Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 13/3 bày tỏ lo ngại cuộc chiến ở Ukraine có thể làm trầm trọng thêm đại dịch Covid-19, đồng thời cho biết họ đang cố gắng làm nhiều hơn nữa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, CNN đưa tin.
Các ca bệnh trong khu vực đã giảm so với tuần trước, nhưng có nguy cơ đáng kể là bệnh sẽ trở nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn do Ukraine có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Các nguy cơ này càng tăng khi trong số hơn 2 triệu người rời khỏi đất nước, có những người đến các vùng cũng có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 của Ukraine là khoảng 34%, trong khi nước láng giềng Moldova là khoảng 29%, theo Our World In Data.
Đã có tổng cộng 791.021 trường hợp mới mắc Covid-19 và 8.012 trường hợp tử vong mới ở Ukraine và các nước xung quanh trong khoảng thời gian từ ngày 3/3 đến ngày 9/3, một báo cáo tình hình của WHO được công bố hôm 14/3 cho biết.
"Thật không may, loại virus này sẽ có cơ hội tiếp tục lây lan", Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 9/3. "Chúng tôi với tư cách là một tổ chức nhận ra rằng các quốc gia đang ở trong những tình huống rất khác nhau; họ đang đối mặt với những thách thức khác nhau. Có rất nhiều hoạt động đi lại và người tị nạn liên quan đến cuộc khủng hoảng này".
Cũng trong ngày 9/3, Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc Điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, cho biết không có gì phải nghi ngờ khi dịch Covid-19 sẽ gia tăng ở Ukraine. Ông cho rằng nguyên nhân của sự gia tăng tiềm tàng này là do thiếu xét nghiệm, sự gián đoạn của các chương trình tiêm chủng và tình trạng người dân bị căng thẳng, mệt mỏi vì chiến tranh kết hợp với tỉ lệ tiêm chủng vốn đã thấp.
Tuy nhiên, ông Ryan khuyên thế giới nên tránh những định kiến xung quanh người tị nạn và bệnh tật.
Ông cho rằng, cần sức cẩn thận với bất kỳ phát ngôn nào vì mặc dù người dân ở Ukraine đang chạy trốn khỏi nỗi kinh hoàng của chiến tranh, họ sẽ không làm thay đổi đáng kể tình hình dịch bệnh ở châu Âu vốn đang căng thẳng.
Báo cáo công bố hôm 13/3 cho biết, WHO đã mua thuốc điều trị Covid-19 và đang khuyến nghị các chiến dịch tiêm chủng và tăng cường giám sát đối với Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.
Láng giềng dang tay chào đón người Ukraine
Chỉ vài giờ sau khi Nga bắt đầu tấn công quân sự vào Ukraine vào ngày 24/2, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đảo ngược các chính sách biên giới cứng rắn của Budapest, những chính sách mà trong những năm gần đây đã bị các nhóm nhân quyền và tổ chức quốc tế chỉ trích gay gắt, để chào đón người tị nạn đến từ quốc gia láng giềng.
Hungary có quan điểm rất rõ ràng đối với người nhập cư và người tị nạn. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tuyên bố: “Người di cư thì xin mời dừng lại. Người tị nạn thì có thể nhận được mọi sự giúp đỡ cần thiết”.
Phát biểu với Al Jazeera hôm 3/3 tại một trung tâm viện trợ ở Beregsurany, một trong những cửa khẩu chính trên đường biên giới 135 km (84 dặm) của Hungary với Ukraine, Thủ tướng Orban nói: “Chúng tôi không sống trong hoàn cảnh thoải mái, chúng tôi đang sống ở giữa khó khăn, không chỉ bây giờ mà trong suốt lịch sử của chúng tôi, vì vậy chúng tôi có thể phân biệt được đâu là người di cư và ai là người tị nạn".
Hiện Hungary đang cung cấp cho những người tị nạn Ukraine vắc-xin Covid-19 miễn phí, theo CNN.
Cũng liên quan đến ứng phó với đại dịch, Bộ Y tế Romania đã cử các đoàn y tế đến xét nghiệm và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho những người Ukraine đang phải rời bỏ đất nước của họ đến tị nạn tại nước này.
Ở Slovakia, việc điều trị Covid-19 được cung cấp miễn phí.
Tại Moldova, các nhà chức trách nước này đang cung cấp dịch vụ xét nghiệm coronavirus và tiêm chủng miễn phí cho những người tị nạn đến từ Ukraine, AP cho biết.
Tại trung tâm tiếp đón chính ở thủ đô Chisinau, bất kỳ ai cũng có thể nhận được một trong nhiều loại vắc-xin Covid-19 hiện có. Nhưng nhiều người Ukraine đến đất nước này đã tiêm chủng đầy đủ, theo chính quyền địa phương.
Tiến sĩ Aurelia Cotruta, người làm việc với nhiều người tị nạn tại trung tâm y tế chính của thủ đô Moldova, cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước này đã ổn định, mặc dù có sự tăng nhẹ trong những ngày gần đây.
Moldova là một quốc gia Đông Âu nhỏ bé với khoảng 2,5 triệu dân và đang phải đương đầu với dòng người lên tới hàng chục nghìn người kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IMO) cho biết, hơn 2,5 triệu người đã phải rời bỏ Ukraine sang các nước xung quanh kể từ xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine bùng nổ hơn 2 tuần trước.
Minh Đức (Theo CNN, Al Jazeera, Republic World)