Theo Tổng cục Quản lý thị trường, hiện nay nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch, đặc biệt là khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tăng cao. Do đó, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất và kinh doanh thiết bị y tế, đặc biệt về khẩu trang y tế.
Theo báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm các loại hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, nhất là mặt hàng khẩu trang y tế.
Một số vụ việc kiểm tra, xử lý mới nhất như tại Thái Bình, Đội QLTT số 06, cục QLTT tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Dược phẩm Medi Korea, địa chỉ: phường Quang Trung, TP. Thái Bình. Số tiền xử phạt: 40 triệu đồng; hành vi vi phạm: sản xuất nước rửa tay khô OSAMA CICO là chế phẩm diệt khuẩn chưa có số đăng ký lưu hành, hàng hóa chưa đủ điều kiện, chưa được phép lưu hành. Hàng hóa buộc tiêu hủy: 500 chai nước rửa tay khô nhãn hiệu OSAMA CICO, loại 300ml do Công ty TNHH Dược phẩm Medi Korea sản xuất.
Đến nay, sau hơn nửa tháng thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 31 tháng 01 năm 2020 của Bộ trưởng bộ Công Thương về tăng cường các giải pháp ứng phó với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý tổng cộng 4.592 vụ.
Nói về phương hướng xử lý đối với số lượng khẩu trang y tế, nước sát khuẩn,... đã tịch thu, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết đã chỉ đạo cục QLTT các tỉnh, thành phố khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý theo quy định pháp luật để sớm đưa số khẩu trang đã tịch thu ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân.
Cụ thể, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị các đơn vị vận dụng khoản 5 Điều 2 Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính (Thông tư số 173/2013/TT-BTC) để xác định và thực hiện quy trình xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng.
Đối với hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm hành chính nếu xác định được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản xuất, cung ứng hàng hóa, đề nghị thực hiện xử lý theo quy trình xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng tại Thông tư số 173/2013/TT-BTC và Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Riêng những hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm khác, đề nghị phối hợp, tham mưu với các cơ quan chức năng thành viên Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan có liên quan tại địa phương xác định chất lượng, nguồn gốc hàng hóa trước khi quyết định phương án xử lý.