Trong đêm thứ hai liên tiếp, Nga đã phóng hàng trăm máy bay không người lái cùng hơn chục tên lửa vào Ukraine, trong đó có một cuộc tấn công mạnh vào thủ đô Kyiv, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết hôm thứ Năm.
Giới chức Ukraine cho biết, Nga đã phóng 400 UAV và 13 tên lửa chỉ trong một đêm. Tối hôm trước đó, Bộ Quốc phòng Ukraine nói Nga đã phóng tới 728 UAV và 13 tên lửa – gọi đây là cuộc tấn công trên không lớn nhất của Moscow kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, đang ở Rome để tham dự hội nghị quốc tế về tái thiết Ukraine, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hỗ trợ thêm. Ông kêu gọi triển khai một "Kế hoạch Marshall" cho Ukraine - ám chỉ chương trình viện trợ tái thiết châu Âu do chính phủ Mỹ tài trợ sau Thế chiến II.
"Tái thiết Ukraine không chỉ là câu chuyện của riêng chúng tôi. Đó cũng là chuyện của các bạn - các quốc gia, các công ty, công nghệ, việc làm của các bạn. Cách chúng tôi tái thiết đất nước cũng có thể giúp hiện đại hóa hạ tầng và ngành công nghiệp của các bạn", ông Zelenskyy nói tại Hội nghị Tái thiết Ukraine trước các lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp toàn châu Âu.
Ông cũng kêu gọi châu Âu nhất trí sử dụng toàn bộ tài sản tài chính bị đóng băng của Nga (ước tính trị giá khoảng 450 tỷ USD) để hỗ trợ tái thiết Ukraine.
"Không chỉ phần lợi tức từ các tài sản này, mà chính các tài sản đó cũng phải được sử dụng, và cần tích cực hơn nhiều so với hiện tại để cứu lấy sinh mạng con người", ông nói.
Mục tiêu của Hội nghị Tái thiết Ukraine lần thứ tư là huy động hơn 500 tỷ USD từ nguồn vốn chính phủ và tư nhân để tái thiết quốc gia này. Hơn 100 chính phủ có đại diện tại hội nghị kéo dài hai ngày. Khoảng 40 tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới và nhiều cơ quan của Liên Hợp Quốc, cùng hơn 2.000 doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia - nhiều đơn vị đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với phía Ukraine trong các dự án từ quốc phòng đến năng lượng trong thập kỷ tới.

Người dân nhìn những căn hộ đang bốc cháy trong một tòa nhà chung cư cao tầng bị trúng tên lửa hoặc máy bay không người lái của Nga, ngày 10/7/2025, tại Kyiv, Ukraine. (Ảnh: IVAN ANTYPENKO/SUSPILNE UKRAINE/GLOBAL IMAGES/GETTY qua CBS)
Ông Zelenskyy gặp đặc phái viên của ông Trump về Ukraine
Hội nghị tại Rome diễn ra một ngày sau khi ông Zelenskyy gặp ông Keith Kellogg - đặc phái viên của Tổng thống Trump về vấn đề Ukraine và Nga - tại thủ đô nước Ý, và cũng có cuộc gặp riêng với Giáo hoàng Leo XIV.
Đức Giáo hoàng tái khẳng định thiện chí của Vatican trong vai trò trung gian hòa giải cuộc chiến. Tuy nhiên, trước đó, Điện Kremlin từng tuyên bố rằng không phù hợp khi Tòa thánh Công giáo làm trung gian giữa hai quốc gia Chính Thống giáo.
Ông Zelenskyy mô tả cuộc gặp với ông Kellogg là "thiết thực", và viết trên mạng xã hội rằng hai bên đã thảo luận về việc Mỹ hỗ trợ thêm vũ khí cho Ukraine, cũng như siết chặt hơn các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
"Chúng tôi đã trao đổi về cung cấp vũ khí và tăng cường hệ thống phòng không. Trong bối cảnh các đợt tấn công từ Nga gia tăng, đây là một trong những ưu tiên hàng đầu", ông Zelenskyy viết. "Chúng tôi cũng bàn về việc mua thêm vũ khí của Mỹ, hợp tác sản xuất quốc phòng và triển khai sản xuất tại Ukraine".
