Cá biệt, như vụ mới nhất với qui mô lên tới hàng ngàn tỷ đồng liên quan tới "nữ quái" trên sàn chứng khoán Huỳnh Thị Huyền Như. Bà Như đã bị cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố bị can. Thực tế và sẽ còn có những vụ vỡ nợ tiếp theo. Vậy đâu là căn nguyên cho sự mất mát đến xé lòng này?
Một vụ vỡ nợ tại Nha Trang - Khánh Hòa
Sóng ... vỡ nợ ?
Khởi đầu cho chiến dịch "ôm" tiền thoát thân là vụ chủ nợ Nguyễn Thị Dậu (Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội), xù số tiền khoảng 150 tỷ đồng của gần 30 nạn nhân thân thiết của người phụ nữ này. Mặc dù, không có nghề nghiệp nhưng Dậu lại rất giỏi trong khâu giao tiếp. Thủ đoạn vay tiền của bà Dậu là dùng mức lãi cao làm mồi nhử và tạo ra quan hệ thân thiết khiến các chủ nợ tin tưởng. Ngoài ra, bà Dậu dùng tiền đi vay để mua vài ngôi nhà mặt đường và 3 chiếc xe ô tô khiến không ai nghi ngờ về năng lực tài chính của bà ta.
Tại cơ quan điều tra, các chủ nợ cho biết, không ít người đã cắm sổ đỏ vào ngân hàng để có tiền cho bà Dậu vay. Những người này tin rằng bà Dậu có một người con trai làm trong ngân hàng nên đã đưa sổ đỏ, nhờ bà Dậu lo thủ tục vay nợ trong ngân hàng. Sau đó, bà Dậu cầm tiền, còn chủ đất nhận lại... giấy vay tiền. Điều đáng lưu tâm là các giấy vay tiền này có hình thức rất sơ sài. Đó là những chiếc phong bì có một dòng chữ viết tay có chữ ký của bà Dậu. Bì thư chỉ ghi số tiền bà Dậu vay, tên chủ nợ (không có họ) và... không hẹn ngày trả.
Cần kiểm soát chặt hơn nữa tín dụng đen
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng (xin được giấu tên - PV) khẳng định, việc vỡ nợ không phải là hiếm từ trước đến nay đối với những người chơi hụi. Theo vị chuyên gia này, trong thời gian ngắn mà xảy ra liên tiếp nhiều vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng như vậy, thực sự là một tiếng chuông cảnh báo những người đang cầm trong tay đồng tiền mà lưỡng lự giữa đầu tư vào ngân hàng hay cho tín dụng đen vay. |
Cũng không kém cạnh, mới đây, hàng trăm người dân ở thị trấn Phú Minh (Phú Xuyên, Hà Nội) như sống trên đống lửa, bởi thông tin hai vợ chồng chủ nợ có tên H. - C. (H. là chồng, C. là vợ, nhà ở xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội) đã biệt tích khỏi địa phương, ôm theo món nợ được cho là lên tới 500 tỷ đồng. Nguồn tin ban đầu cho biết, do tin tưởng vào khả năng tài chính của hai vợ chồng này, nhiều người đã dốc hết tiền trong nhà, thậm chí đi vay của người quen để cho H. C. vay lại với mức lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng.
Ngược lại, để tạo dựng lòng tin với các đối tác cho vay, hai vợ chồng này rất chịu khó đầu tư về hình thức như: Sắm ô tô xịn, xây nhà hoành tráng, đồng thời trả lãi định kỳ hàng tháng rất chính xác. Vì cách thức tinh vi này, hai vợ chồng H. C. càng khiến những người cho vay thêm tin tưởng, tiếp tục "bơm" thêm tiền mà không mảy may tìm hiểu hai vợ chồng này vay nhiều tiền như vậy để làm gì.
Một số chủ nợ cho biết, hầu hết việc vay nợ chỉ được xác nhận bằng hình thức viết tay, do mình C. ký và cũng không ấn định thời gian trả tiền. ước tính, số tiền mà vợ chồng này vay của những người dân địa phương đã lên đến 500 tỷ đồng, nhưng tăm hơi của H. và C. ở đâu thì không ai hay. Hết kiên nhẫn, một số người đã đến nhà hai vợ chồng phong tỏa một số tài sản trong nhà với tinh thần: Vớt được gì hay cái đó.
