Xuất khẩu gạo dự kiến đạt 3,2 - 3,3 tỷ USD

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 3, 06/09/2022 06:00

Chúng ta hoàn toàn có đủ sản lượng thóc để đảm bảo xuất khẩu gạo từ 6,5 – 6,7 triệu tấn. Tuy nhiên, việc xuất khẩu và giá gạo thế nào còn phụ thuộc vào thị trường.

Cam kết tuân theo quy luật thị trường 

Theo Công thương, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra chiều 5/9, liên quan tới thông tin có hay không việc Việt Nam "bắt tay" Thái Lan nâng giá gạo, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, khi tham gia vào Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), tham gia các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam luôn tuân thủ quy định thương mại quốc tế và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Đối với vấn đề giá lúa gạo, Việt Nam cam kết tuân theo quy luật thị trường và luôn thể hiện sự minh bạch cũng như trách nhiệm với vấn đề an ninh lương thực quốc tế.

Trước đó, báo Bangkok Post (Thái Lan) dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan - Chalermchai Sri-on thông tin về thỏa thuận đạt được sau các cuộc thảo luận giữa Việt Nam và Thái Lan về giá gạo xuất khẩu gần đây. Hai nước sẽ lập tức thành lập nhóm triển khai ý tưởng này tại mỗi nước. Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cũng được yêu cầu tổ chức các cuộc gặp với hiệp hội nông dân, công ty xay xát, đơn vị xuất khẩu và những nhóm có liên quan về vấn đề này.

Theo ông Chalermchai, các cuộc gặp sắp tới sẽ thảo luận về thỏa thuận giá gạo giữa Việt Nam và Thái Lan để tất cả các bên hiểu rõ hướng nâng giá gạo xuất khẩu. Thỏa thuận là bước đầu tiên trong hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan để giúp các nông dân có được giá xuất khẩu công bằng hơn, sử dụng cơ chế giá cả trên thị trường toàn cầu.

Liên quan đến việc giá lúa gạo lúc lên lúc xuống và quan điểm tháo “vòng kim cô” đó là giảm diện tích lúa gạo, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Như Cường khẳng định, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, do đó, việc tối thiểu trong trồng trọt đó là phải đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân Việt Nam. Vì vậy, cần phải đảm bảo một diện tích nhất định để đảm bảo vấn đề này không chỉ trong thời gian trước mắt và trong một thời gian dài.

Theo ông Cường, hiệu quả kinh tế, thậm chí lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa không thấp, tuy nhiên, đời sống của người người dân trồng lúa còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do quy mô sản xuất của chúng ta còn nhỏ lẻ, manh mún.

“Nếu mỗi hộ nông dân Việt Nam có từ 5-10 triệu ha đất trồng lúa thì tôi có thể khẳng định rằng những hộ nông dân trồng lúa sẽ là những người có mức thu nhập cao, cuộc sống khá giả”, ông Nguyễn Như Cường nói. 

Kinh tế vĩ mô - Xuất khẩu gạo dự kiến đạt 3,2 - 3,3 tỷ USD

Đối với vấn đề giá lúa gạo, Việt Nam cam kết tuân theo quy luật thị trường và luôn thể hiện sự minh bạch cũng như trách nhiệm với vấn đề an ninh lương thực quốc tế.

Hiện, tại thời điểm này, theo số liệu của Tổng cục Thống kê và của Bộ Tài nguyên Môi trường, chúng ta đang có khoảng 3,9 triệu ha đất trồng lúa. Theo Nghị quyết của Quốc hội, cũng như các kết luận của Trung ương về việc giữ 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến 2030. Do vậy, từ nay đến năm 2030, chúng ta có thể chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp hay chuyển đổi sang các cây trồng khác khoảng 400.000 ha. Việc chuyển đổi này cần có quá trình. Đây là sự chuyển đổi linh hoạt, hiệu quả để vừa ổn định được ngành nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực cũng như xuất khẩu.

Về Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, ông Nguyễn Như Cường cho hay, 1 triệu ha đất trồng lúa chất lượng cao này không chỉ đơn giản là giống lúa chất lượng cao mà trong Đề án cần đề xuất các chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chế biến xuất khẩu gạo đầu tư từ kho chứa, chế biến, logistics… nhằm tạo ra hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, tận dụng các phế phụ phẩm để tạo ra sản phẩm công nghệ cao, chế biến sâu từ gạo và các sản phẩm từ gạo. Đồng thời, có các cơ chế chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa trong tổ chức, đầu tư sản xuất.

“Cục Trồng trọt đang xin ý kiến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong Đề án này, tập trung xây dựng một số chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo tập trung cùng với nông dân phát triển đa dạng hóa ngành nghề nông nghiệp, nâng cao các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, chứ không hiểu đơn thuần là 1 triệu ha giống trồng lúa thơm, chất lượng cao”, ông Nguyễn Như Cường chia sẻ.

Nói thêm về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, trong Đề án này chúng ta đã có 85% về giống lúa mới, trong đó, 89% là gạo chất lượng cao. Vấn đề ở đây là đi theo chuỗi khép kín và xử lý theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị.

Sản lượng đạt từ 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo 

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, lũy kế đến trung tuần tháng 8, cả nước gieo cấy được 6,7 triệu ha lúa, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2021, đã thu hoạch khoảng 4,4 triệu ha, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái; năng suất bình quân đạt 63,3 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt gần 28 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.

