Xung đột Nga-Ukraine: Chiến tuyến mới dần được định hình

Xung đột Nga-Ukraine: Chiến tuyến mới dần được định hình

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Chủ nhật, 18/09/2022 16:37

Các lực lượng Nga đang thiết lập một tuyến phòng thủ mới, sau khi chiến tuyến cũ ở vùng Kharkiv sụp đổ, khi chiến dịch của Moscow ở Ukraine đã gần cán mốc 7 tháng.

Các lực lượng Ukraine đang tiếp tục củng cố thành quả mà họ giành được sau cuộc phản công chớp nhoáng trước quân đội Nga ở khu vực Kharkiv, Đông Bắc Ukraine.

Các lực lượng Nga, trong khi đó, cũng đang củng cố tuyến phòng thủ mới sau sự sụp đổ của chiến tuyến cũ ở vùng Kharkiv.

Các nhà phân tích và quan chức quốc phòng phương Tây hôm 17/9 cho biết, họ tin rằng các lực lượng Nga đang thiết lập một tuyến phòng thủ mới ở phía Đông Bắc Ukraine, sau khi quân đội của Kiev giành được bước tiến đột phá ở khu vực này và đang cố gắng đẩy mạnh chiến tuyến về phía Đông, nơi có vùng công nghiệp trọng điểm Donbass.

Tuyến phòng thủ mới của Nga có khả năng nằm giữa sông Oskil ở khu vực Kharkiv và thành phố Svatove ở khu vực Lugansk, một trong 2 tỉnh hợp thành Donbass ở miền Đông, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một cuộc họp báo hàng ngày hôm 17/9.

Chiến tuyến mới được thiết lập theo sau một cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine ở khu vực Kharkiv, khiến chiến tuyến trước đó trong cuộc chiến bị phá vỡ và đẩy lùi về gần Donbass hơn.

Thế giới - Xung đột Nga-Ukraine: Chiến tuyến mới dần được định hình

Các lực lượng Ukraine được nhìn thấy ở Izyum, vùng Kharkiv, sau khi quân Nga rút lui, tháng 9/2022. Ảnh: Anadolu Agency

Có thể Moscow coi việc duy trì quyền kiểm soát khu vực này là quan trọng vì nó là điểm giao của một trong số ít các tuyến đường tiếp tế chính mà quân Nga vẫn kiểm soát từ khu vực Belgorod ở miền Tây nước Nga”, Bộ Quốc phòng Anh nhận định.

Bộ này cũng cho rằng khả năng người Nga sẽ kiên quyết giữ tuyến phòng thủ ở khu vực này, nhưng vẫn chưa rõ liệu họ có thể chống chọi với một cuộc tấn công khác của người Ukraine hay không.

Trong khi đó, các lực lượng Ukraine tiếp tục vượt sông Oskil nhằm phát huy động lực của cuộc phản công trước đó.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington, cho biết trong bản đánh giá xung đột Nga-Ukraine hôm 17/9 rằng, hình ảnh vệ tinh mà họ nghiên cứu cho thấy, các lực lượng Ukraine đã vượt qua bờ đông của sông Oskil ở Kupyansk, đặt pháo binh ở đó.

Con sông, chảy về phía Nam từ Nga vào Ukraine, là một ranh giới tự nhiên trong chiến tuyến mới hình thành kể từ khi Ukraine đẩy mạnh phản công trong khu vực cách đây khoảng một tuần.

“Các lực lượng Nga có khả năng quá yếu để ngăn chặn những bước tiến của Ukraine dọc theo toàn bộ sông Oskil nếu các lực lượng Ukraine chọn tiếp tục các hoạt động tấn công”, ISW đánh giá.

Nga không kích trên khắp các mặt trận

Bộ Quốc phòng Nga hôm 17/9 cho biết, các lực lượng của họ đã tấn công vào các vị trí của Ukraine ở miền Nam và miền Đông đất nước, đồng thời cáo buộc Kiev đã thực hiện các cuộc pháo kích vào gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Các lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc không kích ở các khu vực Kherson, Mykolaiv, Kharkiv và Donetsk, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đồng thời thông tin thêm rằng, các lực lượng Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công bất thành gần Pravdyne ở Kherson.

