Ukraine có thể tự sản xuất các hệ thống phòng không tầm trung HAWK nhờ Mỹ chuyển giao công nghệ.
“Việc sản xuất song song các hệ thống này ở Ukraine và Mỹ sẽ giúp tăng tốc độ triển khai và giúp Kiev gia tăng năng lực bảo vệ vùng trời”, thông báo của Nhà Trắng cho biết.
FrankenSAM là dự án chế tạo 3 hệ thống phòng không, gồm hệ thống sử dụng tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9 Siderwinder; hệ thống sử dụng tên lửa AIM-7 Sparrow và các tổ hợp phòng không tầm trung HAWK.
Đây là các mẫu tên lửa phòng không đời cũ của Mỹ, xuất hiện lần đầu từ những năm 1950. Điểm mới của dự án là các tên lửa phòng không Mỹ cấp quyền sản xuất có thể tích hợp với bệ phóng và radar hệ Liên Xô mà Kiev đang sở hữu.
Trả lời Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Andrei Koshkin nói dự án là giải pháp tình thế mà Mỹ đưa ra nhằm giúp Ukraine tăng cường năng lực quân sự, cũng như giảm bớt áp lực hỗ trợ vũ khí.
“Dự án cũng cho phép các tên lửa phòng không của Mỹ có thể khai hỏa từ các bệ phóng hệ Liên Xô. Đây có thể coi là giải pháp tình thế”, ông Koshkin nói.
Mỹ đã đồng ý chuyển giao công nghệ giúp Ukraine sản xuất các hệ thống phòng không sử dụng đạn tên lửa AIM-9.
Theo chuyên gia Nga, Ukraine sản xuất các vũ khí Mỹ là dấu hiệu mới đáng chú ý. Nhưng hiệu quả vẫn chưa rõ ràng.
“Các hệ thống tên lửa mà Mỹ chuyển giao công nghệ cho Ukraine sẽ bị phá hủy ngay khi xuất hiện trên chiến trường. Các vũ khí này sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự”, ông Koshkin nhận định.
Chuyên gia Nga cho rằng, trong tương lai gần, Ukraine chưa thể sản xuất hàng loạt các hệ thống phòng không trong dự án FrankenSAM, một phần vì ngành công nghiệp quốc phòng Kiev đã bị tổn hại nặng nề sau gần 2 năm xung đột với Nga.
Cuối cùng, ông Koshkin tin tưởng quân đội Nga sẽ đề phòng bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm giúp Ukraine sản xuất vũ khí ngay trong lãnh thổ. “Nga sẽ giáng đòn không kích chính xác ngay khi phát hiện các xưởng sản xuất vũ khí Mỹ ở Ukraine”, ông Koshkin nói.
Đăng Nguyễn - Sputnik