Binh sĩ Azerbaijan trong cuộc đụng độ với Armenia năm 2020 (ảnh: AP)
“Trong tình hình lãnh thổ có chủ quyền của Armenia bị xâm lược, chính phủ quyết định gửi lời kêu gọi đến Nga nhằm kích hoạt các điều khoản của Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác và tương trợ, cũng như đến Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, chính phủ Armenia thông báo sau cuộc họp do Thủ tướng Pashinyan chủ trì hôm 13/9.
Theo RT, Armenia chưa gửi lời kêu gọi hỗ trợ chính thức nào đến Nga.
Cùng ngày 13/9, Cơ quan báo chí của Hội đồng An ninh Armenia cho hay, Thủ tướng Pashinyan đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin về tình tình xung đột ở biên giới.
“Thủ tướng cho rằng hành động của Azerbaijan là không thể chấp nhận và nhấn mạnh tầm quan trọng của một phản ứng tập thể từ cộng đồng quốc tế”, TASS dẫn thông báo từ Cơ quan báo chí thuộc Hội đồng An ninh Armenia.
Nga và Armenia nằm trong CSTO (khối quân sự bao gồm bao gồm 6 nước Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan). CSTO được cho là có thể huy động khoảng 1 triệu quân và do Nga dẫn đầu.
Armenia và Nga cũng có Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác và tương trợ riêng, ký kết vào 25 năm trước.
Bộ Quốc phòng Armenia cho hay, tình hình dọc biên giới giữa nước này với Azerbaijan đang “cực kỳ căng thẳng”. Pháo, súng cối và máy bay không người lái của Azerbaijan liên tục tấn công, gây thiệt hại cho hạ tầng quân sự và dân sự ở Armenia.
Phía Azerbaijan cho rằng đây là đòn đáp trả nhằm vào Armenia khi “những kẻ phá hoại từ Armenia” dùng bom phá hủy nhiều con đường, tòa nhà thuộc biên giới Azerbaijan hồi tuần trước.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho hay, Washington quan ngại sâu sắc trước xung đột ở biên giới Armenia và Azerbaijan.
“Như chúng tôi đã nói rõ từ lâu, không thể có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt mọi hành động thù địch ngay lập tức”, ông Blinken kêu gọi.
Vương Nam – RT