Dưới thời vua George III, đế quốc Anh mất quyền kiểm soát các thuộc địa ở Bắc Mỹ.
Cuộc chiến giành độc lập của Mỹ hay còn gọi là Cách mạng Mỹ nổ ra trong giai đoạn năm 1765 - 1791. Đây là giai đoạn 13 thuộc địa tập hợp lực lượng nhằm buộc đế quốc Anh phải chấm dứt ảnh hưởng ở Bắc Mỹ.
Đến mùa hè năm 1775, 10 năm sau khi xung đột nổ ra, đế quốc Anh nhận ra cuộc chiến ở Bắc Mỹ không thể sớm kết thúc, cần một lượng lớn nhân lực và vũ khí.
Đế quốc Anh khi đó sở hữu hạm đội hùng mạnh hàng đầu thế giới nhưng bộ binh lại tương đối khiêm tốn, trong khi các thuộc địa ở Bắc Mỹ trải dài trên một khu vực rộng lớn. Đó là chưa kể đế quốc Anh phải phân chia lực lượng để canh giữ các vùng lãnh thổ trải dài từ Ireland cho tới châu Phi, bao gồm quần đảo Caribe.
London quyết định nhờ cậy tới sự giúp đỡ của Nga. Đây là một trong những giai đoạn nước Nga phát triển rực rỡ, tạo ra uy thế vô cùng lớn nhờ hàng loạt chiến thắng trước người Thổ.
Cuộc đối đầu địa chiến lược giữa đế quốc Anh và Nga lúc này vẫn chưa diễn ra. Hai cường quốc có mối quan hệ khá thân tình.
Nước Nga từng trải qua giai đoạn huy hoàng dưới thời nữ hoàng Catherine 2.
Anh là bên đã giúp Nga trong cuộc chống lại người Thổ (đế quốc Ottoman) và mong muốn Nga cũng hỗ trợ như vậy ở Bắc Mỹ.
Vua George III của Anh biết rõ năng lực của nữ hoàng Nga Catherine Đại đế. Nữ hoàng vĩ đại nhất lịch sử Nga từng dập tắt nhiều cuộc nổi dậy và vua George III mong muốn nữ hoàng Nga sẽ không bỏ mặc "em trai" đang đối mặt nguy cơ mất quyền kiểm soát các thuộc địa ở Bắc Mỹ. Vua George III kém nữ hoàng Catherine II 9 tuổi.
Tháng 6/1775, đại sứ Anh Robert Gunning bắt đầu khởi động nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của Nga trong việc dập tắt phong trào nổi dậy ở Bắc Mỹ.
Nikita Panin, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Nga khi đó, cam kết với đại sứ Anh rằng nữ hoàng "sẽ giúp vua George III với mọi sự hỗ trợ có thể".
Vua Anh sau đó gửi thư tới nữ hoàng Catherine II, nói rằng "cần sự hỗ trợ từ binh sĩ Nga do làn sóng nổi dậy phức tạp ở thuộc địa bắc Mỹ".
Đại sứ Anh Robert Gunning từ chức sau thất bại trong việc nhờ cậy Nga giúp đỡ.
Anh đề nghị Nga hỗ trợ 20.000 quân tinh nhuệ có kỷ luật cao và được vũ trang đầy đủ, sẵn sàng rời cảng Baltic để tới Canada vào mùa xuân năm 1776. Phía Anh mong muốn lực lượng này sẽ do tổng tư lệnh Anh chỉ huy.
Phía Anh cam kết rằng, lực lượng Nga sẽ nhận được đãi ngộ cao nhất, và các khoản chi trả sẽ được hai bên thảo luận chi tiết hơn.
Trên thực tế, lập trường của nữ hoàng Anh Catherine II về việc hỗ trợ Anh không bao gồm việc gửi quân, theo báo Nga RBTH. Nữ hoàng khi đó theo dõi sát sao các diễn biến ở Bắc Mỹ, nhận ra rằng phe nổi dậy chỉ mong muốn giành độc lập, không đe dọa đến hoàng gia Anh hay cá nhân vua George III.
Nữ hoàng cũng dự đoán rằng Anh sớm muộn sẽ trở thành đối thủ địa chính trị của Nga. Việc Anh có thể mất quyền kiểm soát khu vực Bắc Mỹ đánh dấu sự suy yếu và đối với Nga, đây là diễn biến tích cực.
Nhìn chung, nữ hoàng không muốn huy động binh sĩ Nga để giải quyết vấn đề thuộc địa của Anh, kể cả khi vua George III sẵn sàng trả khoản tiền lớn.
Một trận đánh trong cuộc Cách mạng Mỹ năm 1775.
Nữ hoàng Catherine II cũng muốn bảo toàn lực lượng Nga sau một giai đoạn chiến đấu chống quân nổi dậy và người Thổ trong khu vực.
"Tôi chỉ vừa mới tận hưởng hòa bình và Điện hạ nên biết rằng đế quốc Nga cần sự nghỉ ngơi", nữ hoàng Nga gửi thông điệp trả lời vua Anh.
"Khoảng thời gian ngắn ngủi trong vài tháng cho tới mùa xuân năm sau là không đủ để binh sĩ của tôi đạt mức độ chiến đấu cao nhất. Việc gửi quân viễn chinh đi xa như vậy, lại do lực lượng sở tại chỉ huy, không dễ dàng để liên lạc về quê nhà khiến tôi không thể chấp nhận đề nghị này", nữ hoàng viết trong thư.
Vua George III sau đó đề xuất binh sĩ Nga chỉ tham gia vai trò bảo đảm bảo an ninh ở vương quốc Hanover thuộc Anh (ở Đức và Hà Lan ngày nay), để lực lượng Anh ở Hanover có thể được điều tới Bắc Mỹ. Kế hoạch này cũng thất bại. Đại sứ Anh tại Nga, Robert Gunning cũng tuyên bố từ chức.
Năm 1777, tổng tư lệnh các lực lượng Anh ở Bắc Mỹ, William Howe, tức giận vì không nhận được quân tiếp viện từ châu Âu, cho rằng chỉ cần 10.000 quân Nga hỗ trợ là đủ để "đảm bảo chiến thắng".
George Washignton, một trong những nhà lập quốc của Mỹ, vượt sông Delaware
Anh sau đó cũng nhiều lần tiếp cận nữ hoàng Catherine II đề nghị hỗ trợ quân sự nhưng đều bị từ chối.
"Chúng tôi không thể không vui khi nỗ lực của Anh nhằm cầu viện đã bị nữ hoàng Nga bác bỏ", George Washington, nhà lập quốc của Mỹ, viết trong thông điệp gửi tướng Pháp Gilbert Lafayette.
Pháp là đối thủ lâu đời của Anh và chính thức tham gia hỗ trợ phong trào giành độc lập ở Mỹ từ năm 1776.
Năm 1780, đế quốc Nga ra tuyên bố duy trì lập trường trung lập trong vấn đề Bắc Mỹ và bảo lưu quyền tự do buôn bán với bất kỳ bên tham chiến nào. Anh coi đây là hành động không thân thiện.
Vốn là một chính trị gia thận trọng và thực dụng, nữ hoàng Catherine II không vội vàng công nhận nền độc lập của Mỹ sau khi cuộc chiến kết thúc.
Quan hệ ngoại giao Nga - Mỹ chỉ được thiết lập vào năm 1809 dưới thời cháu trai nữ hoàng, vua Alexander I, theo RBTH.
Đăng Nguyễn - RBTH