Khói đen bốc lên do một vụ nổ ở thành phố Khartoum (ảnh: SCMP)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 21/4 tuyên bố, hơn 400 người đã thiệt mạng và ít nhất 3.500 người đã bị thương kể từ khi quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) giao tranh.
Từ đầu tuần, các nỗ lực quốc tế nhằm giúp quân đội Sudan và lực lượng RSF thực hiện lệnh ngừng bắn đã không thành công. Giao tranh khốc liệt nhất xảy ra ở thành phố Khartoum (thủ đô Sudan).
Hơn 5 triệu dân thường ở Khartoum bị hạn chế ra khỏi nhà. Họ sống trong cảnh không có điện, bị hạn chế dùng nước và thiếu thức ăn. Hệ thống bệnh viện ở Khartoum về cơ bản không hoạt động, theo SCMP.
Ở Obeid, thành phố cách Khartoum khoảng 400km về phía Tây Nam, giao tranh cũng nổ ra. Một số chuyên gia lo ngại Sudan có thể xảy ra nội chiến.
Hôm 20/4, Phil Ventura – phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ – cho biết, Washington đang triển khai các nguồn lực quân sự nhằm bảo vệ quan chức ngoại giao Mỹ ở Sudan.
“Mục tiêu là bảo đảm an toàn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán”, ông Phil Ventura nói.
Ông Ventura không tiết lộ Mỹ đang bố trí lực lượng ở đâu.
Trước đó, hôm 19/4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho hay, Washington đã điều lực lượng tới Djibouti (quốc gia ở Đông Phi). Mỹ có một căn cứ lớn ở Djibouti – cách thành phố Khartoum khoảng 1.200km về phía đông nam.
Theo SCMP, có khoảng 70 nhân viên và quan chức Mỹ ở Đại sứ quán tại Khartoum.
Hôm 18/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, một đoàn xe ngoại giao Mỹ đã bị nã đạn ở Sudan.
Lực lượng RSF kiểm soát một số khu vực ở Khartoum (ảnh: SCMP)
Hôm 21/4, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng công bố kế hoạch gửi máy bay quân sự tới Djibouti, sẵn sàng sơ tán công dân và quan chức khỏi Sudan.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, 1 máy bay vận tải C-130 và 50 nhân viên quân sự, y tế đã được phái đi.
“Máy bay vận tải và quân đội của chúng tôi có mặt ở căn cứ quân sự Mỹ tại Djibouti và sẽ theo dõi tình hình, sẵn sàng hỗ trợ sơ tán”, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, 1 máy bay vận tải C-130 và binh sĩ nước này đã được điều động tới Djibouti. Một máy bay C-2 và 1 máy bay tiếp liệu trên không KC-767 sẽ theo sau.
Nhật Bản có một căn cứ quân sự nhỏ ở Djibouti.
Theo SCMP, có 25 công dân Hàn Quốc và 63 công dân Nhật Bản sống ở Sudan, hầu hết là ở thành phố Khartoum.
Chưa rõ Hàn Quốc và Nhật Bản có bao nhiêu quan chức ngoại giao ở Sudan.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, phương án sơ tán bằng đường bộ đang được tính đến bởi các sân bay ở Khartoum và ở biên giới Sudan đều không hoạt động.
Vương Nam – SCMP