Về xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 8 ước đạt 1,8 tỷ USD, tính chung 8 tháng năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng xuất khẩu gạo đạt trên 2,3 tỷ USD, tăng 18,1% về lượng và tăng 8,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Về vấn đề Việt Nam có đạt được con số xuất khẩu 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo trong năm 2022 hay không? Ông Nguyễn Như Cường cho hay, đến thời điểm này, ngành trồng trọt và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đảm bảo được kế hoạch sản xuất, với gieo trồng khoảng 7,24 triệu ha, với sản lượng trên 43 triệu tấn thóc.

Do đó, nếu không có bất thường thời tiết, dịch bệnh, chúng ta hoàn toàn có đủ sản lượng thóc để đảm bảo xuất khẩu gạo từ 6,5 – 6,7 triệu tấn. Tuy nhiên, việc xuất khẩu gạo 6,5 – 6,7 triệu tấn và giá gạo thế nào còn phụ thuộc vào thị trường thế giới.

Kinh tế vĩ mô - Xuất khẩu gạo dự kiến đạt 3,2 - 3,3 tỷ USD  (Hình 2).

Xuất khẩu gạo dự kiến năm 2022 sẽ đạt khoảng 3,2 – 3,3 tỷ USD. 

“Trên thị trường thế giới, giao dịch lúa mì khoảng trên 500 triệu tấn, tuy nhiên, giao dịch thị trường lúa gạo chỉ khoảng 40 - 50 triệu tấn và tập trung ở vùng châu Á”, ông Nguyễn Như Cường cho biết thêm.

Về vấn đề này, ông Phùng Đức Tiến cho hay, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 479 USD/tấn, giảm hơn 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, việc thị trường các nước EU, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu gạo Việt Nam, giá lúa gạo tại các thị trường này mà tăng, thì chắc chắn giá gạo xuất khẩu của chúng ta có nhiều thuận lợi. Khi đó, xuất khẩu gạo không những đạt được những thành tích mà ngành lúa gạo cũng cần nhiều giải pháp để nâng cao sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu. 

“Nếu không có những bất thường về thời tiết, dịch bệnh, chúng ta đủ lượng 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo để xuất khẩu và dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD”, ông Phùng Đức Tiến cho biết thêm.

Tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có giảm ở một số địa phương.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Tiền Giang, giá lúa ghi nhận sự giảm giá 100 đồng/kg ở các loại như IR 50404 còn 6.700 đồng/kg; OC 10 còn 6.500 đồng/kg.

Tại Cần Thơ, giá lúa OM 4218 ghi nhận sự giảm 100 đồng/kg, còn 6.600 đồng/kg; những loại khác vẫn không đổi so với tuần trước, như: lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg.

Giá lúa ST tại Bến Tre cũng giảm 100 đồng/kg, còn 6.900 đồng/kg; IR 50404 giảm 50 đồng/kg, còn 5.650 đồng/kg.

Giá lúa tại Sóc Trăng vẫn duy trì ổn định như: OM 5451 là 6.600 đồng/kg; Đài Thơm 8 ở mức 6.800 đồng/kg; TS24 là 8.200 đồng/kg; OM 4900 là 6.900 đồng/kg.

Giá lúa tại An Giang cũng giữ ổn định so với tuần trước, lúa Nàng hoa 9 đang được thương lái thu mua ở mức 5.600-5.800 đồng/kg; OM 18 từ 5.800-6.000 đồng/kg; Đài Thơm 8 từ 5.800-6.000 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 5.400-5.500 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức từ 5.500-5.600 đồng/kg.

Với mặt hàng lúa nếp, nếp An Giang tươi từ 6.100-6.300 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; nếp tươi Long An từ 6.400-6.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; nếp An Giang khô ổn định từ 7.500-7.600 đồng/kg.

Hiện nông dân Bạc Liêu đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ lúa Hè Thu. Tuy nhiên, do thiếu nhiên liệu, nhiều máy gặt không thể hoạt động, dù các trà lúa trên đồng đã chín. Thậm chí, nhiều hộ đã thu hoạch xong nhưng vắng bóng thương lái, lúa phải nằm trên bờ, khiến nông dân vô cùng lo lắng.

Nông dân Nguyễn Công Dân ở xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long,  tỉnh Bạc Liêu cho biết, vụ này gia đình có trên 1,3 ha lúa, đến nay, các trà lúa đã quá ngày thu hoạch hơn 10 ngày nhưng vẫn còn chờ dưới đồng vì không có máy gặt.

Không riêng gì gia đình ông Dân mà các hộ dân ở gần cũng đang nằm trên "đống lửa" vì không có máy gặt. Chưa kể nhiều thửa ruộng có lúa bị đổ, ngã do những cơn mưa kéo dài liên tục thời gian qua đã bắt đầu nảy mầm, nông dân đứng trước vụ mùa khó khăn chồng chất khó khăn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến trung tuần tháng 8, cả nước gieo cấy được 6,7 triệu ha lúa, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương đã thu hoạch khoảng 4,4 triệu ha, tăng 2,1%; năng suất bình quân đạt 63,3 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt gần 28 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ.

Riêng vụ Hè Thu, Tổng cục Thống kê dự kiến sản lượng ước đạt 10,92 triệu tấn, giảm 219,2 nghìn tấn so với vụ Hè Thu năm 2021.

Hương Anh (tổng hợp) 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.