Không quân Sudan oanh tạc nhiều vị trí ở thủ đô Khartoum (ảnh: Aljazeera)
Dẫn lời các chuyên gia phân tích, Aljazeera đưa tin, xung đột ở Sudan giữa Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) và quân đội Sudan sẽ còn kéo dài bởi lực lượng 2 bên hiện tương đương nhau.
Tuy nhiên, theo thời gian, quân đội Sudan có khả năng thắng thế trong xung đột cao hơn. Quân đội Sudan sở hữu các máy bay chiến đấu, ném bom – thứ mà lực lượng RSF không có. Quân đội Sudan cũng nhận được sự hỗ trợ về hậu cần từ Ai Cập.
Các máy bay quân sự của quân đội Sudan đang ném bom nhiều khu vực ở Khartoum và sân bay trong thành phố, nơi RSF bố trí những trận địa pháo.
Ở chiều ngược lại, RSF nhận được hỗ trợ từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
“Ai Cập và UAE giúp những đội quân ở Sudan lớn mạnh như hiện tại. Những đội quân này chống lại lời kêu gọi về chính quyền dân sự và chống lẫn nhau”, Jonas Horner – chuyên gia phân tích Sudan tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (Crisis Group) – nhận xét.
Tướng Al-Burhan (phải) và tướng Dagalo (trái) - lãnh đạo hai phe quân sự đang đối đầu tại Sudan (ảnh: Reuters)
Xung đột ở Khartoum có nguy cơ lan rộng ra nhiều tỉnh (ảnh: Aljazeera)
“Cuộc chiến ở Khartoum sẽ kéo dài và đẫm máu, nhưng quân đội sẽ kiểm soát được thành phố này. Họ có kho vũ khí lớn hơn”, Sharath Srinivasan – chuyên gia phân tích tại Đại học Cambridge (Anh) – nói với Aljazeera.
Theo ông Srinivasan, sau khi thất bại, lực lượng RSF có thể rút lui về căn cứ địa ở tỉnh Darfur (phía Tây Sudan). Từ Darfur, RSF có thể kiểm soát thêm một số vùng đất nhỏ khác.
“Khả năng gây thiệt hại cho đối phương của quân đội Sudan là cao hơn. Nhưng RSF vẫn có thể tiếp cận một số khu vực khác ở Sudan”, ông Srinivasan nói.
Theo ông Srinivasan, thủ lĩnh RSF, tướng Mohamad Hamdan Dagalo, và tư lệnh quân đội Sudan – tướng Abdel Fattah Al-Burhan – đang chơi một trò chơi “có tổng bằng không”. Hai lực lượng này chỉ có thể đánh bại, chứ không đủ sức để triệt tiêu hoàn toàn đối phương.
Hôm 17/4, tướng Abdel Fattah Al-Burhan đã ra lệnh giải thể RSF.
Năm 2013, Tổng thống Sudan lúc bấy giờ là Omar al-Bashir đã giao nhiệm vụ chỉ huy RSF cho tướng Dagalo. RSF có nhiệm vụ ngăn chặn đảo chính và dập tắt những phe phái quân sự ở Sudan.
6 năm sau, RSF hợp tác với quân đội Sudan để lật đổ ông Omar al-Bashir.
Sau cuộc đảo chính, ông Dagalo và tướng Al-Burhan cùng điều hành Sudan. Nhưng ông Dagalo có quyền lực thấp hơn 1 bậc, theo Aljazeera.
Tây Ban Nha điều máy bay quân sự sơ tán công dân khỏi Sudan (ảnh: Reuters)
Mâu thuẫn nổ ra từ đầu năm nay, khi quân đội muốn sáp nhập RSF nhưng không tìm được tiếng nói chung về vấn đề chia sẻ quyền lực. Hiện ông Dagalo và tướng Al-Burhan là “kẻ thù không đội trời chung”.
Theo một số chuyên gia, để nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Sudan, cộng đồng quốc tế phải gây áp lực nhằm thực hiện lệnh ngừng bắn và ngăn bên thứ 3 tham chiến.
Tuy nhiên, các nước có ảnh hưởng như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản cùng Liên minh châu Âu (EU) đang “bận rộn” tìm cách sơ tán quan chức, công dân khỏi Sudan.
Theo Liên hợp quốc, cuộc chiến kéo dài từ ngày 15/4 đã khiến ít nhất 427 người ở Sudan thiệt mạng. Hàng triệu người ở Khartoum buộc phải ở trong nhà trong điều kiện thiếu thốn nước, thực phẩm và lo lắng cho mạng sống của mình.
Vương Nam – Aljazeera, Reuters