Phát biểu tại Tọa đàm “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam" tổ chức ngày 17/2, ông Jeff Paine, Giám đốc điều hành Liên minh Internet Châu Á (AIC) nhận định, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một thị trường lớn, có thể thấy rằng kinh tế số đã giúp thúc đẩy khoảng 31% tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, kinh tế số phát triển cũng kéo theo nhiều bài toán cần giải quyết, một trong số đó là bài toán về khuôn khổ pháp lý.
Vấn đề doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trên không gian mạng
Theo bà Vũ Yến, Giám đốc Công ty Luật Rouse Legal Vietnam, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã nói rất nhiều về sự bùng nổ của nền kinh tế số, đặc biệt ở giai đoạn giãn cách xã hội, khi mọi hoạt động của con người được chuyển dịch sang hình thức trực tuyến từ mua bán, khám bệnh, giải trí… là cơ hội lớn cho kinh tế số phát triển một cách vượt bậc.
Ngoài ra, số nội dung được sản xuất trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram… ngày càng gia tăng theo cấp số nhân, mặt khác, thị trường trò chơi điện tử trong những năm gần đây cũng đã chứng minh được sự tiềm năng của mình với doanh thu 552 triệu USD (số liệu năm 2020 từ Bộ TTTT).
Song, thị trường Internet Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn trên đà phát triển, đặc biệt là nạn tin giả, sai sự thật, nội dung vi phạm pháp luật: hình sự, hành chính, sở hữu trí tuệ,...
Đồng ý quan điểm trên, từ góc nhìn của các doanh nghiệp ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, đại diện Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ, sau khi khảo sát về mối quan tâm trên không gian mạng của các doanh nghiệp như trang thông tin mạng, dịch vụ game, dịch vụ mạng xã hội… cho thấy, an ninh an toàn thông tin là một trong những trọng tâm mà các doanh nghiệp chú ý.
Hơn nữa, nhìn từ chuỗi giá trị thị trường, các doanh nghiệp liên quan đến kênh phân phối, truyền tải nội dung đóng vai trò mấu chốt ở chuỗi mắt xích này.
Ông giải thích thêm, bởi chu trình sẽ bắt đầu từ người tạo ra nội dung, đi qua các kênh truyền tải nội dung như mạng xã hội, trang thông tin điện tử, báo chí, sàn thương mại điện tử, sau đó mới tới người dùng, vậy nên các doanh nghiệp phân phối này chính là cầu nối giữa quan trọng cho thị trường.
Đứng trước những thách thức đó, để kinh tế số được phát triển bền vững, việc đầu tiên và quan trọng cần làm là xây dựng một hành lang pháp lý, hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ nhất có thể, để khắc phục những bất cập phát sinh từ môi trường mạng.
Hơn nữa, nhờ đó cũng góp phần cải cách và số hoá thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, bắt kịp với xu hướng của nền kinh tế số.
“Xương sống" pháp lý còn phức tạp
Bà Yến cho biết, hiện nay, Nghị định 72/2013/NĐ-CP hay còn được biết đến như đạo luật chính thống quản lý các dịch vụ trên internet ở Việt Nam, đã được điều chỉnh từ tháng 12/2021 để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội. Từ đó, nội dung được mở rộng và có mức độ bao trùm hơn khá nhiều.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Đồng cũng bày tỏ sự quan tâm tới Nghị định 72 sửa đổi bởi đây có thể coi là Nghị định “xương sống" của internet Việt Nam, mặt khác, chính các doanh nghiệp cũng đã rất ghi nhận và hoan nghênh khi Bộ TT&TT có những bước đi tích cực làm lành mạnh hoá môi trường thông tin trên không gian mạng.
Tuy nhiên, với tính chất dài và có phần phức tạp của Nghị định, đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho rằng Nghị định đang phải “ôm đồm" quá nhiều mục tiêu chính sách như bản quyền tác giả, quản lý doanh thu, thuế… Từ đó, ông Đồng khuyến nghị nên có sự đổi mới cách tiếp cận chính sách và tiếp cận quản lý từ cả hai phía.
Thứ nhất, những cơ quan quản lý nên xây dựng/đào tạo kỹ năng số cho người dùng để đảm bảo về tính an toàn thông tin, qua đó, đạt được những mục tiêu về mặt chính sách.
Thứ hai, tăng cường giải pháp pháp lý kết hợp với giải pháp công nghệ, không chỉ đơn thuần sử dụng một trong hai giải pháp, nghĩa vụ pháp lý như Nghị định 72 đang đề xuất.
Thứ ba, tạo ra những nhóm làm việc qua nền tảng xuyên biên giới. Nghĩa là các nền tảng nội dung ở trong nước phối hợp cùng các trang tin điện tử trên thế giới, để xử lý và xác nhận thông tin sai phạm được nhanh hơn. Qua đó, còn có thế giải quyết vấn đề trong khuôn khổ liên quốc gia.