Tháng 5/1938, giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ ba diễn ra tại Pháp. Tháng 9/1939, hơn 1 năm sau, thế chiến 2 nổ ra. Đến tháng 5/1940, tròn 2 năm sau khi tổ chức trận chung kết, Paris rơi vào tay phát xít Đức. Những cột mốc thời gian vừa nêu cho thấy World Cup 1938 cận kề chiến tranh đến như thế nào.
Và không chỉ diễn ra bên bờ vực cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, World Cup 1938 còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Đệ nhị thế chiến, bởi thực tế chiến tranh đã nổ ra từ trước. Đơn cử đội tuyển Áo, đệ tứ anh hào cúp bóng đá thế giới 1934 đã không thể góp mặt vì Áo bị phát xít Đức xâm chiếm.
Vì biến cố này, số lượng đội bóng tham dự World Cup 1938 đã phải giảm từ 16 xuống còn 15 đội. Đội tuyển Đức cũng “sáp nhập” những tuyển thủ ưu tú người Áo để có được đội hình mạnh hơn nhưng kết quả vẫn bị loại ngay từ vòng đấu đầu tiên. Ngoài ra, sự xuất hiện của hai đội tuyển phát xít Đức và Ý đã gây nên làn sóng biểu tình chống lại Mussolini và Hitler tại Pháp.
Tương tự World Cup 1934, World Cup 1938 tiếp tục chứng kiến sự tham gia hạn chế của các đại diện đến từ Nam Mỹ. Cả Argentina lẫn Uruguay đều không tham gia và Brazil là đại diện duy nhất của lục địa đối trọng với châu Âu trong thế giới bóng đá. Ngoài Selecao, chỉ có 2 đại diện khác đến từ ngoài lục địa già là Cuba và Đông Ấn Hà Lan, tức Indonesia hiện nay. Đây là lần đầu tiên và duy nhất cả hai đội tuyển này tham dự một kỳ World Cup.
Thể thức của World Cup 1938 y nguyên giải đấu trước đó. Cụ thể 16 đội được chia làm 8 cặp thi đấu loại trực tiếp cho đến chung kết. Vì Áo vắng mặt bất đắc dĩ, Thụy Điển nghiễm nhiên có mặt ở tứ kết và đè bẹp Cuba với tỷ số 8-0, là trận đấu có cách biệt lớn nhất tại kỳ túc cầu vận hội này. Trận có cách biệt lớn thứ hai là chiến thắng 6-0 của Hungary trước Đông Ấn Hà Lan ở vòng 1/8.
Hungary từ World Cup 1938 bắt đầu vươn lên trở thành thế lực hàng đầu của bóng đá châu Âu và vươn tới đỉnh cao vào thập niên 1950 cùng thế hệ vàng với Ferenc Puskás, Sándor Kocsis, hay Nandor Hiegkuti. Trở lại với giải đấu ở Pháp, sau khi vượt qua Đông Ấn Hà Lan, Hungary tiếp tục “giải mã” Thụy Sỹ ở vòng tứ kết.
Sở dĩ gọi “giải mã” Thụy Sỹ bởi đội tuyển này đã bất ngờ đánh bại đội tuyển phát xít Đức ở vòng 1/8. Thú vị hơn, Thụy Sỹ lại được dẫn dắt bởi một HLV người Áo, ông Karl Rappan. Không chỉ báo thù cho quê mẹ, Rappan còn ghi dấu ấn tại World Cup 1938 với việc sáng tạo ra hệ thống chiến thuật mới được gọi là Swiss bolt (Tia chớp Thụy Sĩ).
Thời bấy giờ, sơ đồ thịnh hành là WM (3-2-2-3) và các đội sẽ lùi sâu về phần sân nhà để phòng ngự khi không có bóng. Rappan muốn đội bóng của ông phòng ngự chủ động hơn nên kéo một tiền vệ phòng ngự xuống sâu hơn để thực hiện vai trò như cái chốt bảo vệ cho bộ 3 hậu vệ còn lại. Đồng nghĩa, Tia chớp Thụy Sĩ là sơ đồ chiến thuật đầu tiên sử dụng 4 hậu vệ trong lịch sử bóng đá và tạo ảnh hưởng để sau này xuất hiện chiến thuật catenaccio trứ danh và việc sử dụng libero (hậu vệ quét) trong đội hình.
