"Xanh hoá " nền kinh tế - xu thế tăng trưởng tất yếu hậu Covid-19

"Xanh hoá " nền kinh tế - xu thế tăng trưởng tất yếu hậu Covid-19

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 6, 29/10/2021 13:17

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc phục hồi kinh tế sau dịch theo hướng tăng trưởng xanh hay khôi phục xanh hiện đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia.

Mô hình tăng trưởng kinh tế hậu Covid

Sáng nay 29/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức “Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050”.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đây là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, góp phần thực hiện phục hồi kinh tế hậu Covid-19, hướng tới phát triển kinh tế xanh. Đồng thời, là tiền đề để cụ thể hóa các mục tiêu phát thải carbon thấp, trung hòa carbon trong dài hạn và đóng góp vào sự hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Anh sẽ diễn ra trong vài ngày tới đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hành động thiết thực.

Kinh tế vĩ mô - 'Xanh hoá ' nền kinh tế - xu thế tăng trưởng tất yếu hậu Covid-19

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì tại hội nghị sáng 29/10 (Ảnh: MPI).

Bộ trưởng cho rằng, đại dịch Covid đã làm thay đổi thế giới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự chuyển dịch mạnh mẽ của kinh tế số. Bên cạnh những thách thức, Covid-19 cũng tạo cơ hội để các quốc gia đánh giá lại các mô hình tăng trưởng kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về những mối đe dọa nghiêm trọng từ các vấn đề môi trường và sức khỏe.

Trong bối cảnh đó, phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh hay khôi phục xanh hiện đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia. Tăng trưởng xanh thực sự đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới, đặc biệt đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

“Lựa chọn tăng trưởng xanh được coi là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, nhằm đạt được thịnh vượng bao trùm cho các quốc gia, đảm bảo các lợi ích kinh tế và sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên”,  Bộ trưởng nhấn mạnh.

4 mục tiêu quan trọng của tăng trưởng xanh

Trình bày về nội dung chủ yếu của Chiến lược tăng trưởng xanh, ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, chiến lược tăng trưởng xanh đặt ra 4 mục tiêu quan trọng, gồm: Giảm phát thải khí nhà kính, Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và Xanh hóa quá trình chuyển đổi.

Đặc biệt, mục tiêu đầu tiên của Chiến lược tăng trưởng xanh là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP tiếp tục kế thừa Chiến lược giai đoạn trước, nhằm đánh giá khả năng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính so sánh trên một đơn vị sản lượng kinh tế.

Điều này giúp xác định được mức độ thân thiện của nền kinh tế với môi trường khi quy mô của nền kinh tế ngày càng tăng, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ môi trường, vừa gắn kết chặt chẽ với phát triển “nhanh, bền vững”.

“Chiến lược tăng trưởng xanh đặt ra mốc đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Xa hơn, đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014”, ông Việt Anh nhấn mạnh.

Kinh tế vĩ mô - 'Xanh hoá ' nền kinh tế - xu thế tăng trưởng tất yếu hậu Covid-19 (Hình 2).

Ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Ảnh: MPI).

Hơn nữa, để xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và đặc biệt là xanh hóa quá trình chuyển đổi, Chiến lược xác định hết sức cụ thể các mục tiêu theo ngành, lĩnh vực tới năm 2030 và 2050 kèm theo hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo tính khả thi.

Trong đó có các mục tiêu quan trọng về tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân, tỉ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỉ lệ kinh tế số so với GDP hay tỉ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công…

Là địa phương đầu tiên xây dựng và triển khai kế hoạch tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Tp.Hải Phòng đã thành công trong việc thu hút đầu tư, phát triển bền vững phù hợp với điều kiện kinh tế phát triển của địa phương.  

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đã sớm triển khai một số dự án nổi bật trong giai đoạn 2014 - 2020, như dự án xử lý rác thải; xe bus điện trên đảo Cát Bà.

Kinh tế vĩ mô - 'Xanh hoá ' nền kinh tế - xu thế tăng trưởng tất yếu hậu Covid-19 (Hình 3).

Phó Chủ tịch Tp.Hải Phòng Lê Khắc Nam phát biểu tại điểm cầu Hải Phòng (Ảnh: N.Hải).

Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ và phối hợp với Hải Phòng triển khai các dự án xanh, thân thiện với môi trường để thu hút đầu tư. Đồng thời, lựa chọn hướng tới môi trường đầu tư kinh doanh xanh, phát triển kinh tế xã hội, lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào phát triển kinh tế xã hội…  

“Hải Phòng kiên quyết từ chối các dự án có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng tiềm ẩn nguy cơ đối với môi trường”, ông Nam khẳng định.

Thời gian tới, Hải Phòng sẽ tiến tới ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng xanh hóa, triển khai toàn diện, thực chất các mô hình phát triển kinh tế xanh: Cảng xanh, đảo xanh, mô hình sản xuất thân thiện môi trường, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, phát triển đồng bộ, các nguồn năng lượng, nghiên cứu đầu tư; ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng sóng...

Kiến nghị với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ông Lê Khắc Nam kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nghiên cứu xây dựng, ban hành kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó có cơ sở dữ liệu, hệ thống chỉ tiêu thống kê về tăng trưởng xanh và “Chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp” để các tỉnh, thành phố có cơ sở xây dựng và triển khai, đánh giá tình hình thực hiện tại địa phương…

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.