Người ta thường nhận xét Tổng thống Nga Vladimir Putin là một người bất khả đoán, thất thường và bất ngờ - một kiểu khá giống với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ví dụ mới nhất là việc Nga tập trung quân dọc theo biên giới Ukraine, điều mà không ai biết nguyên nhân đến từ đâu. Một số nhà quan sát trầm ngâm cho rằng, có lẽ vì Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã có những lời lẽ không mấy tốt đẹp với cá nhân ông Putin.
Logic như vậy có vẻ hợp lý, bởi sau cuộc điện thoại mang tính xoa dịu từ phía ông Biden, Nga đã rút quân nhanh chóng sau đó.
Ngoài Ukraine, các vụ đánh chặn trên không của máy bay chiến đấu Nga với máy bay NATO trên bầu trời châu Âu cũng góp phần gia tăng sự bí hiểm của Tổng thống Putin.
Đã có nhiều tranh luận về các hành động khó đoán ông chủ Điện Kremlin, nhưng theo Asia Times, đây vốn là phong cách quen thuộc của Nga trước cả khi ông Putin xuất hiện trên trường quốc tế và có thể sẽ tiếp tục tồn tại về sau này khi ông Putin rời nhiệm sở.
Học thuyết hồi sinh
Về cơ bản, hành động thường xuyên “gây bão” của Nga là lời khẳng định bản thân với tư cách là một cường quốc toàn cầu, một mơ ước mà nước này đã nuôi dưỡng từ năm 1996 trước khi trỗi dậy như hiện nay.
Vào thời điểm đó, giới tinh hoa chính trị của Nga và đặc biệt là thế hệ còn lại của cơ quan tình báo KGB đã thất vọng trước tình trạng lép vế của Nga đối với Mỹ.
Dưới thời Boris Yeltsin, tổng thống đầu tiên của Nga thời hậu Xô Viết, đất nước vật lộn với nhiều khó khăn. Yevgeny Primakov, ngoại trưởng Nga năm 1996 và sau này là thủ tướng, đã vạch ra kế hoạch chi tiết cho sự hồi sinh quyền lực toàn cầu của đất nước. Ông kiên quyết lên tiếng chống lại sự bành trướng của NATO về phía biên giới Nga và vận động thành lập các liên minh để chống lại sự thống trị của Mỹ trong các vấn đề thế giới
Trong bối cảnh đó, ông đặc biệt chú trọng quan hệ đối tác với Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, kế hoạch của Primakov không mang lại kết quả. Đầu tiên, ông cố gắng thực hiện ý tưởng của mình bằng cách xây dựng một liên minh bao gồm các cường quốc châu Á có cùng chí hướng - Ấn Độ, Iran và Trung Quốc - để phản đối việc Mỹ ném bom Iraq do nghi ngờ chính quyền Saddam Hussein chế tạo bom nguyên tử.
Nhưng không có sự phản đối chung nào được đưa ra và các cuộc không kích của Mỹ vẫn được tiến hành.
Primakov cũng phản đối các cuộc can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Bosnia và Kosovo. Năm 1999, khi đang bay đến Washington để gặp phó tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Al Gore, Gore đã gọi điện cho ông để nói rằng người Mỹ sắp ném bom Serbia. Tức giận và cảm thấy bị bẽ mặt, Primakov ra lệnh cho máy bay quay trở lại Moscow.
Trước sự phản đối của Nga, NATO đã thêm các nước thuộc Khối Hiệp ước Warsaw trước đây vào liên minh trong năm 1999 và tiếp tục với việc bổ sung các nước thuộc Liên Xô cũ dọc theo bờ biển Baltic vào năm 2004.
Bất chấp nhiều thất bại, tầm nhìn của Primakov về một nước Nga hồi sinh trên toàn cầu vẫn tồn tại. Người đại diện mới nhất là Vladimir Putin, được bổ nhiệm làm thủ tướng vào năm 1999 và sau đó trở thành người kế nhiệm của Yeltsin.
Di sản kế thừa
Trước tiên, ông Putin tập trung vào một điều kiện tiên quyết để củng cố nước Nga trên toàn cầu mà Primakov đã nhấn mạnh: tái tập trung quyền lãnh đạo của chính quyền trung ương.
Do đó, ông đã dập tắt một cuộc nổi dậy có vũ trang ở Chechnya. Giảm bớt quyền lực của các thống đốc nhằm thắt chặt quyền kiểm soát từ trung ương đối với các tỉnh trên đất nước, đồng thời lấy lại quyền quản lý các công ty năng lượng chủ chốt của Nga.
Chiến thắng ở Chechnya cùng với việc giá dầu toàn cầu tăng, kinh tế Nga tăng trưởng tốt, đã khiến ông Putin trở nên nổi tiếng một cách cuồng nhiệt.
Trên đà hồi sinh, ông Putin nhanh chóng chuyển hướng sang ngăn chặn sự mở rộng của NATO. Với những can thiệp về vấn đề Gruzia và Ukraine, ông đã loại bỏ mọi khả năng hai quốc gia này sẽ sớm gia nhập liên minh.
Tổng thống Putin đã tiến xa hơn bằng cách đều đặn mở rộng phạm vi tiếp cận của Nga dọc theo sườn phía Nam của NATO ở Địa Trung Hải. Ông ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ chống lại phiến quân và tân trang lại căn cứ hải quân của Nga trên bờ Địa Trung Hải của Syria.
Những hành động của ông Putin ở Đông Âu và Trung Đông đã biến học thuyết của Primakov về hồi sinh vị thế cường quốc của nước Nga trở thành hiện thực. Không những vậy, các nguy cơ đụng độ quân sự cũng thấp hơn khi Nga sử dụng các thế lực ủy nhiệm để làm giảm rủi ro đối đầu trực tiếp với phương Tây và Mỹ.
Cùng với những hướng đi đó, ông Putin cũng thường xuyên “mài lưỡi kiếm” khi nhắc nhở đối thủ về năng lực hạt nhân, tên lửa và lực lượng mặt đất đáng nể của Nga.
Sự kết hợp nói trên được thể hiện rõ trong những căng thẳng gần đây với Ukraine, khi Nga mang đến một lực lượng tăng thiết giáp đáng gờm tập trung ở biên giới.
Tình thế ngày nay đã đảo ngược. Trong những năm 1990, phương Tây, với Mỹ đã dẫn dắt cả Đông Âu và Trung Đông. Nga là một người đứng ngoài cuộc yếu ớt.
Giờ đây, nước Nga của ông Putin là một thế lực chiến lược, không chỉ dọc theo biên giới phía Tây đối diện với NATO, mà còn ở sườn phía Nam của liên minh ở Địa Trung Hải.
Trên khía cạnh địa chính trị, ông Putin đã mở rộng tầm quan trọng của Nga bằng cách nuôi dưỡng mối quan hệ đối tác ngày càng chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Nga với cường quốc kinh tế và quân sự mới nổi ở châu Á khiến các nhà hoạch định quân sự của Mỹ lo ngại rằng một ngày nào đó họ có thể phải đối mặt với sự thù địch trên hai mặt trận.
Vì vậy, thay vì nói rằng ông Putin là một nhà lãnh đạo thất thường, khó đoán, ông thực tế đã duy trì chính sách đối ngoại bền vững suốt 1/4 thế kỷ, điều mà Primakov - người đã qua đời vào năm 2015 - hẳn sẽ rất tự hào.