Sau 5 lần tổ chức, World Cup dần khẳng định được vị thế giải đấu vĩ đại nhất của môn thể thao vua. World Cup 1958 chứng kiến 50 đội tuyển đăng ký tham gia để chọn ra 16 đội tham dự vòng chung kết. Từ chỗ phải mời mọc các đội tham dự, FIFA đã có đủ quyền uy để đưa ra luật lệ ngạo nghễ là ngoại trừ chủ nhà Thụy Điển và ĐKVĐ Tây Đức, bất cứ đội tuyển quốc gia nào tham dự vòng chung kết phải đảm bảo điều kiện thi đấu ít nhất 1 trận đấu vòng loại.
Vì quy định này, chuyện khá hy hữu đã xảy ra. Tại vòng loại World Cup khu vực châu Á và châu Phi, 3 đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Sudan đều từ chối thi đấu với Israel. Nếu ở các kỳ World Cup trước, Israel mặc nhiên có suất tham dự vòng chung kết.
Tuy nhiên, do luật mới của FIFA, Israel lại không đủ điều kiện. Do đó cơ quan quản lý bóng đá thế giới phải “nghĩ” ra trận play-off liên lục địa giữa Israel và một đội đã bị loại tại châu Âu. Sau khi bốc thăm các đội nhì bảng, xứ Wales được chọn.
Và ở trận đấu đặc biệt này, xứ Wales đánh bại Israel để trở thành đội bóng duy nhất trong lịch sử giành vé tham dự giải vô địch bóng đá thế giới sau khi đã bị loại. Ngoài ra, cho đến nay World Cup 1958 là giải đấu duy nhất quy tụ đủ 4 đội tuyển vương quốc Anh là Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland.
World Cup 1958 đánh dấu sự phát triển về mặt định dạng thể thức của giải đấu và được áp dụng từ đó đến nay. 16 đội sẽ được chia làm 4 bảng, mỗi bảng 4 đội thi đấu vòng tròn tính điểm chọn ra hai đội đầu bảng đi tiếp vào vòng trong. Thời điểm này mỗi chiến thắng được tính 2 điểm, hòa 1 điểm và thua 0 điểm.
Bước đột phá trong thể thức là nếu hai đội bằng điểm, thương số bàn thắng và bàn thua sẽ được tính đến để phân cao thấp. Hiểu đơn giản là lấy số bàn thắng chia cho số bàn thua. Ở các giải đấu trước, khi 2 đội bằng điểm, hoặc một trận play-off được tổ chức, hoặc phải bốc thăm.
Tại World Cup 1958, trong trường hợp hai đội nhì và ba bằng điểm, hai đội sẽ thi đấu play-off. Nếu hai đội hòa nhau, thương số bàn thắng và bàn thua sẽ được tính đến để phân cao thấp. Tại vòng bảng World Cup 1958, trong 4 bảng thì hết 3 bảng phải tổ chức trận play-off, cho thấy chất lượng khá đồng đều giữa các đội.
Về bốc thăm chia bảng, World Cup 1958 không phân nhóm hạt giống mà bốc thăm chia bảng với các điều kiện: phải có ít nhất 1 đội Tây Ây, 1 đội Đông Âu, 1 trong 4 đội vương quốc Anh, và 1 đội đến từ châu Mỹ.
Trước giải đấu tại Thụy Điển, các kỳ World Cup chỉ đem đến cho người Brazil những kỷ niệm buồn đau. Cho dù vậy, đội tuyển Brazil, bây giờ đã chuyển sang sắc áo vàng xanh sau thảm họa Maracanazo, được đánh giá cực cao. Bảng 4 của Brazil thì được ví như bảng tử thần bởi sự hiện diện của Liên Xô, ĐKVĐ Thế vận hội, Áo, đệ tam anh hào World Cup 1954 và Anh, đội bóng đại diện cho quê hương của môn thể thao vua. Người Thụy Điển ví von bảng đấu này là giganternas kamp, trận chiến của những gã khổng lồ.
Brazil bắt đầu hành trình bằng chiến thắng giòn giã 3-0 trước đội tuyển Áo. Pele lúc bấy giờ chỉ là cậu thiếu niên 17 tuổi và thực tế chưa được biết đến nhiều ngoài biên giới Brazil. Ở trận mở màn anh lẫn Garrincha đều bị cho ngồi ngoài.
