Khi đặt chân đến thị trấn Bhramapura, ở Nepal, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi chỉ thấy những người phụ nữ bán hàng tạp hóa, chở ngũ cốc, bơm nước mà hầu như không nhìn thấy bóng dáng của người đàn ông.
Không chỉ nơi đây mà nhiều vùng đất khác ở Nepal cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Đất nước này hiện là một trong những nơi khan hiếm đàn ông nhất thế giới.
Tại Bhramapura, phụ nữ đảm nhận các nhiệm vụ thường chỉ dành cho nam giới. Họ trở thành trụ cột và là người đại diện cho cộng đồng. Nguyên nhân chính khiến nơi đây thiếu vắng đàn ông là do dòng chảy đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, để cuộc sống khấm khá hơn.
Tại Nepal, nhiều nơi đang thiếu vắng đàn ông trầm trọng.
Cô đơn, thiếu vắng
Hiện tại, Bhramapura là một trong những thị trấn khá giả của Nepal tuy nhiên tất cả mọi thứ đều có cái giá của nó. Cô Taradevi Sah, 36 tuổi, chỉ gặp chồng hai lần trong sáu năm kể từ khi anh đến Kuwait lao động.
Người phụ nữ cho biết: "Thật là đáng buồn nhưng nó càng đau khổ hơn nếu sống trong nghèo đói. Chồng tôi gửi tiền về hàng tháng khiến cuộc sống của chúng tôi đỡ ngột ngạt hơn".
Madhu Thakur, một nhân viên y tế cho biết: "Việc những người đàn ông mới kết hôn đã phải xa vợ quả là nỗi cô đơn cùng cực. Tuy nhiên, nếu không có tiền mọi thứ còn kinh khủng hơn".
Nhiều người phụ nữ cô đơn vì vắng bóng đàn ông.
Những người phụ nữ ở Bhramapura nói riêng và một số vùng ở Nepal nói chung đã quen với việc cô đơn, lẻ bóng. Tại thị trấn này, cứ bốn người đàn ông thì có một người ra nước ngoài. Nhiều thanh niên trai tráng cũng tìm đường ra nước ngoài làm ăn và đôi khi là không trở về. Điều này khiến cho tỷ lệ nam giới và nữ giới mất cân bằng hơn.
Nhiều cô gái trẻ phải đối mặt với tình trạng "ế chồng" và dù có kết hôn rồi họ cũng phải rơi vào cảnh "chăn đơn gối chiếc". Vài năm chỉ gặp chồng có đôi lần, nhà cửa lúc nào cũng thiếu vắng bàn tay vun vén của người đàn ông.
Nhiều hệ lụy phía sau
4 năm qua, công việc hàng ngày của cô Urmila chưa bao giờ thay đổi. Những sinh hoạt đều đặn, tẻ nhạt và thiếu vắng tiếng cười. 4 năm sau ngày lấy chồng, người phụ nữ vẫn mong mỏi đến ngày được gặp chồng lần thứ hai.
"Anh ấy đi lao động ở Malaysia khi mới cưới được 1 tháng, bố mẹ chồng cũng đã mất, tôi chẳng có gì ngoài sự cô đơn”, cô Urmila Bhudal, làng Chhaling, Nagarkot, Nepal chia sẻ.
Tình trạng thiếu hụt đàn ông ở Nepal đã gây ra nhiều hệ lụy.
Nhà bà Mirmala may mắn hơn khi 3 con trai đi xuất khẩu lao động vùng Vịnh, còn có 2 cô con dâu và vài đứa cháu. Nhưng càng đông thì gánh nặng cơm áo càng nặng. Có khoảng 100 gia đình giống nhà bà Mirmala ở làng miền núi Chhaling.
Với tỷ lệ thất nghiệp cao tới 46%, xuất khẩu lao động được xem là con đường duy nhất ở Nepal giúp họ ấm no hơn. Mỗi ngày, ước tính có khoảng 1.500 người rời khỏi Nepal đi làm ăn xa. Chỉ trong một thập niên, 1/10 dân số Nepal, đã ra nước ngoài kiếm sống làm ăn, để lại người già, phụ nữ và trẻ nhỏ.
Đất đai nông nghiệp hầu như bị bỏ hoang. Bên cạnh đó, khi đời sống khấm khá hơn nhưng thiếu bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của người chồng, người cha, nhiều đứa trẻ khi lớn lên vướng vào các tệ nạn xã hội. Người phụ nữ ở lại phải gồng gánh tất cả và đôi khi là quá sức đối với họ. Tuy nhiên, đối với nhiều gia đình, việc không có kinh tế lại càng trở nên đáng sợ hơn. Do đó, dòng chảy ra nước ngoài làm việc của đàn ông Nepal cứ không ngừng diễn ra.
Ngọc Linh