Ngày 26/4, đại diện UBND xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cho biết, cơ quan này đã có giấy mời một số hộ dân có công trình vi phạm về trật tự xây dựng, khi tự ý xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái (cắm trại, dựng lều ngoài trời...) ven hồ Trị An (khu vực xã Mã Đà) lên làm việc theo Công văn số 2674/UBND-TCD ngày 14/4 của UBND huyện Vĩnh Cửu. Thời gian làm việc vào ngày 26/4.
Trước đó, liên quan đến các công trình du lịch sinh thái ở ven hồ Trị An do nhiều hộ dân xây dựng trái phép. Sáng ngày 19, 20/4, UBND xã Mã Đà đã thành lập đoàn cưỡng chế liên ngành để tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ.
Việc cưỡng chế, tháo dỡ các công trình trên nằm trong kế hoạch thực hiện theo Văn bản chỉ đạo số 1449/UBND-KT ngày 8/3/2023 của UBND huyện Vĩnh Cửu về việc rà soát, kiểm tra công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn xã.
Trước khi thực hiện, ngày 17/3/2023 UBND xã Mã Đà đã có thông báo số 29/TB-UBND đến các hộ dân về việc thành lập đoàn liên ngành để cưỡng chế, tháo dỡ nếu người dân không chịu tự nguyện tháo dỡ các công trình sai phạm. Thời gian cho người dân tự giác tháo dỡ, chậm nhất là hết ngày 26/3/2023.
Thế nhưng, sau thời hạn cho phép, nhiều công trình vẫn chưa được các hộ kinh doanh tự giác tháo dỡ, nên trong hai ngày 29,20/4 Đoàn cưỡng chế liên ngành đã tiến hành thực hiện công tác tháo dỡ theo qui định của pháp luật.
Trao đổi với PV, những hộ dân có công trình xây dựng trái phép tại đây đều thừa nhận, việc tự ý xây dựng mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là sai. Nhưng, họ cũng bày tỏ nguyện vọng được chính quyền hướng dẫn cho người dân khắc phục những sai phạm, vừa có thể hoạt động (nếu được cho phép) phù hợp với các quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ việc, ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết, việc tự ý xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp khi chưa được sự cấp phép của cơ quan chức năng là chưa đúng theo quy định hiện hành. Nên, việc chính quyền xã Mã Đà tiến hành thành lập đoàn liên ngành để cưỡng chế, tháo dỡ là đúng quy định của pháp luật.
Ông Ninh cũng bày tỏ thêm, hồ Trị An có diện tích rất lớn, và có tiềm năng rất mạnh nếu được đầu tư, phát triển về du lịch. Thế nhưng để phát triển, sử dụng tiềm năng đó phải có sự đồng ý, cho phép của cơ quan quản lý cấp nhà nước, cũng như có sự tham mưu, đánh giá tổng thể của các bộ, ngành; UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan chuyên môn khác...
Ông Ninh nói thêm, khi hồ Trị An có mực nước dâng đầy, mặt hồ có diện tích lên đến 323km2. Nhưng bước vào mùa khô, thời điểm khô hạn nhất diện tích mặt hồ chỉ còn hơn 63km2. Do đó, diện tích vùng bán ngập của lòng hồ lúc này trở thành những thảm có xanh, bãi sỏi có diện tích lên đến hơn 250km2 rất đẹp, phù hợp cho việc vui chơi, du lịch theo kiểu “du lịch bãi biển”.
"Thời gian gần đây, do nhu cầu du lịch sinh thái với mục đích trải nghiệm cùng thiên nhiên ngày càng tăng cao, khu vực hồ Trị An trở thành điểm đến của rất nhiều bạn trẻ. Vào các ngày nghỉ cuối tuần, nhiều gia đình cũng chọn hồ Trị An làm nơi nghỉ ngơi, ngủ lều để trải nghiệm. Nắm bắt nhu cầu trên, nhiều hộ gia đình đã tận dụng diện tích đất sản xuất đã được giao có thời hạn (50 năm) để xây dựng thành các khu cắm trại, dựng lều theo hình thức camping", ông Ninh nói.
Dù chỉ mới bắt đầu xuất hiện, nhưng dịch vụ trên đã tạo ra một số tín hiệu tích cực như: lượng khách đến đây nhiều làm tăng sức tiêu thụ các mặt hàng nông sản; các loại trái cây và hải sản lòng hồ. Khi được hỏi, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch của tỉnh, ông có giải pháp nào cho bài toán vừa phát triển du lịch sinh thái ven hồ, vừa đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật không? Ông Ninh nhấn mạnh: "Dựa vào kinh nghiệm cũng như qua nhiều lần đi tham quan, khảo sát mô hình du lịch sinh thái ở nhiều nơi, ông thấy mô hình kết hợp giữa du lịch và sản xuất nông nghiệp rất hiệu quả".
Dựa vào những điều đó, ông Ninh bày tỏ mong muốn, UBND tỉnh Đồng Nai có thể tạm thời cho phép một khu vực nhỏ được xây dựng mô hình thí điểm.
Mô hình thí điểm cụ thể như: Tổng diện tích xây dựng du lịch sinh thái của một hộ dân không vượt quá 20% tổng diện tích hiện có; Khu vực nghỉ ngơi, ăn uống, nhà tắm, nhà vệ sinh phải nằm trên code 63,9, và phải có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có đơn vị thu gom, xử lý nước thải, rác thải; Xây dựng qui chế hoạt động gồm: đảm bảo an toàn cho du khách; đảm bảo an ninh trật tự; đảm bảo vệ sinh môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; Khu vực bán ngập chỉ cho phép dựng lều du lịch; Khoảng cách tối thiểu giữa các lều không được dưới 100m; Phải có đơn vị quản lý như mô hình Hợp tác xã để bán vé, tạo nguồn thu để chi cho các hoạt động cứu hộ, cứu nạn và nộp ngân sách; Thành lập tổ công tác cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp, cũng như có các Huấn luyện viên bơi lội, chèo thuyền chuyên nghiệp để chỉ dẫn, hỗ trợ khách tham quan, du lịch.
Và điều quan trọng nhất, phải tuân thủ theo các khuyến cáo của Ban quản lý hồ Trị An cũng như Ban quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai tùy theo tình hình thực tế. Nếu như được phép triển khai mô hình điểm, thì phải tập huấn cho các hộ dân làm du lịch các phương án đảm bảo an toàn cho du khách.
Ngoài các yêu cầu trên, mô hình thí điểm phải kết nối với Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai để giới thiệu với du khách về lịch sử các khu căn cứ cách mạng, cũng như văn hóa của các vùng đồng bào bản địa. Đây chính là bề dày văn hóa, tạo điểm nhấn để du khách ngoài thưởng ngoạn cảnh đẹp, còn được hiểu thêm về lịch sử, địa lý, văn hóa cũng như truyền thống cách mạng của người dân Đồng Nai. Đó mới là ý nghĩa lớn nhất của ngành du lịch!
Và ông cũng cho biết, nếu được thí điểm thì hồ Trị An, ngoài tiềm năng khai thác thủy điện, du lịch sinh thái sẽ là thế mạnh để góp phần xây dựng, phát triển kinh tế không chỉ riêng Đồng Nai mà còn là điểm đến thu hút du khách cả trong và ngoài nước.