Tại hội thảo tâm lý học đường Quốc tế lần thứ 6 mới được tổ chức tại Hà Nội, một con số đáng chú ý đã được đưa ra: 78,5% nguyên nhân căng thẳng của học sinh là do thi cử.
Con số này có lẽ không mấy gây bất ngờ bởi ai cũng hiểu học sinh ở nước ta hiện nay vẫn đang phải đối mặt với quá nhiều kỳ thi, kiểm tra.

Rất nhiều cha mẹ chính là người khiến cho các kỳ thi và việc học của những đứa trẻ thêm căng thẳng bởi những kỳ vọng quá đà mà họ áp lên con mình.
Thi cử, căng thẳng là điều không mấy khó hiểu. Có điều cứ khi trẻ căng thẳng vì các kỳ thi thì người ta đều đổ lỗi cho khối lượng bài tập, lịch học….
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận được rằng rất nhiều cha mẹ chính là người khiến cho các kỳ thi và việc học của những đứa trẻ thêm căng thẳng bởi những kỳ vọng quá đà mà họ áp lên con mình.
“Học sao đừng để điểm thấp làm mất mặt cha mẹ”, “không thi vào được trường đó thì đừng nhìn mặt mẹ”; “Bố mẹ đã đầu tư bao tiền cho học, không đỗ thì đừng trách”….là những câu nói khá phổ biến với nhiều cha mẹ nhưng là những nỗi ám ảnh lớn với nhiều đứa trẻ.
Thực tế, việc cha mẹ quá coi trọng điểm số, thành tích học tập đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc với con trẻ.
Vài tháng trước đây, một nam sinh lớp 10 ở TP.HCM đã tự tử, để lại một thư tuyệt mệnh với nội dung do áp lực học tập; điểm số và hơn hết là mong đợi từ gia đình muốn con mình được học lớp đứng đầu khối.
Trước đó, câu chuyện của nữ sinh ở Bình Phước tự tử, để lại 5 lá thư tuyệt mệnh thể hiện sự mỏi mệt, bế tắc trước kỳ vọng của cha mẹ. “Tương lai con mù mịt, suy nghĩ con mù mịt, con đường con đi cũng mù mịt, mọi thứ xung quanh con mù mịt.... Hết rồi, tất cả kết thúc rồi. Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường Công an hay Y cho bố mẹ vui lòng, nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả. Con không thể hoàn thành nó được...”, những dòng thư của cô học sinh này có đoạn.
Kỳ vọng của cha mẹ vừa phải thì là bàn đạp, quá giới hạn sẽ thành vật cản đường trong sự phát triển của con trẻ.
Việc quá coi trọng điểm số hay thành tích của con cái của các bậc cha mẹ là vô cùng phản cảm và làm hại cho quá trình phát triển của một đứa trẻ.
Chưa kể đến những hậu quả về thể chất như trầm cảm, stress, việc cha mẹ áp đặt kỳ vọng quá nhiều vào chuyện học hành của con còn có thể khiến những đứa trẻ bị khuyết thiếu những hoạt động cần thiết cho quá trình phát triển của chúng.
Để chạy theo điểm số, thành tích học tập, những đứa trẻ phải "học ngày cày đêm", bỏ qua những hoạt động vui chơi hoặc vận động phát triển thể lực.
Đạt điểm cao trong một kỳ thi, kỳ kiểm tra chưa phải là tất cả với một đứa trẻ. Tương lai phát triển của trẻ còn phụ thuộc vào rất nhiều kỹ năng mà gia đình cần hun đúc cho trẻ như kỹ năng quản lý thời gian, khả năng tự lập, ý thức trong việc học tập, làm việc... Điểm số cao mới chỉ là khởi đầu nhỏ nhoi.
Đã đến lúc cần phải giải thoát cho lớp trẻ khỏi tư duy điểm số và xóa bỏ căn bệnh thành tích của người lớn.
Chỉ có như vậy, bản chất của việc học và thi mới có ý nghĩa.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Xem thêm >> 78,5% nguyên nhân căng thẳng của học sinh là do thi cử