Ngày 10/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Diễm Phượng (SN 2000) và mẹ chồng là Đặng Thị Thống Nhất (SN 1979; cùng trú xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) để điều tra về tội "Giết người".
Hiện trường Phượng cùng mẹ chồng đốt xăng đánh ghen chị D.
Cơ quan điều tra xác định, sáng 26/1, do ghen tuông tình cảm, Phượng cùng mẹ chồng đã dùng chai đựng khoảng 1,5 lít xăng tưới lên người chị D. (SN 1995) khi thấy anh Huy (SN 1999, chồng Phượng) cõng cô gái trẻ này trên lưng tại đường Trương Chí Cương (thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Hậu quả, chị D. bị bỏng độ 4, 35% ở các vị trí đầu, mặt, cổ, lưng, tay, mông trái; biến chứng suy hô hấp. Trong khi đó, Phượng bị bỏng bàn tay trái. Trong quá trình dập lửa và cứu D., chồng của Phượng cũng bị bỏng 2 bàn tay.
Liên quan đến vụ việc, ngày 10/2, trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật cho biết, việc dùng xăng tưới và đốt người ở giữa đường là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội có thể dẫn đến chết người. Dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa, hành vi này thể hiện thái độ coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe tính mạng của người khác.
“Người thực hiện hành vi dùng xăng để đốt người là thực sự rất nguy hiểm mang tính man rợ. Hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội “Giết người” không phụ thuộc vào nạn nhân có chết hay không. Người phạm tội có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có nhận thức và đủ khả năng biết được hành vi mà mình thực hiện gây nguy hiểm cho xã hội cho nên việc nạn nhân không chết do được cấp cứu kịp thời nằm ngoài ý chí chủ quan của người thực hiện hành vi.
Sự việc này cho thấy rằng người phạm tội đã nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả dùng xăng đốt người có thể dẫn đết cái chết của nạn nhân”, luật sư Bình phân tích.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật
Luật sư Bình cho hay, xăng là hóa chất rất nguy hiểm, có tính sát thương rất cao, có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho nạn nhân, nếu như không lấy đi sinh mạng của nạn nhân thì cũng thì cũng để lại thương tật vĩnh viễn, ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ, tinh thần và cuộc sống hằng ngày của nạn nhân. Vụ việc đã được cơ quan điều tra thụ lý, giải quyết làm rõ động cơ, mục đích, hậu quả để làm cơ sở giải quyết vụ án. Cơ quan điều tra đã khởi tố hành vi của đối tượng về tội “Giết người” theo quy định của tại Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Nhận định về nguồn cơn của những hành vi quá khích vì “ghen”, luật sư Bình cho biết thời gian gần đây chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ việc đau buồn, những vụ án mạng thương tâm do mâu thuẫn tình cảm, chỉ vì cái tôi, ích kỷ cá nhân, ghen tuông mù quáng, không đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng, nhu cầu, tình cảm của đối phương mà các đối tượng phạm tội sẵn sàng ra tay lấy đi mạng sống của người khác.
“Có thể kể đến nguyên nhân là từ nhận thức, thiếu hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn yếu kém. Trong đó, nhiều người chỉ biết quyền lợi, cảm xúc của bản thân, ích kỷ không nghĩ đến quyền lợi của người khác. Khi có mâu thuẫn, không tìm hiểu nguyên nhân, ngọn nguồn của vấn đề, cùng nhau bàn bạc, giải quyết mâu thuẫn mà sẵn sàng ra tay xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng người khác để thỏa mãn bản thân”, luật sư Bình nói.
Cũng theo luật sư Bình, việc thiếu kỹ năng sống, không có kỹ năng xử lý tình huống cũng là một trong các nguyên nhân chính cho các hành vi quá khích vì “ghen”. Khi có mâu thuẫn về vấn đề tình cảm, người phạm tội không biết cách giải quyết mâu thuẫn, không nhận thức được những hành vi không đúng của mình mà còn “đổ thêm dầu vào lửa” khiến mâu thuẫn ngày càng căng thẳng, không thể giải quyết được dẫn đến xảy ra bi kịch.
Để góp phần ngăn chặn những hành vi quá khích bột phát do mâu thuẫn tình cảm, luật sư Bình cho rằng việc giáo dục tuyên truyền pháp luật cho cộng đồng là rất quan trọng. Cần nâng cao ý thức tự nghiên cứu pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Tổ chức các lớp sinh hoạt pháp luật tại địa phương để pháp luật đi vào đời sống nhân dân. Đồng thời, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể cũng cần lồng ghép những lớp học về kỹ năng sống để mỗi người trong xã hội có nhận thức đúng đắn về đời sống, biết tôn trọng bản thân mình và tôn trọng người khác.
“Khi văn hóa, đạo đức xã hội được đề cao, người dân có hiểu biết, tôn trọng pháp luật thì mới tôn trọng sức khỏe, tính mạng của người khác, khi đó mới ngăn chặn được tội phạm, những vụ việc đau lòng tương tự như thế này xảy ra”, luật sư Bình nhấn mạnh.
Đức Nhật