Một quan chức Mỹ xác nhận với CBS News hôm thứ Tư rằng các lô đạn dược, bao gồm đạn pháo 155mm và tên lửa dẫn đường chính xác GMLRS, vốn bị Lầu Năm Góc tạm dừng cách đây khoảng một tuần, đã được tiếp tục chuyển sang Ukraine. Việc nối lại viện trợ diễn ra sau khi Tổng thống Trump tuyên bố đầu tuần này rằng Mỹ sẽ gửi thêm vũ khí phòng thủ tới Ukraine.
"Chúng ta sẽ gửi thêm một số vũ khí. Chúng ta phải làm vậy. Họ phải có khả năng tự vệ", ông Trump nói với báo giới tại Nhà Trắng vào tối thứ Hai. Ông cho biết, các lô hàng sẽ chủ yếu bao gồm "vũ khí phòng thủ".
Ông Zelenskyy cũng thúc giục phía Mỹ gửi thêm hệ thống tên lửa phòng không Patriot, vốn dùng để đánh chặn tên lửa và máy bay chiến đấu của Nga.
Khi được hỏi về hệ thống này - một trong những loại vũ khí mà Lầu Năm Góc đã tạm dừng chuyển giao tuần trước vì nguồn dự trữ của Mỹ hạn chế - ông Trump nói hôm thứ Tư rằng ông đang xem xét việc gửi thêm cho Ukraine.
Ông Zelenskyy và ông Kellogg cũng thảo luận về một dự luật đang được đưa ra Quốc hội Mỹ, theo đó sẽ áp thuế 500% đối với hàng hóa của bất kỳ quốc gia nào mua dầu của Nga. Dự luật này được bảo trợ bởi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham và Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal.
Ngoại trưởng Mỹ Rubio gặp Ngoại trưởng Nga tại châu Á
Cách đó nửa vòng trái đất, tại Kuala Lumpur (Malaysia), Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã gặp người đồng cấp Nga - Ngoại trưởng Sergey Lavrov - bên lề diễn đàn an ninh khu vực ASEAN hôm thứ Năm.
Cuộc gặp này diễn ra sau khi ông Trump công bố việc nối lại viện trợ vũ khí cho Ukraine, đồng thời chỉ trích mạnh mẽ ông Putin.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio (hàng trước bên trái) gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov (hàng trước bên phải) bên lề cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 10/7/2025. (Ảnh: MANDEL NGAN/POOL/AFP/Getty qua CBS)
Ông Rubio cho biết sau cuộc gặp rằng Mỹ và Nga đã trao đổi những ý tưởng mới nhằm đạt được một thỏa thuận kết thúc chiến tranh, nhưng không tiết lộ chi tiết.
"Tôi nghĩ đây là một cách tiếp cận mới và khác biệt", ông Rubio nói với báo giới. "Tôi không khẳng định rằng nó đảm bảo hòa bình, nhưng là một khái niệm mà tôi sẽ trình lên Tổng thống".
Ông Rubio lưu ý rằng Tổng thống Trump ngày càng thất vọng "vì phía Nga không linh hoạt hơn" và nói thêm "Chúng ta cần thấy một lộ trình rõ ràng về cách cuộc xung đột này sẽ kết thúc".
"Chúng tôi đã chia sẻ một số ý tưởng về việc điều đó có thể trông như thế nào", ông nói về cuộc gặp với ông Lavrov, và cho biết hai bên "sẽ tiếp tục giữ liên lạc nếu thấy có cơ hội tạo ra khác biệt".
Trong tuyên bố sau cuộc gặp, Bộ Ngoại giao Nga mô tả đây là một "cuộc trao đổi thẳng thắn và mang tính xây dựng", trong đó hai quốc gia "tái khẳng định cam kết chung trong việc tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột".
Lê Anh (Theo CBSnews, Euromaidanpress)