trốn thoát cùng đoàn tu sĩ của thị trấn. Chúng tôi chứng kiến thi thể nằm la liệt trên đường phố", bà Klahon nói và cho biết thêm rằng sau đó bà phải phẫu thuật cắt bỏ bàn tay.

Lời khai của bà Klahon được đưa ra trong phiên tòa xét xử Amade Oueremi, cựu chỉ huy lực lượng dân quân ủng hộ phe đối lập, vào năm 2021. Oueremi, người ủng hộ phe đối lập, phải ra hầu tòa vì liên quan đến các vụ thảm sát ở thị trấn Duekoue năm 2011. Các hoạt động bạo lực hậu bầu cử giai đoạn 2010-2011 đã dẫn đến cuộc nội chiến lần 2 ở Bờ Biển Ngà - quốc gia được mệnh danh là "Paris của châu Phi".

Theo trang Black Past, cuộc nội chiến lần 2 ở Bờ Biển Nga diễn ra trong giai đoạn 2010-2011. Các bên tham chiến chính trong cuộc xung đột này là quân đội Bờ Biển Ngà do Tổng thống Laurent Gbagbo lãnh đạo, với các đồng minh là phong trào thanh niên Young Patriots of Abidjan và đảng Mặt trận Nhân dân Bờ Biển Ngà. Họ kiểm soát miền nam đất nước, nơi sinh sống của nhiều người ủng hộ ông Gbagbo (phần lớn là những người giàu và có quyền lực).

img

Ông Laurent Gbagbo. Ảnh: AFP

Đối lập với phe của Tổng thống Laurent Gbagbo là liên minh chính trị New Forces, do Alassane Ouattara lãnh đạo, với sự hỗ trợ từ đảng Rally of the Republicans (RDR). Phe của ông Ouattara kiểm soát miền bắc Bờ Biển Ngà, nơi có những người nhập cư Hồi giáo, chủ yếu là doanh nhân và thương nhân lớn.

Ngoài ra, Liên Hợp Quốc cũng duy trì một lực lượng giữ gìn hòa bình nhỏ ở Bờ Biển Ngà và Pháp cũng có một số lượng nhất định đặc nhiệm ở đây. Lực lượng của Pháp nghiêng về hỗ trợ phe của ông Ouattara.

Xung đột bắt nguồn từ cuộc bầu cử tổng thống Bờ Biển Ngà vào tháng 11/2010. Ứng viên tổng thống Alassane Ouattara được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử nhưng Tổng thống đương nhiệm Gbagbo lập tức phản đối kết quả này với lý do có gian lận bầu cử quy mô lớn.

Cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi và Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), đều ủng hộ ứng viên Ouattara và kêu gọi ông Gbagbo chuyển giao quyền lực. Ông Gbagbo từ chối từ chức và những người ủng hộ Tổng thống nhanh chóng châm ngòi bạo lực, khởi đầu ở Abidjan - thành phố lớn nhất ở Bờ Biển Ngà.

Ngày 17/3/2011, khoảng 30 người đã thiệt mạng do cuộc tấn công bằng rocket của lực lượng ủng hộ Tổng thống Bờ Biển Ngà nhằm vào một vùng ngoại ô của thành phố Abidjan, nơi có những người ủng hộ ứng viên Ouattara.

img

Ông Alassane Ouattara. Ảnh: Al Jazeera

Trong những ngày tiếp theo, từ 21/3/2011 đến 26/3/2011, bạo lực xảy ra nhiều hơn khi 52 người thiệt mạng ở thành phố Abidjan do các lực lượng ủng hộ tổng thống gây ra.

Hai ngày sau, liên minh New Forces phát động một cuộc tấn công quân sự trên khắp cả nước để giành quyền lực từ Tổng thống Gbagbo.

Liên minh này nhanh chóng kiểm soát một số thị trấn và thành phố nhỏ ở Bờ Biển Ngà. Ngày 30/3/2011, họ kiểm soát thủ đô Yamoussoukro.

Một ngày sau, giao tranh ác liệt xảy ra ở thành phố Abidjan khi lực lượng ủng hộ ứng viên Ouattara tấn công. Giao tranh tiếp tục diễn ra. Hai bên đều cáo buộc nhau gây ra hàng loạt vụ thảm sát đẫm máu những ngày sau đó.

Vụ thảm sát lớn nhất xảy ra ở thị trấn Duekoue, nơi có khoảng 1.000 người thiệt mạng. Họ bị sát hại bởi cả lực lượng trung thành với Tổng thống Gbagbo và ứng viên Ouattara.

