Xuất khẩu sụt giảm và bài toán thúc đẩy tăng trưởng nửa cuối năm

Xuất khẩu sụt giảm và bài toán thúc đẩy tăng trưởng nửa cuối năm

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Chủ nhật, 23/07/2023 19:31

Việc kinh tế thế giới hồi phục chậm, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm

Theo Kinh tế & Đô thị, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu năm 2023, các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bình Dương... đều có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm nhiều tỷ USD.

Cụ thể, cả nước có 7 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 10 tỷ USD trở lên, nhưng chỉ duy nhất Bắc Giang tăng trưởng dương với mức tăng 8% so với cùng kỳ (đạt 10,7 tỷ USD). 

Các địa phương còn lại là TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng và Đồng Nai, đều bị sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, TP Hồ Chí Minh giảm tới hơn 5 tỷ USD so với cùng kỳ 2022 (đạt 19,95 tỷ USD).

Tại Bắc Ninh, tình hình xuất nhập khẩu cũng chưa nhìn thấy những tín hiệu tốt.

Kinh tế vĩ mô - Xuất khẩu sụt giảm và bài toán thúc đẩy tăng trưởng nửa cuối năm

Nửa đầu năm 2023, nhiều địa phương xuất khẩu sụt giảm. Ảnh minh họa từ internet 

Do suy giảm kinh tế thế giới và trong nước ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp nên tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh này (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 19%, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 23,7% so cùng kỳ năm 2022. 

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023 của cả nước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD.

Như vậy, để đạt được quy mô tương đương năm ngoái (hơn 730 tỷ USD), trong thời gian còn lại của năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam phải đạt khoảng 500 tỷ USD, tương đương bình quân gần 67 tỷ USD mỗi tháng.

Đây là mục tiêu đầy thách thức đặt ra đối với cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.

Giải pháp nào thúc đẩy xuất khẩu nửa cuối năm?  

Theo Bnews, thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, kinh tế thế giới hồi phục chậm, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia khiến sức mua suy giảm đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn khi tình trạng thiếu đơn hàng tiếp diễn. Việc lựa chọn mở rộng thị trường mới hay nỗ lực giữ thị trường cũ là bước đi mang tính quyết định đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở thời điểm này.

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đối mặt nhiều khó khăn bởi đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu chính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều giảm mạnh.

Từ thực tế biến động thị trường, nhiều doanh nghiệp đã có điều chỉnh chiến lược xuất khẩu như tìm kiếm cơ hội ở thị trường mới hay nâng cao chất lượng sản phẩm... doanh nghiệp rất mong đợi các chính sách tháo gỡ khó khăn từ nay tới cuối năm để hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là việc triển khai cho vay với lãi suất ưu đãi cho bà con và doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Theo Vasep, tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp thành viên trong ngành, mối bận tâm lớn nhất hiện nay của họ là vấn đề chi phí duy trì hoạt động và giải quyết hàng tồn kho. Tức là vẫn luôn phải có nguồn tiền trong sản xuất và giữ được các đơn hàng. Sau thời gian dài, nguồn lực của doanh nghiệp giảm nhanh.

Để tồn tại, họ buộc phải cơ cấu lại các mặt hàng, tìm hiểu thị trường, sức mua, nhu cầu thực tế của thị trường. Thời điểm này mọi năm, doanh nghiệp đã có thể chuẩn bị cho các đơn hàng vào dịp cuối năm nhưng năm nay tình hình rất trầm lắng. Do đó, các doanh nghiệp rất mong sức tiêu thụ của thị trường sớm được hồi phục.

Tương tự ngành thủy sản, xuất khẩu gỗ trong năm nay cũng sụt giảm rất mạnh, ông Nguyễn Hoàng Phước, đại diện Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Nam Việt Furniture cho biết, so với mọi năm, thậm chí là so với cùng kỳ năm 2022, tình hình xuất khẩu đồ gỗ nội thật giảm cả về số lượng và giá trị.

Hầu như chỉ tập trung vào sản xuất gia công ODM là chủ yếu. Cũng vì thế, hoạt động sản xuất tại nhà máy bị ảnh hưởng và ngưng trệ theo. Trong khi sức mua chậm mà chi phí nguyên vật liệu tăng, hàng tồn và nợ phải trả cũng gia tăng. Hiện tại các doanh nghiệp ngành gỗ; trong đó có Nam Việt đang đối mặt sức ép về vốn vay ngân hàng, chi phí người lao động, nguyên liệu đầu vào.

Không chỉ đồ gỗ nội thất, đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An cho hay, nhiều quốc gia đang thắt chặt chính sách tín dụng, người dân thắt chặt chi tiêu… Điều này tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

Mặc dù khó khăn, song vẫn có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy vẫn có khả năng cải thiện được tình hình, khi mới đây, các ngành chắc năng đã tiếp tục đề xuất, kiến nghị hỗ trợ các giải pháp về chính sách, nhất là vốn vay, giãn thuế, giãn nợ để doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất phục vụ xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới.

Chính phủ cũng đã và đang tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu nhằm thúc đẩy sự phục hồi của ngành xuất khẩu, gồm: việc tăng cường giải ngân các gói tín dụng xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tìm kiếm các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác.

Khuyến nghị tới cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, để tận dụng tốt các lợi thế về những Hiệp định thương mại tự do đã ký kết cùng nhiều đối tác và khu vực, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tiếp tục tìm hiểu kỹ các ưu đãi về thuế quan để có sự chọn lựa tối ưu; nắm vững các điều kiện ưu đãi.

Doanh nghiệp cũng cần có những phản ứng linh hoạt, nhạy bén với thị trường trong việc tìm kiếm các đối tác và thúc đẩy giao dịch, điều chỉnh quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ nếu phù hợp; thực hiện các yêu cầu khác về thủ tục giấy tờ, hồ sơ vận chuyển....để được hưởng ưu đãi.

Thông tin từ Kinh tế & Đô thị, phía các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá, kinh tế Việt Nam sẽ “ấm lên” trong nửa cuối năm nay, nhất là quý IV/2023, do xuất khẩu bắt đầu hồi phục rõ nét hơn, cùng cú hích từ các biện pháp hỗ trợ với các ngành, lĩnh vực sản xuất.

Do đó, để tiếp tục duy trì cũng như đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm, các cơ quan chức năng tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và Đông Âu…

Các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN) cũng được khai thác tích cực; đặc biệt, quyết liệt đột phá vào các thị trường mới.

Bên cạnh đó, thời gian tới, Việt Nam cũng cần thúc đẩy phát triển sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp theo phân công của Chính phủ để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất.

Đào Vũ (T/h)

 

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.