Xã hội hoá là cần thiết
Đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam từ cuối tháng 4 đến nay đang diễn biến phức tạp, khó lường, thời gian kéo dài hơn so với các đợt dịch trước.
Theo Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay, vắc-xin phòng Covid-19 được xem là giải pháp hiệu quả, là trọng tâm ưu tiên trong công tác phòng, chống dịch. Mục tiêu của chúng ta là tiếp cận sớm, tăng độ bao phủ vắc-xin, đạt được miễn dịch cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế xã hội.
Để phòng dịch Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng việc xã hội hoá mua vắc-xin Covid-19 là điều cần thiết, góp phần chia sẻ khó khăn cho Nhà nước trong cuộc chiến ngăn chặn dịch bệnh.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Phạm Văn Học - Chủ tịch hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho rằng: "Xã hội hoá kinh phí mua vắc-xin phòng Covid-19 là một tất yếu, cá nhân tôi mong muốn xã hội hoá càng sớm càng tốt. Điều này, giúp cho việc giảm bớt khó khăn cho ngân sách Nhà nước trong phòng chống dịch bệnh Covid-19”.
Ông Học bày tỏ, việc xã hội hóa nguồn kinh phí mua vắc-xin Covid-19 để phòng dịch được lan toả trong cộng đồng, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng là thể hiện sự sinh động về truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc.
“Sự đóng góp đồng lòng chung sức của mỗi người dân, mỗi đơn vị tập thể đều giúp chia sẻ khó khăn với Nhà nước trong cuộc chiến ngăn chặn đại dịch Covid-19”, ông Học nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm về việc thành lập Quỹ vắc - xin phòng Covid - 19, ông Học nói: “Nên để xã hội tự lo bằng cách xã hội hoá, Nhà nước sẽ là đầu mối đứng ra ký hợp đồng với các quốc gia, các công ty quốc tế. Như đã nói ở trên, những thiết yếu như thuốc men, nhu yếu phẩm, ăn uống, sinh hoạt…thì nên nên xã hội hoá”.
“Chúng ta cần huy động thêm các nguồn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ cung ứng vắc-xin, giúp bảo đảm ngân sách nhà nước, tăng độ bao phủ tiêm vắc-xin”, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng bộ Y tế.
Trong khi đó, GS. Nguyễn Anh Trí, ĐBQH khoá XIV, nguyên Viện trưởng viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho rằng, Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng có giao nhiệm vụ cho ngành y tế là tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vắc-xin Covid-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội… đây là một nghị quyết rất đúng đắn.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội XIII đặt ra, GS. Nguyễn Anh Trí bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng chúng ta phải quyết tâm, nỗ lực thực hiện được Nghị quyết này. Tuy nhiên, để làm được và có kết quả như mong muốn là điều rất vất vả, khó khăn. Bên cạnh vấn đề về kinh phí thì còn một khó khăn nữa là cách tổ chức làm việc phải như thế nào đó để đạt được hiệu quả cao nhất.
Thêm nữa, khó khăn về mặt dịch bệnh đó là sự xuất hiện của các biến thể mới, các biến thể này trong một chừng mực nào đó vẫn đáp ứng được vắc-xin thì còn dùng vắc-xin hiện đang có được. Nhưng, nếu biến chủng là một loại virus khác biệt quá lớn thì chúng ta phải nhanh chóng sản xuất hoặc mua loại vắc-xin khác để phù hợp hơn.
Đây là cuộc chiến còn rất cam go, quan điểm của tôi muốn làm được phải phát huy hết tất cả các thế mạnh ưu việt của một đất nước thống nhất, đoàn kết và quyết tâm cao”.
GS. Nguyễn Anh Trí cũng nhắc đến kinh phí để mua vắc-xin Covid-19: “Có thể huy động hết tất cả mọi tầng lớp, mọi nguồn lực để thực hiện việc này. Ví dụ như nguồn tài chính mua vắc-xin phòng Covid-19, nên chăng phải vận động thêm sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, các đơn vị, đây cũng được coi là sự chia sẻ trong lúc khó khăn.