Thế giới - Xung đột Nga-Ukraine: Chiến tuyến mới dần được định hình (Hình 2).

Bản đồ đánh giá xung đột Nga-Ukraine ở miền Đông. Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW). Ảnh: Sky News

Độ bức xạ tại Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, vẫn ở mức bình thường, theo Bộ Quốc phòng Nga. Bộ này cũng cho biết, 2 vụ pháo kích đã được ghi nhận gần nhà máy hôm 17/9.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ukraine đã bác bỏ thông tin rằng các lực lượng Ukraine đã tiến hành pháo kích gần khu phức hợp hạt nhân ở miền Nam nước này.

Nga và Ukraine đã nhiều lần cáo buộc nhau pháo kích vào nhà máy Zaporizhzhia. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 15/9 đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Nga rút hết quân và thiết bị khỏi cơ sở này.

Trong một diễn biến liên quan mới nhất, IAEA hôm 17/9 cho biết, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia một lần nữa lại nhận điện trực tiếp từ lưới điện quốc gia của Ukraine sau khi việc sửa chữa được hoàn tất đối với một trong những đường dây điện chính bên ngoài bị hư hỏng trong cuộc xung đột.

Cũng trong ngày 17/9, ông Alexey Kulemzin, Thị trưởng thành phố Donetsk, miền Đông Ukraine, do phe ly khai thân Nga kiểm soát, cho biết trên Telegram rằng 4 người đã thiệt mạng do bị pháo kích vào một phần trung tâm của thành phố.

Các mảnh vỡ của lựu pháo Caesar do Pháp sản xuất đã được tìm thấy tại hiện trường vụ việc, ông Kulemzin cho biết thêm.

Hãng thông tấn Nga TASS trong khi đó dẫn nguồn chính quyền địa phương ở vùng Belgorod của Nga cho biết, một người đã thiệt mạng do bị Ukraine pháo kích hôm 17/9.

Reuters thừa nhận không thể xác minh độc lập các tuyên bố chiến trường.

Thế giới - Xung đột Nga-Ukraine: Chiến tuyến mới dần được định hình (Hình 3).

Pháo binh Ukraine khai hỏa từ một vị trí ở khu vực Kherson hồi đầu tháng 9/2022. Ảnh: NYT

Trong những tuần gần đây, các lực lượng Ukraine đã thành công tái chiếm vùng lãnh thổ trước đây do các lực lượng Nga nắm giữ ở khu vực Kharkiv, Đông Bắc đất nước.

Ở miền Đông và miền Nam Ukraine, Moscow vẫn đang duy trì lực lượng để hoàn tất mục tiêu lớn nhất của chiến dịch đã tuyên bố: Giúp phe ly khai thân Nga giải phóng hoàn toàn Donbass (khu vực gồm các tỉnh Donetsk và Lugansk).

Giao tranh tiếp tục nổ ra hôm 17/9 tại Bakhmut, thành phố miền Đông được đánh giá là rất quan trọng đối với mục tiêu của Nga về kiểm soát phần còn lại của Donbass.

An ninh Nga vô hiệu hóa “nhóm phá hoại và do thám” ở Kherson

Lực lượng an ninh Nga đã nổ súng vào một băng nhóm tội phạm có vũ trang ở trung tâm thành phố Kherson vào cuối ngày 17/9 và “vô hiệu hóa” chúng, Reuters đưa tin dẫn nguồn hãng thông tấn Nga TASS.

Kherson, ở miền Nam Ukraine, đã nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Nga ngay từ những ngày đầu Moscow phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng Đông Âu. Kiev công khai tuyên bố sẽ giành lại thành phố chiến lược nằm ở ngay phía bắc bán đảo Crimea.

“Một nhóm các phần tử có vũ trang đã kháng cự. Lực lượng an ninh Nga đã nhanh chóng tới hiện trường và vô hiệu hóa bọn tội phạm”, TASS cho biết, trích dẫn một nguồn tin an ninh. Nguồn tin cho biết thêm, không có thương vong dân sự.

Hãng tin Nga RIA trước đó trích dẫn một nguồn tin an ninh cho biết, băng nhóm này là một “nhóm phá hoại và do thám”, nhưng không đưa ra chi tiết.

