Không thống nhất giá các loại test xét nghiệm
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin về chi phí test nhanh hiện nay: “Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn với những mẫu xét nghiệm PCR có thể gộp 5 đến 10 mẫu; test nhanh gộp 3 đến 5 mẫu, điều này vừa cho ra kết quả nhanh chóng, vừa đạt hiệu quả về kinh tế".
Bên cạnh đó Bộ Y tế đề nghị đơn vị cung ứng xét nghiệm đảm bảo công khai minh bạch về vấn đề giá cả, cập nhật giá cả hàng tuần trên cổng thông tin Bộ Y tế. Hiện nay, đã cấp phép cho 97 loại test xét nghiệm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong vấn đề cung ứng phục vụ nhu cầu xét nghiệm. Bộ đã chỉ đạo UBND các tỉnh đề nghị Sở Y tế, Thanh tra tỉnh tích cực kiểm tra các cơ sở xét nghiệm để xử lý nghiêm vi phạm.
Về việc này, ông Trần Văn Sơn - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bày tỏ: "Giá các loại test xét nghiệm nhanh còn phụ thuộc vào chủng loaị, nguồn gốc, số lượng, thời điểm mua... Tôi cũng được nghe một số doanh nghiệp mua test nhanh, thấy anh em nói rằng doanh nghiệp vẫn mua bình thường".
Tiếp tục phân bổ vắc-xin mũi 2
Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: “Tại 63 tỉnh thành, Bộ đã có văn bản hướng dẫn, đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin cho tất cả đối tượng đã được quy định trong Nghị quyết 21/NQ-CP, Quyết định 3355/QĐ-BYT, Nghị quyết 105/NQ-CP.
Trong hướng dẫn đề nghị đảm bảo tiêm cho các đối tượng tiêm mũi 1 từ 18 tuổi trở lên, có kế hoạch tiêm mũi 2 đối tượng đã tiêm 1 mũi để đảm bảo tỉ lệ bao phủ vắc-xin trên cả nước”.
Hiện nay, các tỉnh đã có kế hoạch gửi Bộ Y tế, đã tổng hợp và xây dựng khung dự kiến phân bổ vắc-xin theo tuần, tháng theo đúng lộ trình trong kế hoạch của Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc.
Theo Quyết định 3355/QĐ-BYT, dự kiến trong năm nay và nửa đầu năm sau sẽ có khoảng 50 triệu liều vắc-xin, nhưng nguồn cung trên thế giới còn hạn chế. Bộ Y tế dự kiến từ nay đến cuối năm lượng vắc-xin nhận được sẽ khoảng 54 triệu liều.
Ngay sau khi nhận được vắc-xin, Bộ Y tế sẽ nhanh chóng phân bổ về các địa phương. Theo tinh thần chung, căn cứ vào tình hình dịch bệnh ở từng thời điểm sẽ ưu tiên cho các địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp. Hiện nay, đang triển khai ưu tiên phân bổ vắc-xin cho Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai,...
Đối với nhóm đối tượng trẻ em dưới 18 tuổi, Bộ đã chỉ đạo Cục Y tế dự phòng cùng với Hội đồng vắc-xin quốc gia thảo luận, bước đầu đưa ra thống nhất, căn cứ từng loại vắc-xin để biết được những vắc-xin nào có thể tiêm được cho nhóm đối tượng này. Bộ Y tế đã tổng hợp hoàn thiện dự thảo hướng dẫn và tiếp tục xin ý kiến của nhà khoa học và cơ quan chuyên môn và sẽ cố gắng ban hành sớm nhất.
Doanh nghiệp không phải đóng cửa khi có ca nhiễm
Để đảm bảo thực hiện tình hình mới thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả. Mở cửa phát triển kinh tế có lộ trình đảm bảo an toàn trong sản xuất và phòng chống dịch. Cần nghiêm tục thực hiện nguyên tắc 5K, vắc-xin, công nghệ thông tin, ý thức người dân. Khi có ca bệnh mới cần nhanh chóng cách ly, xét nghiệm an toàn hiệu quả; Điều trị từ sớm, từ xa để giảm thiểu tử vong.
“Khi trở lại sản xuất, đối với doanh nghiệp có F0 tại phân xưởng. Bộ Y tế sẽ hướng dẫn đảm bảo không phải đóng cửa cả nhà máy, thay vào đó là khoanh vùng tại phân xưởng. Đưa trường hợp mắc bệnh đi cách ly, sau đó tiến hành sàng lọc, phun khử khuẩn. Sau 24 giờ đưa lực lượng mới đã được kiểm soát quay trở lại làm việc”, Thứ trưởng cho biết.
Ngoài ra, về vấn đề người dân trở về địa phương, Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh và Tp.HCM. Đề nghị cho các công dân ở Tp.HCM đăng ký nguyện vọng, và các địa phương sẽ tổ chức đón người dân của mình về để thực hiện giám sát y tế. Một số công dân tự phát di chuyển, khi về đến các địa phương đề nghị tiếp nhận và thực hiện cách ly y tế, tránh lây lan trong cộng đồng.
Hồng Bích