Đội tuyển Brazil, đại diện duy nhất của Nam Mỹ, thi đấu rất ấn tượng trên đất Pháp. Selecao không chỉ lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua vòng đầu tiên mà còn lọt vào tới bán kết và giành danh vị đệ tam anh hào chung cuộc. Ngôi sao sáng nhất của đội bóng đến từ xứ sở samba là Leonidas, cầu thủ còn đi vào lịch sử với việc phát minh ra cú đá xe đạp chổng ngược đẹp mắt.
Tại giải đấu này, Leonidas đã giành ngôi vua phá lưới với 7 pha lập công. Ông mê hoặc người hâm mộ châu Âu bằng lối đã kỹ thuật, hoa mỹ và được ca tụng là viên kim cương đen Trong trận đấu mở màn ở vòng 1/8, ông lập cú hattrick vào lưới đội tuyển Ba Lan. Đến tứ kết, Brazil hòa Tiệp Khắc 1-1 trong trận đấu có một cầu thủ bị gãy tay, một cầu thủ khác bị gãy chân. Hai đội tái đấu 2 ngày sau và Brazil giành chiến thắng 2-1. Leonidas ghi bàn ở cả 2 trận đấu.
Nhưng đến bán kết, HLV Ademar Pimenta có quyết định đầy tranh cãi khi không cho Leonidas vào sân cho dù đối thủ là ĐKVĐ Italia. Theo ông, tiền đạo này đang bị chấn thương và cần biết thêm thời bấy giờ chưa có luật thay người nên đã không ra sân coi như làm khán giả cả trận. Thiếu Leonidas, Brazil thua Italia với tỷ số 1-2. Đến trận tranh hạng ba với Thụy Điển, Viên kim cương trở lại và tỏa sáng với cú đúp bàn thắng giúp Brazil giành chiến thắng 4-2.
Sau chức vô địch thế giới trên sân nhà, với sự can thiệp của trùm phát xít Mussolini, Italia cũng giành huy chương vàng môn bóng đá nam Thế vận hội 1936. Điều đó cho thấy đội tuyển Ý có thực lực chứ không chỉ cậy nhờ quyền lực. Đến World Cup 1938, điều đó càng được khẳng định mạnh mẽ hơn.
Hai ngôi sao sáng nhất của đoàn quân thiên thanh là vị chiến lược gia vĩ đại Vittorio Pozzo và huyền thoại Giuseppe Meazza. Ngoài ra, đội tuyển Italia chỉ còn 4 cầu thủ từng đăng quang trên sân nhà 4 năm trước.
Azzurri bắt đầu chiến dịch bảo vệ cúp vàng bằng chiến thắng với tỷ số tối thiểu 2-1 trước Na Uy. Silvio Piola là tác giả bàn thắng quyết định ở hiệp phụ. Đến trận tứ kết với chủ nhà Pháp, trước 59 ngàn CĐV, đoàn quân thiên thanh ra sân với trang phục màu đen theo chỉ đạo của Mussolini. Thầy trò Pozzo đánh bại Pháp với tỷ số 3-1 và Piola lập cú đúp. Đến bán kết, như đã đề cập, Italia hạ Brazil không Leonidas với tỷ số 2-1.
Trong trận bán kết còn lại, Hungary đánh bại Thụy Điển 5-1. Tuy nhiên, Hungary thời điểm này chưa đủ bản lĩnh để sánh với Italia. Ở trận chung kết, Piola ghi 2 bàn nữa và Azzurri giành chiến thắng 4-2. Qua đó, trở thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử bảo vệ thành công chức vô địch World Cup. Cho đến nay sau gần 100 năm, giải vô địch bóng đá thế giới cũng chỉ chứng kiến thêm một đội tuyển khác bảo vệ thành công chức vô địch là Brazil vào năm 1962.