Tìm giải pháp để đưa thành phố thành đô thị hạt nhân
Hội thảo là hoạt động chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày thị xã Nha Trang được nâng cấp lên thành phố (30/3/1977 – 30/3/2022) và kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng Nha Trang – Khánh Hòa (2/4/1975 – 2/4/2022).
Tại hội thảo, ông Hồ Văn Mừng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang cho biết, sau 45 năm kể từ ngày thị xã Nha Trang được nâng cấp lên thành phố, Đảng bộ và nhân dân Tp.Nha Trang đã đoàn kết, nỗ lực đạt được nhiều kết quả phấn khởi, sự phát triển thể hiện rõ rệt trên nhiều lĩnh vực.
“Kinh tế tăng trưởng ở mức khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng theo định hướng, chất lượng và sức cạnh tranh của các loại hình kinh tế ngày càng được nâng cao. Trong đó, du lịch luôn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Hoạt động du lịch trong những năm gần đây phát triển vượt bậc, có mức tăng trưởng cao nhất, là đòn bẩy thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển như sản xuất, vận tải, dịch vụ lưu trú – lữ hành, dịch vụ ăn uống, tài chính...
Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa – xã hội, y tế, giáo dục; đời sống vật chất và tinh thần của người dân luôn được quan tâm, cải thiện. Nha Trang luôn là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện và đáng tin cậy của du khách, các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế…”, ông Mừng cho biết.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, thành phố còn tồn tại những hạn chế như kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hệ thống giao thông, bãi đậu xe… chưa hoàn thiện, chưa có các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm; công tác quản lý đất đai và xây dựng còn nhiều hạn chế.
Ông Mừng cũng thừa nhận, hoạt động du lịch phát triển rất mạnh mẽ nhưng chưa thực sự tạo được ấn tượng sâu sắc, cuốn hút du khách bởi trong những năm gần đây, thành phố luôn ở trong tình trạng “thừa chỗ ngủ - thiếu chỗ chơi”.
Trong khi số lượng buồng phòng quá nhiều thì địa điểm vui chơi, giải trí, các sản phẩm dịch vụ du lịch chưa đa dạng, không thể kéo dài thời gian lưu trú của khách.
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Nha Trang là địa phương chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế dưới sự tác động của đại dịch Covid-19, bởi cơ cấu kinh tế của thành phố phụ thuộc quá nhiều vào ngành dịch vụ du lịch, dẫn đến bị tổn thương, khó có thể phục hồi trở lại như trước trong thời gian ngắn; nhiều chỉ tiêu kinh tế suy giảm, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, thành phố và đời sống nhân dân.
Theo đó, năm 2020, Thành phố này có 10/23 chỉ tiêu, năm 2021 có 13/23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch đề ra.
Chỉ tính riêng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 30.775 tỷ đồng, đạt 52,05% kế hoạch, giảm 34,03% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 3.865 tỷ đồng, bằng 16,62% so với năm 2019.
Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt 41,41% kế hoạch, giảm 19,72% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt 2.068 tỷ đồng, so với năm trước là 4.180 tỷ đồng, chỉ bằng 49,47%.
Ông Mừng cho biết: “Theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì Tp.Nha Trang được xác định là đô thị hạt nhân của tỉnh. Vì vậy, hội thảo là cơ hội để cấp ủy, chính quyền thành phố lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, các nhà khoa học, đại biểu từ đó tìm ra những giải pháp hiệu quả để phát triển thành phố”.
Các nhóm giải pháp cần thực hiện
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu thành phố Nha Trang cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ để phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế và đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh trong giai đoạn mới.
Trong đó, tập trung vào các nhóm vấn đề sau: Xây dựng và phát triển Tp.Nha Trang theo định hướng của Nghị quyết 09; đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó tập trung các giải pháp về phát triển kinh tế biển bền vững, phát triển du lịch bền vững, kinh tế xanh, tuần hoàn... Đồng thời, thành phố cần có các giải pháp về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; giải pháp thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng và phát triển chính quyền số…
Bên cạnh đó, có các giải pháp về phát triển đổi mới giáo dục, y tế, văn hóa; quản lý bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu, việc làm, an sinh xã hội... Ngoài ra, thành phố cũng cần đưa ra các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; giải pháp về công tác xây dựng Đảng.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến hữu ích để xây dựng thành phố trở thành đô thị hạt nhân, là một trong ba vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa.
Trong đó, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề về phát triển bền vững kinh tế biển; bảo tồn và phát triển Nha Trang dựa vào biển, đảo; đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tại Tp.Nha Trang; giải pháp tình trạng ngập úng do nước lũ ở khu vực phía tây Thành phố này; khai thác, phát huy lợi thế, tiềm năng về biển; phát triển du lịch bền vững; xây dựng đô thị thông minh…
Lãnh đạo Tp.Nha Trang tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các vị đại biểu đưa ra trong hội thảo.
Châu Tường