Đến trận thứ hai, Selecao đã bị đội tuyển Anh cầm hòa 0-0. Ngày nay hòa không bàn thắng là tỷ số rất phổ biến nhưng thời điểm đó, người ta chưa hình dung nổi tại sao trận đấu lại có thể kết thúc lại không có bàn thắng được ghi và thực tế trận đấu này là lần đầu tiên trong lịch sử World Cup xuất hiện tỷ số 0-0.
Bước sang trận đấu cuối cùng gặp Liên Xô, Brazil trở lại với sức mạnh vốn có. Pele và Garrincha được sử dụng ngay từ đầu. Cả hai đều chưa ghi bàn nhưng thi đấu cực kỳ xuất sắc. Garricha khiến hậu vệ đối phương choáng váng tới nỗi sang hiệp 2, HLV Kachalin đã phải bố trí tới 3 chứ không phải 2 cầu thủ theo kèm cầu thủ chạy cánh của đội tuyển Brazil.
Đứng đầu bảng 4, Brazil gặp “kẻ ăn may” xứ Wales trong trận tứ kết. Lần này xứ Wales đã không còn được hưởng lộc trời bởi Selecao quá vượt trội. Pele ghi bàn thắng duy nhất, và cũng là bàn thắng đầu tiên của cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Brazil tại đấu trường World Cup.
Đến bán kết, đối thủ của Selecao và Những chú gà trống Gô-loa Pháp. Giới mộ điều trông chờ màn so tài giữa hai tiền đạo Just Fontaine và Pele, một người sẽ lập kỷ lục ghi bàn tại một kỳ World Cup với 13 bàn thắng và một người sau này được xưng tụng là Vua bóng đá.
Vava ghi bàn mở tỷ số ngay phút thứ 2. Chỉ 7 phút sau, Fontaine gỡ hòa. Brazil làm chủ hoàn toàn thế trận. Didi tái lập lợi thế dẫn bàn và sau đó đến lượt Pele bùng nổ với cú hattrick trong hiệp 2. Roger Piantoni ghi một bàn thắng nữa cho đội tuyển Pháp và tỷ số chung cuộc là 5-2. Brazil lần đầu tiên tiến vào trận chung kết. Đối thủ của Pele và đồng đội là chủ nhà Thụy Điển.
Trận chung kết thu hút 52 ngàn khán giả đến sân và chứng kiến 7 bàn thắng được ghi, con số kỷ lục của một trận chung kết World Cup. Nils Liedholm, thủ quân đội tuyển Thụy Điển khai màn bữa tiệc bàn thắng ngay phút thứ tư. 5 phút sau, Vava quân bình tỷ số. Đến phút 32, vẫn là Vava đưa Selecao vượt lên dẫn 2-1.
Và tương tự trận bán kết, hiệp 2 chứng kiến sự bùng nổ của Pele, tài năng trẻ được báo giới Thụy Điển thời điểm đó ca ngợi là “ngọc trai đen”. Pele lập cú đúp bàn thắng ở các phút 55 và 90, bàn còn lại của Brazil được ghi do công của Zagallo ở phút 68. Agne Simonsson ghi thêm bàn nữa cho Thụy Điển ở phút 80. Trận đấu lại kết thúc với tỷ số 5-2. Brazil giành chức vô địch thế giới đầu tiên còn Pele trở thành ngôi sao thể thao toàn cầu.
Bởi màn trình diễn quá ư xuất sắc của Pele và đồng đội, khán giả Thụy Điển cũng bật dậy vỗ tay chào mừng nhà tân vô địch. Vì ứng xử thượng võ ấy, các cầu thủ Brazil đáp lại bằng cách cầm quốc kỳ nước chủ nhà chạy quanh sân để tri ân.
Hai kỷ lục thú vị đã được thiết lập trong trận chung kết này. Đó là cầu thủ trẻ nhất và già nhất ghi bàn trong một trận chung kết World Cup. Người ghi bàn trẻ nhất là Pele (17 tuổi 249 ngày) và người ghi bàn lớn tuổi nhất là Nils Liedholm (35 tuổi 263 ngày).