Thiên tài quái dị nâng bước Selecao
Garrincha chính là nguồn cảm hứng cho đoàn quân Selecao bảo vệ thành công chức vô địch thế giới tại Chile 1962. Amarildo, Zito và Vava ghi bàn giúp Brazil đánh bại Tiệp Khắc (cũ) trong trận chung kết.
Câu hỏi ai là người hùng thực sự trong lần thứ hai bước lên đỉnh thế giới của Brazil thực sự không cần thiết. Mô tả về Garrincha, tờ L'Equipe (Pháp) không ngần ngại khẳng định rằng ông chính là "tiền vệ cánh phải xuất chúng nhất mà chúng ta từng được biết đến".
Đội hình đội tuyển Brazil không có quá nhiều xáo trộn so với 9 gương mặt từng đăng quang vào năm 1958. Trên băng ghế chỉ đạo, Aymore Moreira, em trai của Zeze (người dẫn dắt Brazil tại World Cup Thụy Sĩ 1954), thay thế Vincente Feola dẫn dắt Selecao. Moreira xây dựng hệ thống chiến thuật 4-3-3 và đánh bại Mexico ở trận đấu mở màn với tỉ số 2-0 nhờ các pha lập công của Mario Zagallo và Pele.
Bước sang lượt trận thứ hai tại vòng bảng, Brazil để cho Tiệp Khắc cầm hòa không bàn thắng cũng như chịu tổn thất lớn về mặt lực lượng khi Pele dính chấn thương đùi trái và sớm nói lời từ giã giải đấu. Amarildo thay thế Pele sát cánh cùng Zagallo (nhà vô địch thế giới trong tương lai với tư cách HLV đội tuyển Brazil vào năm 1970) trên hàng công Selecao. Tuy nhiên, chính những pha đi bóng đầy ma thuật của Garricha mới là yếu tố tiên quyết giúp HLV Aymore Moreira có thể gạt mối lo mất Pele sang một bên.
Trận chiến Santiago
Chile đánh bại láng giềng Argentina để giành quyền đăng cai World Cup 1962. Mặc dù nước chủ nhà phải hứng chịu trận động đất lớn nhất thế kỷ hai năm trước thời điểm giải vô địch thế giới diễn ra, nhưng vào ngày 30/5/1962, vòng chung kết vẫn được khai mạc đúng dự kiến với các trận đấu được tổ chức tại 4 địa điểm: Santiago, Vina Del Mar , Rancagua và Arica. Sân Santiago nằm ở vị trí rất nên thơ khi nơi đây có thể chiêm ngưỡng dãy núi Andes phủ tuyết trắng quanh năm.
Tuy vậy, Santiago lại được nhớ đến như một sân đấu đã diễn ra một trong những trận cầu xấu xí nhất trong lịch sử World Cup. "Vết nhơ" này là cuộc đụng độ giữa Chile và Italia hay sau này được gọi với cái tên "trận chiến Santiago" (Battle of Santiago), trận đấu đội chủ nhà giành chiến thắng với tỷ số 2-0 nhưng chỉ được nhớ đến với những màn ẩu đả, những pha vào bóng thô bạo.
Dù bị coi là trận đấu "xấu xí" nhất lịch sử các kỳ World Cup, Trận chiến Santiago lại không giữ kỷ lục nào về số thẻ phạt. Lý do vì thời điểm đó, sáng kiến về việc rút thẻ vẫn chưa ra đời.
Nơi chôn vùi các huyền thoại
World Cup 1962 gồm những Ferenc Puskas, Alfredo di Stefano, Lev Yashin, Pele... rút cuộc lại trở thành kỳ World Cup bị quên lãng. Kỳ thực, sau khi ghi bàn ở trận ra quân thì Pele chấn thương ở trận thứ 2 của vòng bảng và World Cup 1962 khép lại với ông ở thời điểm ấy.
Số phận Di Stefano còn hẩm hiu hơn, khi ông chấn thương từ trước khi giải đấu bắt đầu và không được ra sân trận nào. Cũng có tài liệu cho rằng, sự thực thì Di Stefano “đụng chạm” tới Helenio Herrera và vị HLV này chỉ mượn cớ chấn thương để không sử dụng Di Stefano. Đằng nào cũng vậy, lần dự World Cup duy nhất trong sự nghiệp cầu thủ của Di Stefano (ảnh dưới) là cơn ác mộng, đáng quên cho cả ông lẫn đội tuyển TBN.
Mọi người đều biết, Di Stefano chỉ khoác áo TBN nhờ luật FIFA khi ấy còn lỏng lẻo, khiến đội tuyển này được quyền sử dụng một cầu thủ đã từng khoác áo Argentina và Colombia. Ngoài Di Stefano, đội tuyển TBN tại World Cup 1962 còn bao gồm các tượng đài đến từ nơi khác là Jose Santamaria và Puskas. Họ đã dự World Cup 1954 trong màu áo Uruguay và Hungary.
Bấy giờ, đã 8 năm trôi qua kể từ khi Puskas tỏa sáng trong “Đội bóng vàng”. Ông đã ở tuổi 35, đã lưu vong sau biến cố chính trị 1956 tại Hungary, đã thay đổi từ lối chơi đến môi trường bóng đá. Đấy chỉ còn là một Puskas hoàn toàn mờ nhạt. Cũng vậy, Santamaria không giúp được bao nhiêu cho đội tuyển TBN. Yashin thì thậm chí còn bị coi là nguyên nhân thất bại của đội tuyển Liên Xô. Ông thường xuyên vào lưới nhặt bóng vì những sai lầm cá nhân.
Ngay cả các nhà vô địch World Cup 1962 trong đội hình Brazil như Zagallo, Vava, Didi, Zito, Nilton Santos, Djalma Santos, Gilmar cũng đã già, mờ nhạt hơn chính họ so với thời điểm vô địch World Cup 1958. Cũng trong đoàn quân vô địch World Cup 1958 của Brazil, cầu thủ Jose Alfatini giờ đã là tuyển thủ Italia. Không như các kỳ World Cup 1934, 1938, chiến lược sử dụng “ngoại binh” của Azzurri không đem lại hiệu quả ở kỳ World Cup này. Giống TBN, Italia về nước ngay sau vòng bảng.
Đăng Nguyên