UAV MQ-9 Reaper của Mỹ (phải) rơi sau khi chạm trán với chiến đấu cơ Su-27 của Nga.
Liên quan tới sự việc UAV MQ-9 Reaper của Mỹ bị rơi ở Biển Đen, Nga coi đây là hành động leo thang căng thẳng, đại sứ Nga Antonov nói khi được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, theo RT.
Ông Antonov đã gặp trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu, Karen Donfried. Phía Mỹ bày tỏ sự phản đối khi "chiến đấu cơ Nga có hành động không an toàn và thiếu chuyên nghiệp" khiến chiếc UAV "Ác điểu" của Mỹ rơi xuống biển.
"Chúng tôi coi đây là hành động leo thang", đại sứ Nga Antonov nói với các phóng viên sau cuộc gặp. Ông Antonov cho biết, mình đã truyền tải thông điệp tới bà Karen Donfried, rằng máy bay, tàu chiến hay UAV Mỹ không có lý do gì để hoạt động sát biên giới Nga như vậy.
"Liệu có thể tưởng tượng được phản ứng của truyền thông Mỹ hay Lầu Năm Góc nếu một UAV kiểu như vậy xuất hiện gần New York hay San Francisco?", đại sứ Antonov đặt câu hỏi.
Phi công Mỹ điều khiển một chiếc MQ-9 Reaper từ trung tâm chỉ huy.
"UAV của Mỹ làm gì ở cách xa hàng ngàn km so với lãnh thổ Mỹ. Câu trả lời là rất rõ ràng. Các loại UAV này thu thập thông tin tình báo và được Kiev sử dụng để tấn công quân đội, tấn công mục tiêu trong lãnh thổ của chúng tôi", đại sứ Nga nói thêm.
"Chúng tôi cho rằng Mỹ nên kiềm chế các hành động leo thang như vậy, ngừng các chuyến bay trinh sát sát biên giới Nga ở Biển Đen", đại sứ Nga nhấn mạnh.
Theo ông Antonov, Mỹ và Nga cần "cực kỳ thận trọng" với những hành động, trước tình hình hiện nay ở Đông Âu. Ông Antonov nói với bà Donfried rằng, Nga "muốn tìm kiếm các mối quan hệ thực tế" và không muốn xung đột với Mỹ.
Ông Antonov cũng nhấn mạnh việc "Ác điểu" MQ-9 Reaper của Mỹ là mẫu UAV có thể mang một lượng lớn bom và tên lửa. Đây là mẫu UAV sát thủ chuyên thực hiện các sứ mệnh tiêu diệt mục tiêu, đài RT cho biết.
Vị trí xảy ra sự cố không được nhà chức trách Nga tiết lộ. Nhưng theo truyền thông Nga, vị trí cuối cùng của chiếc MQ-9 Reaper là cách thành phố cảng Sevastopol, bán đảo Crimea, khoảng 60km.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào tháng 3/2014. Phương Tây và Ukraine tuyên bố không công nhận cuộc trưng cầu dân ý. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sau đó áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt Nga để phản đối.
Đăng Nguyễn - RT