Một thông tin khác cũng giật gân không kém, cách Hà Nội vẻn vẹn 30 km, nguồn tin về việc vợ chồng giám đốc Công ty Bất động sản Hải Hà (Bắc Ninh) bị bắt, với con số vỡ nợ ban đầu khoảng 500 tỷ không chỉ làm rúng động giới bất động sản mà còn khiến hàng trăm người từ các tỉnh thành khác như: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng,... phải chết lặng về khoản tiền đang gửi vợ chồng này.
Thông tin ban đầu được xác định, vợ chồng giám đốc Công ty Bất động sản Hải Hà là Nguyễn Thị Minh Tâm (50 tuổi) và Nguyễn Chí Việt (55 tuổi), cùng trú tại khu biệt thự Đọ Xá, phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh. Trước kia, Nguyễn Thị Minh Tâm là cán bộ Ngân hàng Công thương Bắc Ninh, phụ trách mảng tín dụng, chuyên cho vay. Sau một thời gian chinh chiến trên thị trường BĐS, Tâm đã có trong tay một số tiền kha khá. Có tiền, hai vợ chồng thành lập công ty Hải Hà và đi đâu cũng không ngừng "nổ" về những dự án... chim bay trên trời của mình.
Cũng từ sự "giàu xổi" này mà vợ chồng Tâm-Việt đã đổi đời thành các "đại gia" tiêu tiền như nước, ở biệt thự sang trọng. Đặc biệt, để chứng tỏ cho mọi người thấy sự giàu sang, vợ chồng Tâm - Việt mua tới 7-8 chiếc ôtô hạng sang, tiền tỷ xếp hàng dài ở công ty và nhà riêng khiến ai nhìn thấy cũng choáng váng. Sự "hoành tráng" trên mà cặp vợ chồng này đã huy động được rất nhiều người cho vay với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng mà không hề "lăn tăn". Thời điểm cao trào, vợ chồng Tâm - Việt đã vay nợ với tổng dư nợ lên tới hơn 500 tỷ đồng. Với lãi suất 3.000đ/ngày/triệu, mỗi ngày Tâm phải trả hơn 1 tỷ đồng tiền lãi.
Bước đầu, Công an tỉnh Bắc Ninh đã chứng minh được Nguyễn Thị Minh Tâm và Nguyễn Chí Việt lừa đảo 3 người, chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng và đang tiếp tục điều tra, làm rõ các trường hợp khác. Hiện, đã có hàng chục bị hại tố cáo đến cơ quan Công an bị vợ chồng Tâm - Việt lừa đảo với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Lãi suất cao, rủi ro lớn từ tín dụng đen
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng: "Tôi cũng đã nghe các phương tiện thông tin đại chúng nói về những vụ vỡ nợ liên tiếp của các chủ hụi trong thời gian qua. Theo tôi, thứ nhất là do ý thức chưa tốt của những người dân. Họ chấp nhận rủi ro, đem tiền của mình đi cho những đối tượng chủ hụi vay. Các đối tượng tín dụng đen đã đánh vào tâm lý ham lãi suất cao của người dân để lừa đảo".
TS. Đặng Đức Sơn, Chủ nhiệm bộ môn Kế toán Kiểm toán (khoa Tài chính ngân hàng, ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra nhận định: "Về cơ bản, vấn đề nhiều người chọn tín dụng đen để cho vay hơn là ngân hàng là một việc khá phổ biến hiện nay. Vấn đề này là do mối quan hệ giữa ngân hàng và các khách hàng còn chưa tốt. Thông tin giữa ngân hàng và các khách hàng trong thời gian qua chưa được thông suốt. Rất nhiều người muốn vay vốn nhưng chưa tiếp cận được với vốn vay từ ngân hàng. Về vấn đề này, có rất nhiều nguyên nhân để giải thích. Thứ nhất là hệ thống thông tin tài chính của các ngân hàng chưa hoàn chỉnh, thứ hai là do các khách hàng thiếu tài sản đảm bảo để ngân hàng tin tưởng cho vay".
TS. Đặng Đức Sơn cho biết thêm: "Theo tôi, chúng ta nên có quy định rõ ràng trong vấn đề cho vay giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, cá nhân với cá nhân, hoặc cá nhân với doanh nghiệp. Làm sao để cho việc vay nợ, luân chuyển vốn giữa các đối tượng này có thể đúng theo pháp luật. Tuy nhiên, việc cho vay là rất ngẫu nhiên, có thể anh em, bạn bè cho nhau vay, bố mẹ cho con cái vay những cái ấy tất cả các nước đều có. Nhiều người chấp nhận rủi ro để cho tín dụng đen vay hoặc vay từ tín dụng đen".
Vương Trần - Văn Chương