Dorothea Krimitsas, phát ngôn viên của Hội chữ Thập đỏ Quốc tế, năm 2011 cho biết, đại diện Hội chữ Thập đỏ Bờ Biển Ngà đã tới thị trấn Duekoue sau cuộc thảm sát để thu thập bằng chứng. Những gì họ thấy là la liệt các thi thể.

"Chúng tôi bị sốc vì sự tàn bạo và quy mô của vụ thảm sát này", Dominique Liengme, người đứng đầu Ủy ban Quốc tế, thuộc phái đoàn chữ Thập đỏ tại Bờ Biển Ngà, nói năm 2011.

Bonfil Zahe, một người dân ở thị trấn Duekoue, đã may mắn thoát chết trong vụ thảm sát năm đó. Người đàn ông hơn 60 tuổi cùng 6 người khác bị chặn lại ở một chốt kiểm soát. "Ba người đàn ông trang bị vũ khí tự động dừng chúng tôi lại. Họ cho tôi qua vì tôi đã già. Khi bỏ chạy, tôi nghe thấy loạt tiếng súng máy vang lên", ông Zahe kể lại.

"Hầu hết những người thiệt mạng thuộc lực lượng của cả 2 phe. Nhưng nhóm lính đánh thuê Liberia (thân Tổng thống Gbagbo) bắt đầu sát hại dân thường khi biết lực lượng trung thành với ứng viên Ouattara đang tiến đánh tới thị trấn", tờ Times dẫn lời một cư dân ở thị trấn Duekoue.

Một vụ thảm sát khác xảy ra vào ngày 7/4/2011 tại các thị trấn Blolequin và Guiglo, nơi có khoảng 100 thi thể được phát hiện.

img

Tình trạng bạo lực xảy ra ở Bờ Biển Ngà hậu bầu cử. Ảnh: INDEPTH AFRICA MAGAZINE

Bước ngoặt của cuộc nội chiến xảy ra vào ngày 11/4/2011, khi các lực lượng trung thành với ông Ouattara bắt giữ, quản thúc Tổng thống Gbagbo cùng vợ và 50 người ủng hộ. Việc bắt giữ có sự hỗ trợ của các đặc nhiệm Pháp ở Bờ Biển Ngà. Sau khi ông Gbagbo bị bắt, cuộc nội chiến chấm dứt. Ông Ouattara sau đó tuyên thệ trở thành Tổng thống Bờ Biển Ngà.

Theo trang Black Past, ước tính khoảng hơn 3.000 người, bao gồm binh sĩ, các tay súng, dân thường, thiệt mạng trong cuộc nội chiến Bờ Biển Ngà lần hai. CBC News đưa tin, hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa vì cuộc nội chiến. 

Năm 2013, Amade Oueremi, chỉ huy lực lượng dân quân ủng hộ ông Ouattara, bị các lực lượng an ninh Bờ Biển Ngà bắt giữ. Ông Oueremi bị truy tố về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người, bao gồm các vụ giết người hàng loạt, hiếp dâm, và các hành vi bạo lực khác trong suốt cuộc xung đột. Tám năm sau, Oueremi bị kết án tù chung thân.

Khi ông Oueremi bị xét xử, ông Ouattara vẫn nắm quyền. Điều này cho thấy, chính quyền của ông Ouattara cam kết thực hiện công lý một cách toàn diện, không thiên vị, bất kể việc người bị xét xử đã từng ủng hộ họ trong cuộc xung đột.

Ngoài ra, chính quyền của ông Ouattara cũng phải đối mặt với áp lực từ cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền về việc xử lý các vi phạm nhân quyền và tội ác chiến tranh. Việc truy tố những người như ông Oueremi là một phần của nỗ lực để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về công lý và nhân quyền.

-----------------------

Năm 2008, Zimbabwe, nơi mà 10 triệu đô Zimbabwe chưa mua nổi một chiếc bánh mì, chứng kiến cuộc bầu cử kịch tính như phim Hollywood và bạo lực đẫm máu hậu bầu cử. Những gì diễn ra trong và sau cuộc bầu cử là một chuỗi sự kiện không ngờ tới, với những quyết định táo bạo làm thay đổi cục diện. Mời độc giả cùng tìm hiểu về cuộc bầu cử này trong bài kỳ tới đăng lúc 10h ngày 15/7.

Nguyễn Thái - (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.