Đoạn video được đăng tải lên Twitter hôm 17/9 cho thấy có vẻ như các lực lượng Nga đã bắn một khẩu súng máy hạng nặng từ một chiếc xe bọc thép về phía một mục tiêu không thể nhìn thấy, Reuters cho biết. Cũng có thể nghe thấy tiếng súng bắn ra từ những khẩu súng cỡ nòng nhỏ hơn.

Người quay video cho biết cuộc đụng độ diễn ra ở trung tâm Kherson. Reuters không thể xác minh độ chân thực của video đó ngay lập tức.

Thế giới - Xung đột Nga-Ukraine: Chiến tuyến mới dần được định hình (Hình 4).

Binh sĩ Nga được nhìn thấy trên một chiếc xe bọc thép ở khu vực Zaporizhzhia do Nga kiểm soát, miền Nam Ukraine, khi xung đột Nga-Ukraine sắp cán mốc 7 tháng. Ảnh: Al Jazeera

Gần đây Ukraine đã phát động một cuộc tấn công lớn nhằm vào các lực lượng của Moscow trong khu vực, với hy vọng có thể cô lập hàng nghìn quân Nga ở bờ Tây sông Dnipro, và chiếm lại Kherson, thành phố lớn duy nhất của Ukraine hiện vẫn còn nằm trong tay quân Nga.

Bơm” vũ khí cho Ukraine là đi vào đường cụt

Đại sứ Nga tại Đức Sergei Netshaev cảnh báo rằng, việc phương Tây “bơm” thêm vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ dẫn đến một cuộc chiến dài hơn.

“Cung cấp vũ khí là một con đường dẫn đến ngõ cụt”, ông Netshaev nói với báo Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung của Đức hôm 17/9. “Nó sẽ kéo dài cuộc giao tranh. Nó sẽ khiến thêm nhiều người trở thành nạn nhân”.

Lời cảnh báo của nhà ngoại giao Nga được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây tìm cách thúc đẩy cuộc phản công gần đây của Kiev ở Đông Bắc Ukraine, và có thêm nhiều lời kêu gọi Đức tăng cường và tăng tốc hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Đức, nước ban đầu miễn cưỡng cung cấp vũ khí cho Kiev, gần đây đã phải chịu áp lực mới trong việc gửi cho Ukraine các hệ thống vũ khí tiên tiến hơn.

Berlin hôm 15/9 cho biết họ sẽ gửi thêm các hệ thống tên lửa phóng loạt và 50 xe bọc thép chở quân đến Ukraine.

Tuy nhiên, Kiev vẫn đang thúc ép Đức cung cấp cho họ xe tăng Leopard và xe bọc thép Marder. Nhưng Berlin khẳng định sẽ chỉ cung cấp vũ khí tiên tiến với sự phối hợp của các đồng minh.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 17/9 cam kết tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng vẫn muốn tránh gây ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa Moscow và các đồng minh NATO của Đức.

“Mục tiêu của chúng ta vẫn là rằng không để cuộc chiến leo thang”, ông Scholz nói với đài truyền hình Deutschlandfunk hôm 17/9.

Chính phủ Đức của Thủ tướng Scholz đã đồng ý tài trợ và chuyển giao 18 hệ thống pháo Krauss-Maffei Wegmann RCH 155 trị giá 216 triệu Euro để đáp ứng yêu cầu mà Ukraine đưa ra hồi tháng 7, tờ Welt am Sonntag đưa tin, dẫn lời Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk.

Thế giới - Xung đột Nga-Ukraine: Chiến tuyến mới dần được định hình (Hình 5).

Một nhân viên dịch vụ khẩn cấp Ukraine thu thập vật liệu chưa nổ từ bên đường gần Izyum, vùng Kharkiv, Đông Bắc Ukraine, ngày 17/9/2022. Ảnh: NYT

Ông Biden cảnh báo “đừng” sử dụng vũ khí hạt nhân, Nga phản ứng

Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã cảnh báo về hậu quả nếu người đồng cấp Nga Vladimir Putin quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc hóa học trong cuộc chiến ở Ukraine.

