Thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, tỉnh Thanh Hóa có 21 hộ dân, 77 nhân khẩu nằm bên bờ biển, cạnh cảng Lạch Hới. Nhiều năm nay, Tân Xuân luôn bị biển xâm thực, sạt lở. Gần đây, tình trạng sạt lở, xâm thực ngày càng nghiêm trọng, biển dần “nuốt” làng.
Mùa mưa bão năm 2022, bão số 4 kết hợp với triều cường, gió mạnh gây sóng lớn, dòng chảy diễn biến phức tạp nên bờ biển phía Bắc cửa Lạch Hới bị sạt lở, xâm thực rất mạnh với chiều dài khoảng 1,5km, chiều rộng trung bình khoảng 75m.
Nước biển xâm thực đã sạt lở đất ở của 3 hộ dân và trụ sở, khuôn viên làm việc của Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Hới. Sóng biển dâng cao, diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, đe dọa cuộc sống của 21 hộ dân với 77 nhân khẩu, phá vỡ quy hoạch quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa.
Sau khi công bố tình huống khẩn cấp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án kè chống sạt lở, xâm thực biển tại khu vực cửa lạch Hới, thôn Tân Xuân với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng do Công ty TNHH Hoàng Tuấn thi công.
Sau gần một năm thi công, đoạn đê kè dài 1,62 km ngăn tình trạng biển xâm thực vào đất liền đã cơ bản hoàn thành. Đơn vị thi công đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để bàn giao, đưa vào sử dụng.
Sinh ra và lớn lên tại làng biển Tân Xuân, năm nay đã 71 tuổi, ông Trần Văn Khải nắm lòng thủy triều, con nước ở cửa Lạch Hới, nơi được xem là “rốn bão” ở xứ Thanh.
Theo ông Khải, những năm gần đây, cứ đến mùa mưa bão người dân làng biển Tân Xuân nơm nớp lo sợ làng bị cuốn trôi ra biển. Nhiều hôm họ phải thức trắng đêm sẵn sàng di chuyển đến nơi an toàn khi có lệnh của chính quyền.
Để bảo vệ tài sản, nhà cửa, người dân đã phải chủ động bỏ tiền xây tường bao, be bờ, đổ cát làm kè tạm. Tuy nhiên, do thiếu đồng bộ, không kiên cố, sau bão, nhiều đoạn tường tự xây bao bị sóng biển xóa sổ, đánh bay.
Khi nghe tin nhà nước đầu tư xây dựng và hiện nay tuyến đê kè biển bảo vệ xóm làng cơ bản đã hoàn thành, ông Khải và người dân vui mừng khôn xiết. Từ này, họ không còn những đêm thức trắng canh mưa bão, không còn sợ nhà cửa và tài sản của minh cả đời tích góp, dành dụm bị biển “nuốt" trôi.
Theo đơn vị thi công, thời điểm khởi công, giá vật liệu tăng, thủy triều lên xuống thất thường nên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây là dự án khẩn cấp, nhằm đảm bảo an toàn cuộc sống cho người dân nên công ty đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện, vật liệu để nhanh chóng hoàn thành. Đến nay, dự án cơ bản đã hoàn thành các hạng mục, một tuyến đê kè biển dài 1,62 cây số đã hình thành.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết, tuyến đê kè biển sau khi hoàn thành không những sẽ đảm bảo an toàn cho người dân mà còn tạo cảnh quan đẹp, tạo quỹ đất để địa phương khai thác, thúc đẩy phát triển du lịch.