Chiều nay (22/2), buổi giới thiệu sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 của bộ sách Cánh Diều đã được diễn ra bằng hình thức trực tuyến.
Cánh Diều là bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình
Sau 2 năm đưa vào sử dụng trong các trường phổ thông, các nhà xuất bản tiếp tục biên soạn và cho ra mắt bộ sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 với đầy đủ các môn, học trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Bộ sách đã được hội đồng quốc gia thẩm định thông qua, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, là một trong những bộ sách được đưa vào sử dụng trong nhà trường từ năm học tới.
Điểm mới của bộ sách
Trong buổi ra mắt, các tác giả của bộ sách đã có những chia sẻ về những ưu điểm của bộ sách phù hợp với các phương pháp giảng dạy mới.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình GDPT 2018; Tổng chủ biên, kiêm chủ biên SGK tiếng Việt lớp 3, bộ sách Cánh Diều cho biết: “Tất cả chúng tôi đều thống nhất phương châm của bộ sách là “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”. Đấy là phương châm được đề ra để thực hiện giáo dục của Nghị quyết 28 của Đảng, tư tưởng thực học thực nghiệp”.
Đối với môn Tiếng Việt, các tác giả xây dựng chương trình bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, có thể trình bày qua hình thức tranh, tình huống giả định, tình huống thực tế nào đó.
Các thầy cô hướng dẫn học sinh hoạt động để phân tích tình huống đó. Sau đó rút ra bài học. Cuối cùng, kết thúc bằng hoạt động sáng tạo giúp học sinh áp dụng. Đấy cũng là cách khơi gợi sự sáng tạo của học sinh. Sau phần sáng tạo có phần bài tập tự đánh giá mình.
“Điểm chung cho tất cả các sách giáo khoa, không dạy theo lý thuyết nữa. Đây chính là tư tưởng dân chủ. Học sinh bây giờ không ngồi nghe lý thuyết thầy cô giảng nữa mà các em phải được thực hành.
Trong quá trình các em làm bài tập, thảo luận, các em được quyền lựa chọn đề tài, thảo luận. Như vậy mới có thể rèn năng lực của các em”, thầy Thuyết bày tỏ.
Đối với môn ngữ văn, bộ sách cũng hướng tới giảm tải vấn đề văn mẫu của học sinh. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình GDPT 2018 môn ngữ văn; Chủ biên sách giáo khoa ngữ văn lớp 7, lớp 10, bộ sách Cánh Diều bày tỏ:
“Điểm mới của môn Ngữ Văn là thay đổi cách tiếp cận. Trước đây chạy theo nội dung, theo thể loại, hết dân gian, đến trung đại rồi đến hiện đại.
Tuy nhiên, sách mới tổ chức sách theo trục kỹ năng, giúp giáo viên và học sinh hình dung được các kỹ năng cần đạt được. Đồng thời, văn phong rõ ràng, diễn đạt trung thành, bám sát các hoạt động thực tiễn. Đồng thời, trang bị cho các em văn hóa phổ thông”.
Không nên chọn một bộ sách
Cũng trong buổi giới thiệu, xung quang vấn đề lựa chọn chường trình sách khoa trong thời gian quan, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện giám sát thường xuyên, về các địa phương cơ sở.
Qua phản hồi, các địa phương đều rất chủ động trong việc triển khai chương trình sách khoa mới. Đa phần các giáo viên, học sinh, các nhà quản lý giáo dục đều rất tự tin khi triển khai, đánh giá chương trình sách giáo khoa mới. Trong khâu biện soạn, cũng nhận được những đánh giá cao”.
Ngoài ra, theo quy định của luật Giáo dục, việc lựa chọn sách giáo khoa năm nay có điểm khác, thay vì để cơ sở giáo dục được chọn sách giáo khoa như trước kia, năm nay Ủy ban Nhân dân là cơ quan phê duyệt.
Bà Hoa đánh giá việc triển khai các bước chọn sách giáo khoa năm nay là phù hợp, vì vẫn trên nguyên tắc tôn trọng lựa chọn của các cơ sở giáo dục.
“Thực tế các địa phương hiện nay cơ bản đã làm theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT nhưng vẫn còn một số nơi còn máy móc, chỉ chọn một bộ sách.
Nhưng theo quan điểm xã hội hóa, và chúng ta xác định chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa là tài liệu, không nên cứng nhắc lựa chọn một bộ sách”, bà Hoa bày tỏ.