Thêm nữa, bộ Y tế phải tận dụng hết tất cả các đơn vị, đủ năng lực để thực hiện tiêm chủng đại trà vắc-xin Covid trong nhân dân. Làm được điều này mới có thể hy vọng đảm bảo được an toàn miễn dịch cộng đồng”.
Thực hiện công khai số tiền huy động
Liên quan đến việc lập quỹ mua vắc-xin phòng Covid-19, luật sư Quách Thành Lực, giám đốc công ty luật LXS (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng cơ sở pháp lý về việc thành lập quỹ, xã hội hóa kinh phí phòng, chống dịch đã được quy định tại điều 62, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Cụ thể: Thứ nhất, quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ điều trị, chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm và các hoạt động phòng, chống dịch khác.
Thứ hai, nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở đóng góp tự nguyện, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Như vậy, phòng, chống dịch là trách nhiệm của toàn dân, không ai có thể đứng ngoài cuộc chiến này, không ai an toàn khi có dịch bệnh trong cộng đồng.
Về thực tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn tiếp vô cùng phức tạp, nguồn cung vắc- xin khan hiếm, giá thành cao do vậy việc huy động nguồn lực trong nhân dân là cần thiết”.
Cũng theo luật sư Lực, tại Điều 7, quyết định số 779/QĐ-TTg, chế độ báo cáo, kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ đã nêu: Thứ nhất, quỹ thực hiện chế độ báo cáo kế toán, quyết toán, công khai, minh bạch tài chính quỹ theo quy định của luật Kế toán và hướng dẫn của bộ Tài chính.
Thứ hai, quỹ có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện thu, chi, quyết toán tài chính Quỹ để tổng hợp chung nguồn lực báo cáo Chính phủ, Quốc hội trong các báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; thực hiện công khai số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại (nếu có).
"Tôi cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nguồn cung vắc- xin khan hiếm, giá bị đẩy lên cao, bị nhà cung cấp ép giá thì cần thiết tập trung nguồn lực vào Chính Phủ để quản lý nhập khẩu, phân phối… Nhiều tổ chức trong nước đàm phán mua vắc-xin có thể dẫn đến tình trạng bị nhà cung cấp ép giá, cạnh tranh dẫn đến khả năng không tiếp cận được vắc- xin với mức giá phù hợp”, ông Lực nêu quan điểm của mình trước ý kiến của nhiều người về việc nên để các đơn vị tự nhập vacxin về và người dân tiêm thì tự trả phí.
Bên cạnh đó, trao đổi thêm với PV, một bác sĩ đang công tác trong lĩnh vực truyền nhiễm cho rằng việc mua vắc-xin Covid-19 cần đầu mối là bộ Y tế thay mặt Nhà nước quản lý chặt từ khâu nhập khẩu cho đến khâu phân phối, khâu tiêm, sau tiêm.
“Tôi cho rằng cần có cơ chế giám sát, quản lý chặt không thể để thả nổi, doanh nghiệp tự mua vắc-xin. Bởi, nếu không quản lý được sẽ dẫn đến các hệ luỵ như quy trình tiêm, giám sát sau tiêm… có thể gây nguy hiểm đến người dân. Xã hội hoá nguồn kinh phí mua vắc-xin là cần thiết, nhưng cần phải tập trung về đầu mối là Chính phủ, tránh để mạnh ai nấy làm tự mua vắc-xin, tự tiêm sẽ không lường hết được hậu quả”, vị bác sĩ bày tỏ quan điểm.
Quỹ vắc-xin phòng Covid-19
Đảm bảo nguồn tài chính vững bền cho tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 là rất quan trọng. Chính phủ Việt Nam đã có quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam để huy động các nguồn lực cho việc mua và sản xuất vắc-xin, đảm bảo an ninh vắc-xin của Việt Nam. Bộ trưởng hoan nghênh các tập đoàn, cá nhân, người dân đã ửng hộ, tham gia vào chương trình này. Ngày 27/5, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động kêu gọi tất cả người dân, doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam. Quỹ sẽ do Bộ Tài chính quản lý, bộ y tế chịu trách nhiệm chuyên môn, mua và sử dụng vắc-xin.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Thanh Lam