Khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm mà không hay biết?
Một vài khách hàng cho rằng mình bị nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên tư vấn bảo hiểm “lừa” ký tham gia hợp đồng bảo hiểm, và nghĩ đây là một dạng gửi tiết kiệm ngân hàng cho đến khi nhận được thông báo đóng phí bảo hiểm năm thứ 2.
“Thực tế, trước khi ký hợp đồng bảo hiểm, khách hàng sẽ phải đọc và ký tên vào một số tài liệu, thông thường đều thể hiện tên gọi, logo của doanh nghiệp bảo hiểm, tên gọi của sản phẩm bảo hiểm. Quy trình ký kết hợp đồng bảo hiểm cũng đòi hỏi khách hàng phải cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm một số thông tin cá nhân như tình trạng sức khỏe, tuổi tác, nhân thân...,” Luật sư Nguyễn Huy Hoàng – Luật sư Thành viên Công ty Luật TNHH Bross và Cộng sự cho biết.
Sau khi ký kết, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cung cấp bộ hợp đồng bảo hiểm và đề nghị khách hàng ký vào giấy xác nhận bàn giao hợp đồng bảo hiểm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện các cuộc gọi chào mừng để xác nhận việc khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm; gửi tin nhắn hoặc thư thông báo đến khách hàng nhằm xác nhận lại mong muốn tham gia bảo hiểm của họ, thông báo tình hình đóng phí, thu phí và chăm sóc khách hàng.
Ngoài ra, theo quy định của luật kinh doanh bảo hiểm, sau khi ký hợp đồng khách hàng có nhiều cơ hội để cân nhắc có tiếp tục tham gia bảo hiểm hay không, cụ thể: đối với hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận hợp đồng, khách hàng có quyền tiếp tục hoặc từ chối tham gia bảo hiểm sau khi đã có nhiều thời gian nghiên cứu kỹ lại các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm.
Luật sư Nguyễn Huy Hoàng, nhấn mạnh: “Nếu các quy trình trên được tuân thủ và khách hàng đã ký kết hợp đồng bảo hiểm thì về nguyên tắc, khách hàng hoàn toàn có thể được xem là biết và phải biết về nội dung hợp đồng bảo hiểm, đã tự nguyện ký kết hợp đồng bảo hiểm, trừ khi khách hàng chứng minh được đã bị đại lý bảo hiểm lừa dối theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 22 Luật Kinh doanh Bảo hiểm”.
Trước khi ký hợp đồng bảo hiểm, khách hàng cần đọc kỹ thông tin nội dung trong hợp đồng và các tài liệu kèm theo. Khách hàng cũng có quyền yêu cầu làm rõ các thắc mắc trong hợp đồng
Tiết kiệm biến thành bảo hiểm?
Theo các chuyên gia, việc nhầm lẫn gửi tiết kiệm ngân hàng thành ký kết hợp đồng bảo hiểm là điều khó xảy ra. “Khi gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm, ngân hàng có trách nhiệm cấp sổ tiết kiệm cho khách hàng, và trên đó thể hiện rõ nội dung sổ tiết kiệm và thông tin ngân hàng. Dù nhân viên tư vấn có giới thiệu về hợp đồng bảo hiểm tặng kèm miễn phí khi gửi tiền, trước tiên khách hàng vẫn cần yêu cầu được cầm trên tay sổ tiết kiệm phản ảnh đúng số tiền mình đã gửi vào. Như vậy mới chắc chắn đó là gửi tiết kiệm”, theo ông Ngô Trung Dũng, phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
Nếu thấy đây là hợp đồng bảo hiểm, “khách hàng có quyền làm rõ các thắc mắc. Luôn luôn đọc kỹ các điều khoản để hiểu rõ sản phẩm mình đang mua”, ông Dũng cho biết thêm.
Khách hàng bị ép mua bảo hiểm?
Một số khách hàng cho rằng họ bị nhân viên tư vấn “ép” mua bảo hiểm. Ông Dũng chia sẻ: “Quyết định mua bảo hiểm là quyền của khách hàng và khách hàng phải đồng ý ký xác nhận trên đơn yêu cầu bảo hiểm. Không ai có thể bắt ép khách hàng ký kết nếu khách hàng không muốn. Vì vậy, việc ‘ép’ mua bảo hiểm là khó có thể xảy ra nếu không có sự đồng ý, thỏa thuận giữa hai bên”.
Thông tin bị kê khai sai?
The Quy định của luật Kinh doanh bảo hiểm và quy định trong hợp đồng bảo hiểm, khách hàng có nghĩa vụ kê khai, hoặc có thể nhờ nhân viên tư vấn bảo hiểm hỗ trợ, nhưng phải đảm bảo tính chính xác, đầy đủ và trung thực các thông tin theo yêu cầu trên “Đơn yêu cầu bảo hiểm nhân thọ” (như tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, yêu cầu bảo hiểm…). Sau đó, người tham gia sẽ phải đóng phí bảo hiểm theo hợp đồng đã ký kết.
Ông Dũng cũng gửi lời khuyên tới khách hàng: “Khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin khi ký kết hợp đồng bảo hiểm, đảm bảo hiểu rõ ràng và không có sai sót. Đặc biệt, hãy tự kê khai thông tin thay vì để nhân viên tư vấn kê khai giúp. Việc để nhân viên tư vấn điền thông tin giúp có thể giúp khách hàng tiết kiệm thời gian nhưng có thể dẫn đến những mơ hồ và nhầm lẫn sau này. Vì vậy, để hiểu đầy đủ về hợp đồng, tốt nhất là khách hàng phải đọc tất cả các thông tin chi tiết và tự điền vào bảng thông tin. Khách hàng nên nhận thức đầy đủ về những biểu mẫu, bảng thông tin mà khách hàng đã ký.”
Khách hàng nên tự kê khai thông tin và đảm bảo tính chính xác, đầy đủ và trung thực các thông tin theo yêu cầu trên “Đơn yêu cầu bảo hiểm nhân thọ”
Cơ quan chức năng tiến hành điều tra công ty bảo hiểm nào thì công ty đó sai phạm?
Gần đây, một số doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng đối tác bị khách hàng khiếu nại nên đang được các cơ quan chức năng điều tra. Nhiều người lầm tưởng sai phạm luôn nằm ở phía các doanh nghiệp nhưng thực tế, sai sót cũng có thể nằm ở phía khách hàng.
Theo ông Dũng, điều tra là hoạt động bình thường để làm rõ các khiếu nại và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và cả công ty bảo hiểm khi có tranh chấp hoặc khiếu kiện. Việc cho rằng các công ty bảo hiểm sai phạm là không có căn cứ theo pháp luật khi vấn đề cũng có thể nằm ở phía khách hàng hay các cá nhân, đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, việc công ty bảo hiểm hoàn tiền cho khách hàng không nhất thiết thể hiện công ty bảo hiểm sai phạm. Trong một số trường hợp, công ty bảo hiểm hoàn lại phí bảo hiểm với mục đích để hỗ trợ khách hàng trên những cơ sở cân nhắc ngoại lệ.