Thống kê mới nhất của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, tại Việt Nam trong quý I năm 2023, có 2.346 vụ tai nạn giao thông xảy ra, làm 1.436 người thiệt mạng và 1.578 người bị thương. Mới gần đây, một vụ việc làm dư luận bàng hoàng là ô tô 'điên' đã lao vào hàng loạt xe máy ở Hà Nội, càng làm người đi xe máy thấy quan ngại.
Mô phỏng công nghệ túi khí cho xe máy của Honda.
Tai nạn giao thông xảy ra dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng cho tính mạng con người và tổn thất về kinh tế, xã hội. Với nỗ lực bảo vệ người đi xe máy tốt hơn, hiện nay Honda đang phát triển một dạng công nghệ túi khí gắn với xe máy, có cơ chế hoạt động không kém gì công nghệ túi khí trên xe ô tô.
Dựa trên phân tích thông tin các vụ tai nạn cho thấy, rất nhiều chấn thương do tai nạn xe máy xảy ra khi lái xe va chạm với phương tiện khác, hoặc các vật thể khác từ phía trước của xe. Theo Honda, thông thường khi xảy ra va chạm ở phía trước xe máy, lái xe thường có xu hướng bị đẩy người về phía trước.
Từ phân tích như vậy, Honda đã quyết định phát triển hệ thống túi khí cho xe máy. Khi xảy ra va chạm, hệ thống túi khí trên xe sẽ bung ra và đỡ lái xe lại và hấp thụ lực quán tính, bảo vệ an toàn cho lái xe.
Vấn đề là khi túi khi bung lên thì cần có hệ thống chắc chắn để đảm bảo cho túi khí được chắc chắn khi chịu lực đẩy của thân lái xe mạnh về phía trước. Honda đã nghĩ ra giải pháp với hệ thống dây đàn hồi co giãn vừa cho phép, túi khí đẩy về trước linh hoạt vừa giữ được túi khí chắc chắn.
Sau thời gian thử nghiệm nghiêm ngặt, các chuyên gia đánh giá của Honda cho thấy, người hình nộm được sử dụng các bài kiểm tra với công nghệ túi khí trên xe máy đạt được các tiêu chí quốc tế để bảo vệ an toàn cho lái xe máy trong va chạm thực tế.
Honda bắt đầu hé lộ công nghệ sản xuất túi khí xe máy vào năm 2005, và sau đó tới năm 2006 thì chính thức tung ra dòng túi khí Gold Wing Airbag, dành cho mẫu xe hành trình Gold Wing. Đây cũng là mẫu mô tô đầu tiên trên thế giới mang công nghệ túi khí.
Nhưng điều lưu ý rằng, hệ thống túi khí như trên mới chỉ được kích hoạt khi xảy ra va chạm ở phía trước xe. Về nguyên tắc thì nó không được kích hoạt hay có hiệu quả bảo vệ khi xảy ra va chạm ở bên xe hoặc phía sau xe, cũng như khi xe bị đổ.
Tất nhiên, ở những bước phát triển như vậy cũng đã hứa hẹn đem lại giải pháp an toàn nhất định cho người đi xe máy. Trong tương lai, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, lái xe máy cũng sẽ được các nhà phát triển công nghệ xe hai bánh chú ý tới phát triển các trang bị an toàn hơn nữa. Sớm hay muộn, họ cũng sẽ cho ra các công nghệ túi khí bảo vệ bên và phía sau xe máy, đem lại sự ‘khắc tinh’ toàn diện hơn với vấn nạn ‘xe điên’.
Minh Trí