“Đừng. Đừng. Đừng”, ông Biden lặp lại liên tiếp trong một đoạn trích từ cuộc phỏng vấn với chương trình “60 Minutes” của đài CBS khi được hỏi rằng ông sẽ nói gì trong trường hợp ông Putin đang cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hóa học trong cuộc xung đột đã kéo dài gần 7 tháng ở Ukraine.

Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng điều này sẽ làm thay đổi cục diện cuộc chiến theo cách không giống như bất cứ điều gì kể từ Thế chiến II.

Ông Biden từ chối nêu rõ hậu quả có thể xảy ra, nói rằng “mức độ của những gì họ làm” sẽ quyết định phản ứng.

Toàn bộ cuộc phỏng vấn của Tổng thống Mỹ với đài CBS sẽ được phát sóng vào tối ngày 18/9 (giờ địa phương).

Khi được hỏi về phản ứng của Nga đối với lời cảnh báo trên của nhà lãnh đạo Mỹ, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Putin, nói với các phóng viên hôm 17/9, “Hãy đọc lại học thuyết của Nga. Mọi thứ đều được viết ở đó”, hãng thông tấn Nga RIA đưa tin.

Học thuyết hạt nhân của Nga nêu rõ rằng vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng theo sau “một hành động gây hấn chống lại Nga hoặc đồng minh của họ với việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt” hoặc “khi chính sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa”.

Thế giới - Xung đột Nga-Ukraine: Chiến tuyến mới dần được định hình (Hình 6).

Nga ước tính có hơn 1.450 đầu đạn hạt nhân chiến lược sẵn sàng sử dụng, nhiều hơn Mỹ khoảng 100 đầu đạn. Trong ảnh là tên lửa đạn đạo RS-24 Yars có khả năng hạt nhân của Nga diễu hành qua Quảng trường Đỏ năm 2020. Ảnh: Military.com

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết sử dụng vũ khí hạt nhân là không cần thiết từ góc độ quân sự, và “mục tiêu chính của kho vũ khí hạt nhân của Nga là ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân”.

Ông Peskov, cũng như Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, trước đó đã tuyên bố rằng Nga sẽ chỉ sử dụng vũ khí thông thường ở Ukraine.

Nga có khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được sử dụng ở khoảng cách tương đối gần trong khi vũ khí hạt nhân “chiến lược” có thể được phóng ở khoảng cách xa hơn nhiều và làm tăng nguy cơ của một cuộc chiến hạt nhân toàn diện.

Một số diễn biến khác trong ngày qua

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hôm 17/9 đã cảm ơn sự hỗ trợ của Mỹ khi Kiev nhận được thêm 1,5 tỷ USD hỗ trợ tài chính quốc tế. Ông Shmyhal cho biết, khoản tiền này sẽ được sử dụng để hoàn trả chi tiêu ngân sách cho các khoản chi trả lương hưu và các chương trình trợ cấp xã hội ở Ukraine.

Công ty dầu khí nhà nước Rosneft của Nga hôm 17/9 đã cáo buộc Berlin thực hiện hành vi “cưỡng đoạt tài sản” các công ty con của họ tại Đức. Trước đó, hôm 16/9, chính phủ Đức cho biết rằng để quản lý tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu, họ sẽ đặt 3 nhà máy lọc dầu của Rosneft ở Đức dưới sự quản lý ủy thác. Rosneft cho rằng việc thu giữ là “bất hợp pháp” và họ sẽ có hành động pháp lý để bảo vệ tài sản của mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles hôm 17/9 cho biết, nước này sẽ không cấm du khách Nga nhập cảnh như một phần của lệnh trừng phạt đối với Moscow. Kể từ khi bắt đầu xung đột, Australia đã trừng phạt hàng trăm cá nhân và tổ chức của Nga, bao gồm hầu hết lĩnh vực ngân hàng và tất cả các tổ chức chịu trách nhiệm về nợ công của Nga.vKhi được hỏi liệu Australia có cấm du khách Nga hay không, ông Marles cho biết các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính phủ Nga, không phải người dân Nga. “Đây không phải là điều mà chúng tôi đang xem xét vào lúc này”, ông nói với đài ABC.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Newsweek, Hindustan Times, Reuters)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.