Ngày 27/11, VnExpress đưa tin, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đặt tên biến chủng mới (B.1.1.529) ở Nam Phi là Omicron, xếp vào nhóm biến chủng đáng lo ngại (VOC).
"Biến chủng này có lượng lớn đột biến, trong đó một đột biến đáng lo ngại. Bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm biến chủng này cao hơn các biến chủng khác", WHO cho biết.
Số ca nhiễm Omicron đang tăng đều ở hầu hết các tỉnh Nam Phi. Đến nay, biến chủng được ghi nhận tại Nam Phi, Botswana, Bỉ, Hong Kong và Israel.
Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng dễ lây lan, tỷ lệ gây tử vong cao hoặc làm giảm hiệu quả của vắc-xin. Song một số chuyên gia lo ngại Omicron là lý do khiến số ca nhiễm nCoV tại khu vực này tăng cao.
Theo Tulio de Oliveira, Giám đốc nền tảng giải trình tự gene KwaZulu-Natal, biến chủng mới có 50 đột biến, "một số đột biến rất bất thường". Hơn 30 đột biến nằm ở protein S, thành phần giúp nCoV bám vào tế bào người.
Vùng liên kết thụ thể (phần virus lần đầu tiếp xúc với tế bào) có 10 đột biến, lớn hơn nhiều so với hai đột biến của Delta. Omicron rất có thể đến từ một bệnh nhân suy yếu miễn dịch, không đủ khả năng tự loại bỏ virus. Giả thuyết tương tự từng được đưa ra với biến chủng Alpha.
Biến chủng cũng chứa tới hai đột biến là P681H và N679K ở vị trí phân cắt furin (vị trí giúp virus thuận lợi xâm nhập vào tế bào). Đây là lần đầu tiên giới khoa học ghi nhận hai đột biến này trong biến chủng duy nhất.
Dù vậy, nhiều nhà dịch tễ học kêu gọi cộng đồng bình tĩnh, lưu ý rằng một số biến chủng có vẻ nguy hiểm đã xuất hiện và biến mất trong những tháng gần đây.
Sharon Peacock, giáo sư về sức khỏe cộng đồng và vi sinh tại Đại học Cambridge, nhận định: "Có hai cách tiếp cận trong tương lai: chờ đợi thêm bằng chứng khoa học hoặc hành động ngay bây giờ. Theo tôi, cách tốt nhất là chủ động đi trước virus thay vì ngồi chờ đợi".
Theo Zing, sau tuyên bố của WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cũng phân loại biến chủng Omicron vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại", bên cạnh biến chủng Beta (lần đầu được phát hiện ở Nam Phi), Gamma (phát hiện ở Brazil) và Delta (phát hiện ở Ấn Độ).
“Đây là biến chủng khác biệt nhất được phát hiện với số lượng đột biến đáng kể được ghi nhận từ khi dịch bùng phát đến nay. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng biến chủng mới có thể tăng khả năng lây truyền, giảm đáng kể hiệu quả của vắc-xin và tăng nguy cơ tái nhiễm", báo cáo của cơ quan này cho hay.
Báo cáo của ECDC cũng cho biết khả năng biến chủng mới lan rộng ở EU là cao và ủng hộ một “cách tiếp cận phòng ngừa”.
ECDC khuyến nghị tăng cường xét nghiệm, tránh đi đến các khu vực bị ảnh hưởng và tích cực truy vết các ca nhiễm bệnh. Cơ quan này cũng khuyến khích tiếp tục triển khai chương trình tiêm chủng và xem xét tiêm mũi thứ ba cho những người từ 40 tuổi trở lên.
Trước mối lo ngại về biến chủng mới, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/11 đã thông báo hạn chế đi lại bằng đường hàng không với 8 quốc gia ở châu Phi. Cụ thể, hạn chế mới được áp dụng từ ngày 29/11, đối với các hành khách đến từ Nam Phi và 7 nước khác ở châu Phi bao gồm Boswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique, và Malawi.
Canada cũng cho biết họ sẽ cấm nhập cảnh những công dân nước ngoài đã đi qua miền Nam châu Phi trong hai tuần qua. Các hạn chế áp dụng cho các quốc gia giống như quy định mới ở Mỹ, ngoại trừ Malawi.
Trước đó, một loạt các nước bao gồm Anh và Israel cũng đã hạn chế hoạt động đi lại từ Nam Phi và các quốc gia lân cận nhằm ngăn ngừa khả năng lây lan của biến chủng mới.
Quốc Tiệp (t/h)